Chủ nhật, 24/11/2024 06:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/05/2019 08:05 (GMT+7)

Ngành logistics thiếu khoảng 2 triệu nhân lực

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hiện rất thiếu, riêng ngành logistics còn thiếu khoảng 2 triệu nhân lực.

Ngày 16/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP HCM phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Dự án Au4mSkills do Chính phủ Australia tài trợ, tổ chức diễn đàn "Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam".

Tham dự diễn đàn có hơn 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đại biểu đã thảo luận, xây dựng kế hoạch phối hợp hành động cụ thể giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trường dạy nghề, doanh nghiệp logistics nhằm thu hẹp khoảng cách cung - cầu về kỹ năng tại Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp cho biết, theo nghiên cứu của Hiệp hội doanh nghiệp logistics, hiện Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế.

Ngành logistics thiếu khoảng 2 triệu nhân lực - Ảnh 1
Ngành logistics Việt Nam còn thiếu khoảng 2 triệu nhân lực. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 10% doanh nghiệp là liên doanh, còn lại 89% doanh nghiệp Việt Nam thuần túy. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hiện rất thiếu. Theo ông Hiệp, hiện ngành logistics còn thiếu khoảng 2 triệu nhân lực.

Là ngành xương sống trong lĩnh vực logistics, nhưng tình trạng nguồn lao động vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường lao động cũng như xu hướng phát triển công nghệ của ngành. Đây là thách thức lớn không chỉ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, các trường dạy nghề ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng sinh viên so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; sinh viên mới tốt nghiệp thường được xếp vào những vị trí tay nghề thấp, mức lương khiêm tốn để các nhà tuyển dụng đào tạo lại. Ngược lại, có đến 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực này, bao gồm cả nhân sự quản lý cấp cao, lao động phổ thông.

Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Thực tế, nhu cầu lớn về nhân lực logistics đã được dự báo từ trước, nhưng cung vẫn thiếu so với nhu cầu đào tạo. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh và đến năm 2039, con số sẽ là 2 triệu lao động từ cao cấp đến phổ thông, có trình độ chuyên môn, Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT), ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chia sẻ về việc chính phủ Australia hỗ trợ ban tư vấn đào tạo ngành logistics thông qua chương trình Aus4Skills, bà Petrina Lawson - Phó Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP HCM cho biết: "Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam cải thiện ngành logistics, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam".

Đại diện VCCI - Chi nhánh TPHCM cũng chia sẻ tại diễn đàn kinh tế thế giới vừa qua, một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để tìm được lao động phù hợp, bên cạnh đó, khả năng người lao động dịch chuyển rất cao.

Theo đó, các doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động chỉ đáp ứng được 29% hoặc đáp ứng được một phần khoảng 67% nhu cầu cầu của họ. Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao. 74% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng vị trí cán bộ kỹ thuật. Tương tự, số doanh nghiệp khó tuyển dụng được các vị trí giám sát và quản lý rất lao, lần lượt là 84% và 91%...

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn nhân lực cho logictics vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành này. Để đáp ứng nhu cầu hiện nay, việc đào tạo cần tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế, điểm yếu của nguồn nhân lực logistics Việt Nam là tính kỷ luật và khả năng làm việc tập thể. Các cơ sở đào tạo bên cạnh cung cấp kiến thức, kỹ năng, cần phải quan tâm đến rèn luyện tính kỷ luật, chuyên nghiệp cho người lao động, đa dạng hóa loại hình và hình thức đào tạo.

Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu giảm chi phí logistics từ 18% GDP xuống còn hơn 11% theo mức chi phí chung của thế giới, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cải thiện khả năng giao hàng, nâng cấp chất lượng dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả thông quan, rút ngắn thời gian, giảm chi phí… việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics cần được tập trung, chú trọng và đầu tư xứng đáng.

Xuân Đoàn (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ngành logistics thiếu khoảng 2 triệu nhân lực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới