Chủ nhật, 24/11/2024 06:51 (GMT+7)
Thứ ba, 22/03/2022 10:00 (GMT+7)

Ngày Nước thế giới 2022: ‘Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình’

Theo dõi KTMT trên

Với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Nước thế giới năm nay nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề cao vai trò của nước ngầm

Tại Việt Nam, nước ngầm càng ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho thấy, tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).

Bên cạnh đó, khoảng 62% người dân nông thôn được cấp nước sạch, hầu hết nguồn cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là nước dưới đất.

Tuy nhiên, hiện nay, nước ngầm đang chịu những sức ép lớn về suy giảm mực nước/cạn kiệt tầng chứa nước; gia tăng ô nhiễm, nhiễm mặn các tầng chứa nước và sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình. Việc khai thác quá mức nước dưới đất mà không có sự kiểm soát chặt sẽ gây ra một số tác động như: Làm thấp mực nước dưới đất do việc khai thác nước ngầm tràn lan, không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước ngầm tại khu vực cạn kiệt dần và làm thấp mực nước ngầm; ảnh hưởng tới công trình khai thác nước ngầm.

Ngày Nước thế giới 2022: ‘Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình’ - Ảnh 1
Ngày Nước thế giới 2022 nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

So với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn, nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thẩm thấu lớn, làm cho nước mặt thấm xuống nhiều cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Bên cạnh đó, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước, làm ô nhiễm nước dưới đất.

Cùng với đó, quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thủy lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm… Trên cơ sở này, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo, khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài, tốn kém.

Nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững, năm 2022, Liên Hợp Quốc đã chọn chủ đề cho Ngày Nước thế giới (22/3) là “Nước ngầm” (Groundwater).

Tăng cường hợp tác, sử dụng bền vững nguồn nước ngầm

Với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Nước thế giới năm nay nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong thông điệp Ngày Nước thế giới 2022 (22/3), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi “tăng cường hợp tác để có thể cân bằng bền vững giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên, đồng thời khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước ngầm cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.

Ngày Nước thế giới 2022: ‘Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình’ - Ảnh 2
Ngày Nước thế giới 2022 với chủ đề "Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”.

Nhu cầu về nước của nhân loại đang lớn dần. Áp lực lên nguồn nước ngày càng tăng do việc sử dụng quá mức, tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Các đợt hạn hán và sóng nhiệt diễn ra ngày càng gay gắt và thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng đang thúc đẩy xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước ven biển. Các tầng chứa nước ngầm đang dần bị cạn kiệt.

Nước có thể là nguồn gốc của xung đột nhưng cũng có thể là khởi nguồn của sự hợp tác. Điều quan trọng là chúng ta phải chung tay để quản lý tốt hơn tất cả các nguồn nước, bao gồm cả nguồn cung cấp nước ngầm trên thế giới. Nước ngầm không thể nhìn thấy, nhưng chúng ta không thể vì thế mà không nghĩ và quan tâm đến nó. Được tích trữ trong đá và đất, nước ngầm là nguồn nước ngọt ở trạng thái lỏng lớn nhất của chúng ta. Nó giúp duy trì nguồn cung cấp nước uống, hệ thống vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp và các hệ sinh thái. Tuy nhiên, khoảng 20% các tầng chứa nước trên thế giới đang bị khai thác quá mức.

"Ở nhiều nơi, chúng ta chỉ đơn giản là không biết trữ lượng của nguồn tài nguyên quý giá này còn bao nhiêu. Chúng ta cần cải thiện hoạt động thăm dò, giám sát và phân tích các nguồn nước ngầm để bảo vệ và quản lý chúng tốt hơn, cũng như giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững" - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho hay.

Hội nghị về nước của Liên Hợp Quốc vào năm tới sẽ tạo cơ hội quyết định để thúc đẩy động về nước vì sự phát triển bền vững. Nhân Ngày Nước thế giới, chúng ta hãy cùng cam kết tăng cường hợp tác giữa các ngành và hợp tác xuyên biên giới để có thể cân bằng bền vững giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên, đồng thời khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước ngầm cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Thông điệp chính của chiến dịch Ngày Nước thế giới 2022:

1. Nước ngầm là vô hình, nhưng lại có tác động hữu hình khắp mọi nơi.

2. Hầu như tất cả nước ngọt ở trạng thái lỏng trên thế giới đều là nước ngầm, hỗ trợ cung cấp nước uống, điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và các hệ sinh thái.

3. Những gì chúng ta làm trên mặt đất đều có ảnh hưởng tới nước ngầm. Chúng ta chỉ được phép đặt các sản phẩm vô hại, có thể phân hủy sinh học vào trong đất, và phải sử dụng nước một cách hiệu quả nhất có thể.

4. Nước ngầm là nguồn tài nguyên không biên giới. Chúng ta phải chung tay để quản lý nguồn tài nguyên này.

5. Chúng ta không thể quản lý những gì chúng ta không đo lường được. Nước ngầm phải được thăm dò, phân tích và giám sát kỹ lưỡng.

6. Nước ngầm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta phải bảo vệ nguồn nước ngầm và cân bằng giữa nhu cầu của con người và hành tinh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ngày Nước thế giới 2022: ‘Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới