Chủ nhật, 24/11/2024 08:44 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/03/2020 11:26 (GMT+7)

Ngày Nước và Khí tượng thế giới 2020: 'Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước'

Theo dõi KTMT trên

Năm 2020, Liên hợp quốc chọn chủ đề Ngày Nước thế giới là “Nước và Biến đổi khí hậu” và chủ đề Ngày Khí tượng thế giới cũng là "Khí hậu và Nước" với khẩu hiệu "Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước".

Chiều 20/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin cho báo chí về các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới năm (23/3) và Giờ Trái đất năm 2020 (28/3).

Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới

Tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm.

Ngày Nước và Khí tượng thế giới 2020: 'Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước' - Ảnh 1

Theo số liệu của UNICEF (năm 2019) thì hiện nay có khoảng gần 1/3 tổng dân số thế giới không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn. Vì vậy, Liên hợp quốc chọn chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là “Nước và Biến đổi khí hậu” và chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2020 cũng là "Khí hậu và Nước" với khẩu hiệu "Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước". Thông điệp để cộng đồng hướng đến:

Cấp thiết phải đo đạc giám sát lượng mưa trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ cho các mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến quản lý tài nguyên nước để sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai. Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững chính là thích ứng với biến đổi khí hậu. Hãy góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay. Điều đó chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường. Chính vì vậy, các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Công tác quản lý tài nguyên nước cần tập trung:

Xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông làm cơ sở triển khai các giải pháp phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước.

Tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước. Vận hành các hồ chứa tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu và giảm thiểu các tác hại do lũ lụt, hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm trên các lưu vực sông; tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của các hoạt động xả nước thải; thu gom xử lý ô nhiễm từ nguồn; khuyến khích đầu tư vào công nghiệp xử lý nước thải. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ công bằng và hợp lý các nguồn nước liên quốc gia.

Việt Nam được biết đến là một đất nước có rất nhiều bão, lũ hàng năm, đặc biệt có nhiều dòng sông xuyên biên giới. Song song với nỗ lực quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho việc thu thập và chia sẻ dữ liệu về mưa, về nước là cơ sở cho các hoạt động giám sát và dự báo thủy văn, cũng như cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán. Tuy nhiên, công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn luôn là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ, nhất là các thiên tai liên quan đến mưa, nước.

Ngày Nước và Khí tượng thế giới 2020: 'Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước' - Ảnh 2
Ngày Nước thế giới 22/3/2020 được phát động với chủ đề ''Nước và biến đổi khí hậu''.

Ngành tài nguyên và môi trường mong muốn nhận được sự chia sẻ và tham gia tích cực chủ động của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai về nước và khí hậu để không ai bị bất ngờ bởi lũ lụt và có đủ thời gian để ứng phó với hạn hán. Với vai trò giám sát, theo dõi và dự báo cảnh báo diễn biến của nguồn nước nói chung, cụ thể là dự báo thời tiết, thủy văn đón đầu những vận động của thiên nhiên phục vụ cho đời sống cộng đồng cần có những hành động thay đổi mạnh mẽ, cụ thể:

Hoàn thiện hệ thống thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển. Khuyến khích, đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn, tạo cơ sở phát triển thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, tiến tới xây dựng nền công nghiệp khí tượng thủy văn ở nước ta.

Tăng cường giám sát, quản lý thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tập trung, đồng bộ, hiện đại, sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các kiến trúc của khoa học công nghệ 4.0 để quản lý, khai thác, chia sẻ và thực hiện các dịch vụ khí tượng thủy văn.

Tăng cường nguồn lực cho các hoạt động khí tượng thủy văn quan trọng, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, quan trắc nguồn nước, xâm nhập mặn; tăng mật độ trạm đo ở vùng thượng nguồn các con sông, tăng hệ thống ra đa thời tiết để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn, nguồn nước, trong đó gồm cả dự báo tác động, rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm. Đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số, tiên tiến, bao gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các mô hình, các số liệu thời gian thực sử dụng tối ưu số liệu vệ tinh, radar, số liệu hồ chứa… Triển khai các Chương trình của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai.

Triển khai xây dựng Đề án cấp quốc gia về khoa học công nghệ, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão quốc tế và các nước tiên tiến nhằm tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng qua đó nâng cao năng lực cho ngành khí tượng thủy văn đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển bền vững.

Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cần sự chung tay của tất cả các ban, ngành trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học. Các ngành sử dụng nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy điện, giao thông thủy… cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để ứng phó với diễn biến bất thường của tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, cùng với các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Mỗi người dân sử dụng nước tiết kiệm hàng ngày, tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước là những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tắt điện hưởng ứng Giờ trái đất

Chủ đề, thông điệp Giờ Trái đất năm 2020 tập trung các hoạt động nhằm nâng cao hành vi để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã... Qua đó, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.

Ngày Nước và Khí tượng thế giới 2020: 'Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước' - Ảnh 3

Hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2020 cùng thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni - lông; không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã…; tăng cường nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến để quảng bá, tuyên truyền chủ đề, thông điệp Giờ Trái đất; tăng cường thời lượng, dung lượng đăng phát về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường; phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, góp phần hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh có tính chất truyền nhiễm cao.

Đặc biệt, nhằm cộng hưởng hành động Giờ Trái đất năm 2020, mỗi tổ chức, cá nhân căn cứ điều kiện thực tế cùng hưởng ứng tham gia hoạt động ‘‘tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 - 21h30 ngày 28/03/2020 (Thứ Bảy).

Nguyễn Phượng

Bạn đang đọc bài viết Ngày Nước và Khí tượng thế giới 2020: 'Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới