Nghịch lý thiếu – thừa và những rủi ro trong quản lý đất rừng
Tình trạng nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất trong khi hàng triệu ha đất rừng do các nông, lâm trường quản lý, sử dụng không hiệu quả là một nghịch lý đã được nhận diện từ hàng chục năm nay.
Tại cuộc hội thảo: “Nghịch lý thiếu – thừa: Giải pháp nào cho quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh?” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 30/11 tại Hà Nội, nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, tháo gỡ khó khăn trong sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống cho người dân đã được đề xuất.
Cụ thể, theo các ý kiến tại hội thảo, nguồn lực đất nông lâm trường hiện nay chưa phát huy hiệu quả. Tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; Tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.
Ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho biết, địa bàn sinh sống của người dân tộc thiểu số chủ yếu ở vùng miền núi, nơi chiếm 3/4 diện tích của cả nước. 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông, tư liệu sản xuất chủ yếu là rừng và đất rừng.
Ông Bình chia sẻ: “Tuy nhiên tính đến nay có đến hơn 82 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58 nghìn hộ thiếu đất ở, đây là một nghịch lý":
Theo ông Bình, cơ chế quản trị doanh nghiệp, quản trị đất đai đối với các công ty nông lâm nghiệp không có hiệu quả, nhiều đơn vị không thể hoạt động nhưng lại không có cơ chế để phá sản.
“Vấn đề đặt ra đối với các hộ di dân tự do là làm thế nào để công nhận hộ khẩu và giải quyết đất đai”,
Ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Văn phòng Quốc hội
Các công ty, nông trường nông lâm nghiệp đã đề xuất các phương án đổi mới, sản xuất tuy nhiên ở các phương án này đều do công ty tự làm chủ, vai trò của chính quyền địa phương, người dân ở xã huyện, địa phương rất mờ nhạt, không đem lại lợi ích phát triển cho khu vực. Các công ty nông lâm nghiệp đều duy trì bằng tiền dịch vụ môi trường rừng và rừng thì vẫn mất, người dân vẫn không có đất sinh kế.
Cùng với đó, trong một thời gian dài, công tác quản lý nhân khẩu bị buông lỏng, thiếu kiểm soát đã để tình trạng người dân di cư tự do từ các địa phương về Tây Nguyên với số lượng rất lớn và có hiện tượng phá rừng để lấy đất sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân thuộc PanNature - nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Địa lý và Phát triển bền vững Lausanne, Thụy Sĩ phát biểu ý kiến về vấn đề này, qua khảo sát tại Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng bào miền núi ở đây "rất thiếu đất".
Bà Vân nói: "Khi mà nhu cầu mở rộng diện tích trồng keo thương mại tăng trong khi quỹ đất sẵn có không còn thì những xung đột và mâu thuẫn về đất chắc chắn sẽ xảy ra. Mâu thuẫn giữa các hộ gia đình về đất đai tăng cao, nguy cơ xâm lấn đất đai khu vực xung quanh rừng tăng cao. Đầu tiên là đất tạm giao cho UBND xã quản lý, chưa có chủ rừng rồi đến các khu vực rừng tự nhiên xung quanh".
Theo bà Vân, những thay đổi đối với cơ chế quản trị các công ty lâm nghiệp cùng với thị trường hàng hóa phát triển nhanh chóng và động lực tìm kiếm nguồn lực từ rừng trồng đã và đang tạo ra nhu cầu về đất sản xuất, tạo ra sức ép lớn và gây rủi ro trong quản lý và đảm bảo hiệu quả sử dụng đối với các diện tích rừng còn lại.
Song song cạnh đó, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi - Cisdoma chia sẻ: Sự thiếu nhất quán giữa thống kê đất đai mà các nông lâm trường đang có cũng như thống kê đất đai bà con đang sử dụng cũng gây ra nhiều vướng mắc trong khâu xử lý.
Nhiều địa phương giao rừng cho dân sử dụng trồng keo thương mại nhưng lại không có chính sách hướng dẫn người dân sử dụng sao cho hiệu quả, thâm canh thế nào đạt được giá trị thương mại tốt nhất, dẫn đến việc sử dụng đất không đem lại giá trị cao.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Cần đề xuất, việc nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp cần được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu, với mục tiêu đến 2025 có 100% công ty nông lâm nghiệp được xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính, đất đai, kinh doanh có lãi, đạt tiêu chí phổ biến về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế.
Hướng tới mục tiêu này, ông Phạm Văn Hạnh, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Cần hoàn thiện quy định pháp luật về mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, cụ thể là quy định tỉ lệ vốn điều lệ Nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần quản lý nhiều đất đai; Quy định về sáp nhập, hợp nhất một số công ty trên cùng địa bàn, cùng chủ sở hữu; Quy định về kinh phí hỗ trợ giải quyết các tồn tại tài chính đối với công ty giải thể; Hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho công tác đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Bước tiếp theo, sau khi xử lý, sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp là phải có cơ chế, chính sách phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty này.
Cùng với đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định đặc thù về tài chính, thuế sử dụng đất; Đề xuất cơ chế giao vốn, tài sản trên đất về địa phương; Quy định cơ chế đặt hàng nhiệm vụ công ích; Đồng thời hoàn thiện cơ chế thúc đẩy phát triển dịch vụ môi trường rừng.
Đặc biệt, theo ông Hạnh, các quy định này cần căn cứ vào đặc thù của rừng khi thiết lập khung khổ kinh doanh dưới tán rừng; Cơ chế tín dụng cũng cần phù hợp với chu kỳ cây trồng dài ngày.
Bùi Hằng