Chủ nhật, 24/11/2024 08:02 (GMT+7)
Thứ tư, 21/10/2020 08:42 (GMT+7)

Ngổn ngang nhiều dự án, Vinaconex xoay vốn như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Trong khi dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort tại Phú Yên đang cần vốn để triển khai thì áp lực vốn lại tăng lên khi Vinaconex trúng thầu dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông hơn 2.000 tỉ đồng.

Nguy cơ “vỡ trận” khi doanh nghiệp thiếu vốn

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính vừa được lựa chọn làm nhà thầu cho gói thầu XL03: Thi công xây dựng đoạn Km47+672 thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây với giá trúng thầu hơn 2.300 tỉ đồng. Dự án cũng đã được khởi công từ ngày 30/9/2020.

Từng đảm nhiệm thi công nhiều dự án cao tốc trên cả nước, Vinaconex được biết đến là một trong những nhà thầu lớn và có uy tín trong lĩnh vực xây lắp. Tuy nhiên, với việc cùng lúc triển khai nhiều dự án, trong khi nguồn tài chính không được “dồi dào” như nhiều năm trước đây, khả năng “vỡ trận” dự án của Vinaconex cần phải được lưu ý.

Ngổn ngang nhiều dự án, Vinaconex xoay vốn như thế nào? - Ảnh 1
Phối cảnh Resort biệt thự Marina Bay và Bazaar Avenue nằm trong dự án Cát Bà Amatina do Vinaconex ITC, côngty con của Vinaaconex làm chủ đầu tư. Ảnh: Vinaconex ITC.

Báo cáo tài chính cho thấy, dòng tiền hoạt động kinh doanh của VCG bắt đầu âm từ năm 2018 ở mức 50 tỉ đồng kéo dài cho đến nay. Trong đó, năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh bị âm mạnh nhất ở mức 1.493 tỉ đồng. Đến quý I/2020, số tiền này giảm xuống còn 1.061 tỉ đồng, hết quý II/2020, vẫn âm 58 tỉ đồng.

Trước đó, lợi nhuận của VCG đạt đỉnh 1.629 tỉ đồng vào năm 2017, tuy nhiên đến năm 2018, lợi nhuận giảm về còn 639 tỉ đồng, năm 2019 duy trì ở mức 787 tỉ đồng. Hết quý II/2020, lợi nhuận sau thuế còn gần 400 tỉ đồng.

Nhiều năm qua, nợ phải trả đã giảm nhưng vẫn ở mức cao so với cơ cấu tổng nguồn vốn. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020, nợ phải trả của VCG ở mức 10.274 tỉ đồng, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu. Tỉ lệ này cho thấy, tài sản của công ty được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản đang hiện hữu. Trong khi đó, công ty phải trích tới 553 tỉ đồng để dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn, trích 7,6 tỉ đồng cho khối nợ xấu hơn 976 tỉ đồng, đã làm ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Trong khi đó, VCG đang có rất nhiều dự án triển khai dở dang, đơn cử như dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà (dự án Cát Bà Amatina), dự án 93 Láng Hạ…, hay tới đây VCG phải thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort tại tỉnh Phú Yên.

Ôm đồm hàng loạt dự án dở dang, song thiếu vốn, vướng thủ tục pháp lý… khiến cho Vinaconex bị chôn vốn rất lớn, quỹ đất đai bỏ hoang dở dang, gây lãng phí tài nguyên. Mặc dù vậy, VCG vẫn đang theo đuổi nhiều gói thầu khác đầu tư theo hình thức BOT và đầu tư công, 100% vốn Ngân sách nhà nước. Trong trường hợp tiếp tục trúng thầu, Vinaconex sẽ xoay sở nguồn tiền ở đâu để đảm bảo triển khai các dự án đúng tiến độ là vấn đề đang bỏ ngỏ.

Bỏ ngỏ nguồn vốn của Liên danh trúng thầu

Có lẽ chính vì nuôi tham vọng tại nhiều dự án, đầu tư dàn trải, sức ép về vốn quá lớn, VCG đã chọn cách liên danh, liên kết với nhiều doanh nghiệp khác để đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính để triển khai dự án.

Tại gói thầu XL03: Thi công xây dựng đoạn Km47+672-km83 mới trúng thầu, VCG đã liên danh với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, một doanh nghiệp “hạt tiêu”, khởi nghiệp với số vốn điều lệ khiêm tốn 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp này đã tham gia các dự án có tổng mức đầu tư lên đến nghìn tỉ, dần tạo nên tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng cầu đường.

Để triển khai gói thầu XL03, Vinaconex và đối tác sẽ phải sắp xếp nguồn vốn tối thiểu cả trăm tỉ đồng. Trước mắt là thu xếp vốn cho khoản ký quỹ 20% giá trị gói thầu, tương ứng với số tiền khoảng 460 tỉ đồng. Và dù đối tác Trung Chính có mạnh đến đâu cũng không thể gánh vác thay nghĩa vụ tài chính của VCG.

Liên quan đến phương án thu xếp nguồn vốn phục vụ việc triển khai các dự án, phóng viên Kinh tế Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với VCG tuy nhiên không nhận được bất cứ phản hồi nào từ doanh nghiệp này.

Ngổn ngang nhiều dự án, Vinaconex xoay vốn như thế nào? - Ảnh 2
Nợ vay của VCG giảm dần qua các năm tuy nhiên vẫn ở mức cao (Nguồn số liệu từ báo cáo tài chính VCG). 

Theo tìm hiểu, mới đây, VCG đã thông qua kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán chỉ ở mức 15.000 đồng, tức thấp hơn 42% so với giá cổ phiếu trên sàn. Nếu chào bán thành công toàn bộ, số tiền mà Vinaconex thu về đạt khoảng 994 tỉ đồng.

Ngoài ra, Vinaconex còn đang muốn chuyển nhượng gần 17,5 triệu cổ phiếu ND2 (CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 - Nedi2, mã CK: ND2) tương ứng 35% vốn điều lệ của Nedi2 cho đối tác.

Trước đó, động thái thoái vốn khỏi Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) diễn ra vào tháng 8/2020 mới đây đã đem về cho VCG khoảng 2.000 tỉ đồng.

Mặc dù không dồi dào về nguồn vốn, nhưng trong quý III/2020, Vinaconex còn có kế hoạch bổ sung 2.000 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ cho 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng và Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư.

Cần lưu ý rằng, nhiều dự án của Vinaconex đang trong tình trạng “khát vốn”, đơn cử như dự án Khu du lịch Cái Giá – Cát Bà với tổng mức đầu tư 1 tỉ USD. Vào năm 2019, bằng việc phát hành 3 triệu trái phiếu trị giá 300 tỉ đồng cho Tổng công ty mẹ Vinaconex thì Vinaconex – ICT mới có thêm vốn để nộp tiền sử dụng đất cho dự án, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất và bổ sung vốn lưu động thực hiện dự án. Hiện, Vinaconex ITC, công ty con của VCG đã phê duyệt phương án vay vốn tại ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Sài Gòn với số tiền tối đa 2.500 tỉ đồng, nhằm đầu tư dự án này.

Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (tên thương mại là Cát Bà Amatina) có quy mô 172ha, được VCG xem là trọng điểm và chiến lược của Vinaconex ITC, cũng như Tổng công ty Vinaconex từ thập kỷ trước. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khiến dự án bị đình trệ suốt nhiều năm nay, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thu hồi.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng mới đây vừa đồng ý chủ trương để Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR) tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, giao các sở, ban, ngành nghiên cứu trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định dựa trên đề xuất điều chỉnh dự án của chủ đầu tư, kiểm tra, rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và xem xét việc sử dụng khu vực biển của dự án sau điều chỉnh.

Ngoài ra, thời gian tới, VCG sẽ phải rót vốn thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort (đường Độc Lập, TP Tuy Hòa, Phú Yên) có tổng vốn đầu tư là 2.105 tỉ đồng. Theo đó, VCG phải đảm bảo tiến độ đưa đất vào sử dụng là không quá 12 tháng kể từ ngày bàn giao đất. Tiến độ hoàn thành công trình là không quá 24 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa. Báo cáo tài chính cho thấy, Vinaconex đã thế chấp quyền sử dụng đất của dự án này để vay được 450 tỉ đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long với mức lãi suất 10,5%.

Trong tình thế ôm hàng loạt dự án thi công dở dang, đói vốn, cùng khối nợ phải trả lên tới 10.274 tỉ đồng (hết quý II/2020), dư luận đang đặt ra câu hỏi việc triển khai thi công gói thầu XL03 của Vinaconex liệu có rơi vào tình trạng “đắp chiếu” nằm chờ như nhiều dự án trong thời gian qua?

Khang Anh

Bạn đang đọc bài viết Ngổn ngang nhiều dự án, Vinaconex xoay vốn như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới