Chủ nhật, 24/11/2024 10:27 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/05/2022 06:00 (GMT+7)

Người lao động loay hoay trong cơn “bão giá”

Theo dõi KTMT trên

Câu chuyện về giá cả đã trở thành đề tài “nóng”, được nhiều người dân quan tâm trong thời gian gần đây. Các mặt hàng thi nhau tăng giá, hình thành cơn “bão giá”, bủa vây người lao động.

Cơn “bão giá” nổi lên, bủa vây người lao động

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I-2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Giá xăng tăng dẫn đến giá các mặt hàng khác cũng tăng theo. Chị Nguyễn Thị Ánh (nhân viên hành chính một công ty tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trước đây ra chợ một mớ rau chỉ có giá 5.000 đồng đến 7.000 đồng. Vậy mà sau khi xăng tăng giá, mớ rau lên đến hơn 10.000 đồng. Tiền các loại thực phẩm khác như thịt, cá cũng thi nhau tăng giá. Giờ mau sắm gì cũng phải tính toán xem có phù hợp hay không. Đồ ăn thì cứ lên giá còn tiền lương của mình thì vẫn vậy. Chi tiêu gia đình mỗi tháng tăng lên rất nhiều”.

Người lao động loay hoay trong cơn “bão giá” - Ảnh 1

Trao quà hỗ trợ cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Đức Hùng (nhân viên vận chuyển khu vực Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, giá cả xăng dầu tăng khiến các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo, mỗi thứ một tí khiến đồng lương còm giờ lại vơi đi nhanh hơn. “Nói đi đâu xa. Tối qua tôi đi ship đồ cho khách về ghé quán quen ăn bát phở mà thấy tăng giá rồi. Trước có 30 nghìn đồng giờ đã lên 45 nghìn đồng”, anh Hùng nói.

Từ khi trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, chị Bùi Như Loan (quê ở tỉnh Hòa Bình, thuê trọ tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) sáng nào cũng tất bật dậy sớm để nấu cơm mang đi ăn trưa. Chị Như Loan chia sẻ, giá một bữa ăn trưa trước đây khoảng 30.000-35.000 đồng thì nay lên giá 40.000-45.000 đồng, trong khi thu nhập không tăng nên chị quyết định mang cơm đi làm để tiết kiệm.

Cùng chịu cảnh vật giá các mặt hàng thực phẩm leo thang bủa vây, những người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy… cũng đang phải gồng mình chống trọi. Họ mong muốn, nhà nước có chính sách giúp đỡ để sớm ổn định cuộc sống.

Người lao động không bị bỏ lại

Trải qua hơn 2 năm khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khi người lao động đang phải chật vật để trở lại cuộc sống bình thường thì lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo biến động của giá cả thị trường. Song, người lao động không đơn độc, bởi họ đã nhận được trợ lực từ những chính sách nhân văn của Nhà nước, giúp họ vượt qua cơn "bão giá".

Theo lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ, trong 2 năm có dịch Covid-19, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 116/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Gần đây, người lao động rất phấn khởi khi biết sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Sự quan tâm kịp thời này đã giúp người lao động vơi bớt nỗi lo để vượt qua khó khăn.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg là nhằm góp phần phục hồi thị trường lao động qua việc hỗ trợ, thu hút lao động quay lại thị trường, chia sẻ, hỗ trợ người lao động còn khó khăn về nhà ở. Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều có cơ hội được hỗ trợ. Kế hoạch triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg sẽ sớm được cơ quan chức ban hành, bảo đảm trình tự, thủ tục thực hiện nhanh gọn, thuận lợi cho người lao động.

Người lao động loay hoay trong cơn “bão giá” - Ảnh 2
Người lao động tại các khu công nghiệp được hỗ trợ tiền thuê nhà. (Ảnh minh họa)

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội - cũng thông tin, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm được sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ giá thành ổn định nhất trên thị trường trong thời gian sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn chồng chất khó khăn mà người lao động đang phải đối mặt sau tác động của dịch Covid-19 và “bão giá”.  

Bà Hương cho rằng, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ người lao động. Hiện nay, Chính phủ đã tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ người lao động trong Đề án phục hồi kinh tế xã hội. Trong đó có một số giải pháp như: Hỗ trợ tiền nhà trọ; hỗ trợ học nghề... tuy nhiên cần tính toán kỹ.

“Theo tôi, không nên hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, chỉ nên hỗ trợ gián tiếp. Có thể hỗ trợ tiền điện, nước, tiền phí sinh hoạt. Việc hỗ trợ tiền nhà trọ có thể phản tác dụng, vì rất khó phát hiện ra lao động nào thuê trọ, lao động nào không thuê trọ.

Hơn nữa nếu làm không cẩn thận thì có thể tạo điều kiện để một số đối tượng trục lợi. Tất cả cách chính sách hỗ trợ không nên chỉ để địa phương thực hiện, cần phối hợp với doanh nghiệp, công đoàn thực hiện, có giám sát. Đặc biệt cần làm nhanh, làm gấp để sớm đưa lao động quay trở lại thị trường lao động.

Người lao động loay hoay trong cơn “bão giá” - Ảnh 3
Người lao động phải thắt chặt chi tiêu giữa cơn “bão giá” (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cũng cần cân đối tính toán hỗ trợ cả lao động chính thức và phi chính thức. Việc thực hiện cần được cụ thể hóa, chỉ đích danh đơn vị thực hiện để tăng hiệu quả chương trình hỗ trợ", bà Hương nói.

Cơ hội để tăng thêm thu nhập

Chiều 23/3, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong một năm, một tháng của người lao động trong bối cảnh phòng chống Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2022 (riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm từ ngày 1/1/2022), đến hết 31/12/2022. Theo đó, giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động được nâng từ 40 giờ lên tối đa 60 giờ, khống chế 300 giờ mỗi năm.Qua khảo sát, phần đông người lao động bày tỏ sự đồng tình với việc tăng giờ làm thêm.

Ở một góc nhìn khác, TS Đào Quang Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội nhấn mạnh, người lao động cần lưu ý bảo vệ quyền lợi khi bị người sử dụng lao động lợi dụng tăng ca, trả lương không tương xứng. Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ mức lương làm thêm giờ cụ thể vào ngày thường, ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, Tết nên người lao động cần tìm hiểu rõ để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Chẳng hạn, người lao động làm thêm giờ vào ngày thường được trả lương ít nhất bằng 150% lương thực trả cho công việc đó. Người lao động cần tìm hiểu kỹ thỏa ước lao động tập thể với doanh nghiệp về thời gian làm việc, tiền lương, phúc lợi khác ngay từ khi ký kết hợp đồng.

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Người lao động loay hoay trong cơn “bão giá”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới