Chủ nhật, 24/11/2024 09:39 (GMT+7)
Thứ hai, 06/06/2022 06:00 (GMT+7)

Nguồn cung khan hiếm khiến giá xăng dầu khó "quay đầu" giảm

Theo dõi KTMT trên

Theo giới quan sát, giá xăng dầu khó có thể hạ nhiệt khi cầu toàn cầu bùng nổ và không thể bù đắp nguồn cung dầu từ Nga.

Nguồn cung khan hiếm

Giá dầu đã tăng vọt trở lại như những ngày đầu của cuộc chiến ở Ukraine. Hồi đầu tuần trước, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng vọt lên 124 USD/thùng. Tính đến ngày 5/6, theo dữ liệu của Trading Economics, dầu Brent được giao dịch quanh ngưỡng 121 USD/thùng.

Giá dầu giảm nhẹ phần lớn do các nhà đầu tư tin rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) bơm thêm dầu. Nhưng điều đó cũng không có tác động quá lớn đối với giá dầu và lạm phát. Theo giới quan sát, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến giá dầu duy trì ở mức cao.

Theo ông Matt Smith - nhà phân tích về dầu mỏ tại Kpler, giá dầu sẽ vẫn duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng.

"Nếu nhu cầu tại Trung Quốc bật tăng mạnh mẽ và sản lượng dầu của Nga tiếp tục sụt giảm, việc dầu trở lại mức cao 139 USD/thùng là hoàn toàn khả thi", ông Smith bình luận.

Nguồn cung khan hiếm khiến giá xăng dầu khó "quay đầu" giảm - Ảnh 1
Giá xăng dầu trong nước cũng liên tiếp lập đỉnh.

"Vấn đề nằm ở chỗ ngay cả khi thế giới đối mặt với suy thoái kinh tế, giá dầu cũng không thể giảm một cách đáng kể. Bởi vấn đề từ phía nguồn cung", ông nói thêm.

Hôm 30/5, giới chức EU đã thống nhất về lệnh cấm nhập khẩu 90% dầu từ Nga. Đây là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo ông Smith, EU sẽ tiếp tục tìm kiếm những nguồn cung thay thế. Theo dữ liệu của Kpler, nhập khẩu dầu thô từ Angola đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine. Còn nhập khẩu dầu Brazil và Iraq tăng lần lượt 50% và 40%.

"Việc tìm đến những nguồn cung dầu ở xa hơn cũng khiến giá tăng cao", ông Roslan Khasawneh, - nhà phân tích tại công ty dữ liệu năng lượng Vortexa - bình luận. "Chi phí vận chuyển cao hơn (do các tuyến đường dài hơn) sẽ làm tăng giá dầu", ông giải thích.

Các Chính phủ trên toàn cầu có thể đưa ra những biện pháp nhằm hạ nhiệt giá dầu, bao gồm trợ giá nhiên liệu và áp dụng mức giá trần. Nhưng khó có thể tăng nguồn cung một sớm một chiều.

Năm ngoái, Nga chiếm 14% nguồn cung dầu toàn cầu, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã tạo ra khoảng trống đáng kể trên thị trường toàn cầu.

Theo IEA, sản lượng dầu của Nga đã giảm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 4. Con số này được dự báo tăng lên 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023.

IEA cho rằng sản lượng dầu toàn cầu, ngoại trừ Nga, sẽ tăng 3 triệu thùng/ngày trong phần còn lại của năm. Điều này có thể cân bằng tác động của các lệnh trừng phạt.

Nhưng ông Smith cho rằng điều này khó có thể xảy ra. Ngay từ trước cuộc chiến ở Ukraine, các nhà máy dầu đã giảm đầu tư và chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.

Xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng nhưng mức tăng thấp hơn

Theo đà tăng thế giới, giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường VIệt Nam tăng cao, lên mức 30.230 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 là 31.570 đồng/lít, đây cũng là mức cao nhất lịch sử.

Trước tình hình xăng dầu tăng cao, thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên có chỉ đạo quyết liệt về: đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; và điều hành hợp lý giá cả mặt hàng xăng dầu.

"Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới nhưng vẫn mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân, doanh nghiệp" -  Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/6.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp đã được thực hiện trong thời gian qua và cần tiếp tục được tập trung thực hiện trong thời gian tới để có thể kiềm chế tối đa mức tăng giá xăng dầu:

Thứ nhất, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cần nhìn nhận, giá xăng dầu tăng không chỉ gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp, mà cũng tạo sức ép hết sức lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Từ đầu năm đến kỳ điều hành gần nhất ngày 1/6/2022 vừa qua, giá giao dịch bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới tại thị trường Singapore (giá Platt - được công bố bởi Hãng tin Platt’s và đang được lấy làm chuẩn để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước) đã tăng 45,86% - 63,68%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng Quỹ Bình ổn giá linh hoạt, hợp lý trong suốt thời gian qua, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29% - 47,89%.

“Như vậy chúng ta vẫn phải điều hành theo xu hướng tăng của giá thế giới, nhưng mức tăng của chúng ta là thấp hơn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ hai, điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, ví dụ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất, và Bộ Tài chính - trong phạm vi chức năng của mình - đã báo cáo Chính phủ để ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án trong phạm vi có thể để giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu.

Thứ ba, để có thể điều chỉnh giảm giá xăng dầu là trách nhiệm không chỉ của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, mà của cả Chính phủ và các Bộ, ngành khác, do đó cần hướng tới các giải pháp khác như: đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách…; các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng dầu…

“Với những biện pháp hiện nay đang triển khai cũng như trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất để điều chỉnh giá xăng dầu trong điều kiện cho phép và trong bối cảnh giá xăng dầu hiện nay vẫn còn ở mức thấp hơn so với các nước có chung biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc…” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nguồn cung khan hiếm khiến giá xăng dầu khó "quay đầu" giảm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới