Ngân hàng đồng loạt đưa ra nhiều gói tín dụng xanh hấp dẫn về lãi suất
Tài chính xanh là một cấu phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và cũng là lĩnh vực tiềm năng mà các nhà băng ngày càng quan tâm.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tiên phong “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, gắn mục tiêu tăng trưởng xanh vào Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2025, định hướng 2030. Từ năm 2017 - 2024, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực kinh tế xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm.
Đáng chú ý, năm 2017 mới chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh thế nhưng đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh.
Triển khai nhiều gói tín dụng xanh
Có thể thấy, tại BIDV đang triển khai nhiều gói tín dụng chuyên biệt với ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, chính sách tài sản bảo đảm và tỷ giá cho khách hàng vay trong lĩnh vực xanh.
Theo đó, các gói tín dụng có quy mô từ 3.000 tỉ đồng lên 10.000 tỉ đồng được thiết kế riêng cho cả khách hàng cá nhân, lẫn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xanh, sản xuất nước sạch, dệt may, công trình xanh…
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt trên 75.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ của BIDV và chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế.
Tại Vietcombank, từ năm 2020-2023, tổng dư nợ tín dụng xanh cho các dự án thân thiện với môi trường tăng trưởng trung bình gần 4 lần, từ hơn 11.765 tỉ VND năm 2020 lên đến 46.100 tỉ VND vào cuối năm 2023.
Còn tại Agribank đã triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỉ đồng từ năm 2016, nhằm cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Lãi suất cho vay của gói này thấp hơn từ 0,5% - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Sau 7 năm thực hiện, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đến nay đạt trên 25.000 tỉ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Đồng thời, Agribank cũng đẩy mạnh dòng vốn ưu đãi cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với giá trị cho vay 15.330 tỉ đồng...
TPBank cũng đã triển khai gói tín dụng trị giá 5.000 tỉ đồng dành cho các dự án xanh, với lãi suất 0% trong 3 tháng đầu cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông vận tải và nông nghiệp bền vững. Dư nợ tín dụng xanh tại TPBank hiện chiếm khoảng 3% trên tổng dư nợ cho vay.
Mặc dù không công bố về tỉ trọng vốn xanh ở thời điểm hiện tại, song lãnh đạo ngân hàng SHB đặt mục tiêu tín dụng xanh trong vòng 5 năm tới sẽ chiếm 10% trên tổng dư nợ của ngân hàng.
Khó khăn trong quá trình cho vay các dự án xanh
Bên cạnh nguồn tín dụng xanh từ ngân hàng, các quỹ đầu tư cũng rất quan tâm đến lĩnh vực kinh tế xanh.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng ACB cho hay, phân khúc tín dụng xanh đã và đang được ngân hàng tập trung đẩy mạnh. Tính từ năm nay, đơn vị đã triển khai gói tín dụng xanh với quy mô khoảng 2.000 tỉ đồng, thế nhưng sau một thời gian ngắn đã giải ngân hết hạn mức tín dụng nói trên nên đã nâng khoản vay tín dụng xanh thêm 4.000 tỉ đồng.
Theo ông Phát, đến thời điểm hiện nay, ngân hàng đã giải ngân được khoảng 3.000 tỉ đồng. Do đó, trong thời gian tới sẽ nâng thêm hạn mức tín dụng xanh. Lãi suất cho vay thấp hơn khoảng 2%/năm so với mặt bằng chung của thị trường.
Dù các ngành ngân hàng và các quỹ đầu tư đang nỗ lực hướng dòng vốn vào các dự án kinh tế xanh, thế nhưng tốc độ tăng trưởng dòng vốn xanh vẫn rất khiêm tốn so với kỳ vọng.
Nói về những khó khăn trong quá trình cho vay các dự án xanh, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank phân tích, định nghĩa và tiêu chí để xác định một dự án xanh hiện được các ngân hàng thương mại áp dụng chưa rõ ràng và đồng nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình xét duyệt.
Bên cạnh đó, việc thu thập dữ liệu chi tiết và công cụ đánh giá kỹ thuật đặc thù đề xác định dự án có thực sự xanh hay không ở các ngân hàng vẫn còn thiếu. Cùng với đó, các quy định và chính sách về môi trường và tài chính xanh có thể thay đổi, tạo ra rủi ro pháp lý cho các dự án đã được cấp tín dụng. Trong khi việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh tương đối phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng.
Thực tế nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng không chỉ tiếp cận vốn xanh từ ngân hàng mới khó, mà ngay tiếp cận nguồn vốn xanh từ các quỹ cũng đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp và quá trình đánh giá kéo dài. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tái chế, xử lý rác thải, doanh nghiệp trong chuỗi (HTX, doanh nghiệp, nhóm hộ gia đình, trang trại) khó đáp ứng yêu cầu về tài sản bảo đảm theo quy định pháp lý hiện hành để được vay vốn từ quỹ tín dụng xanh.
Ông Vũ Chí Công - Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon (Tập đoàn VinaCapital) cho biết, việc các khoản đầu tư xanh có giải ngân được hay không đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào việc có tìm được các dự án và doanh nghiệp phù hợp hay không. Khi khả năng hấp thụ vốn của thị trường thấp thì nguồn tài chính của ngân hàng hay quỹ đầu tư có nhiều cũng không dễ để giải ngân.
Thêm vào đó, các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất, gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Ông Công cho rằng việc không có những quy định rõ ràng về tiêu chí phân loại xanh sẽ gây ra nhiều khó khăn cho quá trình giải ngân. Đối với ngân hàng, họ sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn và thẩm định các dự án để ưu tiên. Ngân hàng có thể tài trợ cho các dự án không thực sự đáp ứng mục tiêu môi trường, dẫn đến nguy cơ bị chỉ trích từ công chúng, làm giảm uy tín và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế. Việc giám sát và đo lường hiệu quả tín dụng xanh cũng trở nên phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí.
Còn về phía doanh nghiệp, việc không có hướng dẫn rõ ràng khiến họ khó lượng hóa và chứng minh tác động của dự án, làm giảm khả năng nhận hỗ trợ tài chính ưu đãi. Họ cũng phải tốn thêm chi phí và thời gian xây dựng hồ sơ theo những tiêu chí mơ hồ, trong khi nguy cơ bị từ chối tiếp cận vốn hoặc bị tụt hậu so với các đối thủ lại tăng lên. Bên cạnh đó, hiện tượng "greenwashing" hoặc doanh nghiệp gắn mác “xanh” không đúng thực tế có thể xuất hiện, làm mất lòng tin của thị trường và cộng đồng".
Để tháo gỡ những vướng mắc khiến dòng vốn xanh vẫn bị tắc, theo ông Công, một trong các giải pháp cho vấn đề này là sự chung tay từ Chính phủ hoặc các nguồn viện trợ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa giảm thiểu rủi ro tài chính cho các khoản đầu tư. Chính phủ hoặc các địa phương có thể xây dựng các quỹ bảo lãnh tín dụng xanh hoặc vườn ươm khởi nghiệp xanh để hỗ trợ các doanh nghiệp và ý tưởng kinh doanh ở giai đoạn sớm.
Ngân hàng muốn cho vay nhưng... không biết thế nào là xanh
Ngày 11/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tín dụng xanh, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích các nhà băng tập trung nguồn lực cấp tín dụng xanh, hoàn thiện cơ chế chính sách để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên có nhiều khó khăn khi đẩy vốn vào lĩnh vực này.
Ngành ngân hàng đang chờ quy định về phân loại danh mục xanh từ Chính phủ, từ đó kỳ vọng có thể đẩy mạnh vốn hơn vào lĩnh vực này.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, hiện nay đang tập trung vào chiến lược tăng thị phần tín dụng xanh, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy chuẩn đồng bộ về thế nào là tín dụng xanh. Bên cạnh đó họ gặp vấn đề khó khăn khi đầu tư xanh như năng lượng tái tạo cần nguồn vốn lớn, kỳ hạn dài trong khi phần lớn huy động của ngành ngân hàng là kỳ hạn ngắn hạn.
Bích Ngọc