Thứ năm, 28/11/2024 02:25 (GMT+7)
    Thứ tư, 30/03/2022 14:00 (GMT+7)

    Nhận thầu cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ hứa vượt tiến độ 6 tháng, Trường Thịnh mạnh cỡ nào?

    Theo dõi KTMT trên

    Dự án Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài dự kiến khoảng 68 km, với tổng mức đầu tư là 10.591 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công, là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

    Hứa vượt tiến độ 6 tháng

    Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin được đảm nhận thi công dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

    Nếu được chấp thuận, Trường Thịnh cam kết sẽ huy động năng lực tài chính và thiết bị, quản trị, điều hành tổ chức thi công công trình khoa học, bảo đảm chất lượng, mỹ quan, hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng.

    Nhận thầu cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ hứa vượt tiến độ 6 tháng, Trường Thịnh mạnh cỡ nào? - Ảnh 1
    Trường Thịnh của ông Võ Minh Hoài xin nhận thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ. (Ảnh: Thành Vũ)

    Cụ thể, dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ có tổng chiều dài 68 km, điểm đầu thuộc địa phận xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và điểm cuối thuộc địa phận thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ.

    Có thể nói, đây là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư là 10.591 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công.

    Nói về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, theo nghị quyết của Chính phủ, dự án sẽ gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau, với tổng chiều dài khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.

    Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

    Cũng theo nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn; phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

    Thủ tướng quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng). Thủ tướng cũng quyết định chỉ định thầu với các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Việc này được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Giao thông Vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

    Về phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, theo giới thiệu, đây là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông với hơn 30 năm kinh nghiệm. Trường Thịnh hiện có hơn 500 đầu xe máy; 3.000 cán bộ, kỹ sư; vốn điều lệ 2.819 tỷ đồng.

    Dự án hạ tầng giao thông mà Trường Thịnh đã tham gia

    Một số dự án hạ tầng giao thông mà Trường Thịnh đã tham gia gồm: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1; đường Hồ Chí Minh; đường xuyên Á.

    Tập đoàn Trường Thịnh cũng là thành viên trong liên danh nhà đầu tư thực hiện đường cao tốc La Sơn - Túy Loan với tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng; nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45.

    Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh được thành lập vào năm 1994. Ngoài hạ tầng giao thông, Trường Thịnh cũng nổi tiếng với nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và thủy điện, điển hình như: khu du lịch Mỹ Cảnh (Sun Spa Resort) tại bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường (vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng).

    Với lĩnh vực thủy điện, Trường Thịnh có các dự án như: thủy điện La Trọng – Sông Gianh (Quảng Bình) với công suất 18 MW, thủy điện Kim Hóa và thủy điện Khe Rôn (Tuyên Hóa, Quảng Bình) có công suất 18 MW…

    Trước đó, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Theo quyết định này, chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh. Dự án được xây dựng trên diện tích 165,74 ha với tổng mức đầu tư là 800 tỷ đồng.

    Trường Thịnh hiện tại bao gồm 16 công ty thành viên, như: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Trường Thịnh 5, Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Du lịch Suối Bang Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Trường Thịnh Golf & Resort, Công ty TNHH MTV Xây lắp Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Đường tránh TP. Đồng Hới, Công ty TNHH BOT Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh…

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Nhận thầu cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ hứa vượt tiến độ 6 tháng, Trường Thịnh mạnh cỡ nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới