Nhiệm kỳ chuyển đổi số ấn tượng, tiến tới Quốc hội không giấy tờ
Dấu ấn đáng ghi nhận mà Quốc hội khóa XIV để lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy khó khăn là lần đầu tiên Quốc hội họp chia thành hai đợt, họp trực tuyến và họp tập trung.
Hôm nay, 8/4, là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, bên cạnh thành công xuất sắc trong ba nhiệm vụ chính là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, một trong những điểm được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao là trong nhiệm kỳ XIV, Quốc hội đã có những bước tiến ấn tượng trong chuyển đổi số. “Điều này cần phải được phát huy hiệu quả hơn ở nhiệm kỳ khóa XV,” đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn đại biểu Quốc hội An Giang nói.
Dấu ấn chuyển đổi số
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, dấu ấn đáng ghi nhận mà Quốc hội khóa XIV để lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy khó khăn là lần đầu tiên Quốc hội họp chia thành hai đợt, họp trực tuyến và họp tập trung.
“Lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến và cung cấp tài liệu điện tử đến từng đại biểu Quốc hội. Điều đó đã một lần nữa khẳng định tính hiệu quả, tính đổi mới của Quốc hội và khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm, vì lợi ích của nhân dân và đất nước,” đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương nhận định nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội. Quốc hội đã tổ chức triển khai họp trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, vừa đảm bảo phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động và chất lượng của các phiên họp.
Việc triển khai lấy ý kiến góp ý trực tuyến là một hình thức ưu việt, tiện lợi, phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng có thể trở thành một kênh thông tin quan trọng để nắm bắt dư luận xã hội đối với các dự thảo chính sách. Việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các đại biểu Quốc hội thông qua máy tính bảng cá nhân thay vì hình thức tài liệu giấy truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian và giảm tải lượng lớn các tài liệu in ấn, tiến tới một Quốc hội không giấy tờ.
Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Phòng, việc gửi tài liệu trực tuyến đã giúp cho các đại biểu Quốc hội đi họp chỉ cần một ipad, tiếp cận nhanh nhạy, toàn diện hơn để khi bàn luận các vấn đề chính sách có cơ sở phong phú và đầy đủ hơn. Các ý kiến vì thế cũng sát thực, sâu sắc, đóng góp thiết thực hơn. Các hoạt động truyền thông của Quốc hội cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, kết nối đại diện Quốc hội với cử tri, với nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn Hà Nội coi những bước tiến về chuyển đổi số của Quốc hội khóa XIV là một trong những bước đột phá. Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương cho rằng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang tiệm cận đến vấn đề và đang đưa các khái niệm về chuyển đổi số vào trong mỗi kỳ họp. Điều này cũng tạo động lực cho mỗi địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của mình.
Đẩy nhanh Quốc hội điện tử, tiến tới Quốc hội số
Đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng công tác chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.
Cụ thể, việc lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức trực tuyến vẫn còn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Lượt góp ý tương tác trên trang dự thảo online của Quốc hội và Cổng Thông tin của Chính phủ vẫn còn thấp. Tỉ lệ người dân biết đến hình thức góp ý trực tuyến và đường link cổng thông tin góp ý không cao, chủ yếu chỉ tập trung lực lượng cán bộ và công chức. Đối với các ý kiến góp ý online được thu thập tại các cổng thông tin cũng chưa có báo cáo tổng hợp, phản hồi. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét các giải pháp cải thiện công tác lấy ý kiến góp ý online nhằm tận dụng hiệu quả thói quen sử dụng Internet của người dân trong công tác lấy ý kiến xây dựng pháp luật.
Hai hệ thống tài liệu trên phần mềm điện tử cũng cần sắp xếp lại để hiển thị khoa học hơn theo các nhóm nội dung và trình tự thời gian, khắc phục tình trạng tài liệu hiển thị lộn xộn, khó tra cứu, theo dõi như hiện nay. “Cần nâng cấp phần mềm để hạn chế tình trạng lỗi hệ thống và không truy cập được vẫn xảy ra,” đại biểu Việt Nga nói.
Đây cũng là ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn Hà Nội.
Theo ông Bình, Quốc hội cần nhanh chóng xây dựng Quốc hội điện tử để giải quyết những vấn đề mấu chốt, cốt lõi. Ông Bình cho rằng chỉ có xây dựng Quốc hội điện tử mới tạo ra được một thiết chế trong quan hệ điều hành của Quốc hội, để có sự trao đổi thường xuyên giữa các đại biểu Quốc hội với nhau, giữa các đại biểu Quốc hội với các Ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội; giữa Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ; giữa các đại biểu Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ.
“Có như vậy, Quốc hội mới thực sự cải cách và thực hiện chức năng của Quốc hội một cách nhanh chóng, khoa học, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất. Do vậy, tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội quan tâm xây dựng Quốc hội điện tử trong thời gian sớm nhất và chuẩn bị cho việc xây dựng Quốc hội số,” ông Bình nhận định.
Ông Bình cho rằng khi tiến hành Quốc hội số thì các đại biểu Quốc hội sẽ liên hệ, trao đổi trực tiếp được với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và truy cập được trực tiếp các thông tin, cơ sở dữ liệu để trả lời trực tiếp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua môi trường mạng, sẽ hoàn thiện, nâng cao được chức năng, vị thế của Quốc hội, đáp ứng hơn được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Nhóm PV