Chủ nhật, 24/11/2024 08:04 (GMT+7)
Thứ năm, 08/09/2022 19:00 (GMT+7)

Nhiều tỉnh thành hướng đến mục tiêu xây dựng "Thành phố môi trường - đô thị sinh thái"

Theo dõi KTMT trên

Vấn đề môi trường luôn được quan tâm hàng đầu từ các cấp quản lý đến doanh nghiệp và người dân. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Những "điểm sáng" nổi bật về môi trường

Đà Nẵng - thành phố tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường.

Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường,” những năm qua, địa phương đã đạt được nhiều danh hiệu nổi bật về môi trường như “Một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực năm 2011” (ASEAN bình chọn); “Đô thị có không khí sạch và có hàm lượng carbon phát thải thấp năm 2012;” “Đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh sạch đẹp năm 2013;” “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018.”

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đánh giá và công nhận Đà Nẵng là “một trong 5 thành phố đạt mức Tốt về công tác bảo vệ môi trường năm 2020.”

Để đạt được những danh hiệu này, là sự nỗ lực, đồng lòng của cộng đồng, người dân, cùng chính quyền thành phố. Công tác bảo vệ môi trường được cộng đồng dân cư, người dân thành phố thực sự quan tâm, tích cực tham gia, đồng hành. Người dân thành phố rất đồng thuận với mục tiêu xây dựng “thành phố Môi trường.” Do đó, nhiều mô hình, các sáng kiến về bảo vệ môi trường được cộng đồng, khu dân cư, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện: ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng rừng, đóng góp nhà vệ sinh công cộng, tham gia dọn rác bãi biển, lô đất trống, tham gia giữ gìn khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…

Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng đang hướng đến trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững.

Nhiều tỉnh thành hướng đến mục tiêu xây dựng "Thành phố môi trường - đô thị sinh thái" - Ảnh 1
Khu đô thị FPT City Đà Nẵng được quy hoạch để trở thành khu đô thị Xanh, thông minh, hiện đại do Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 181 ha, cũng là một trong những dự án lớn nhất tại Đà Nẵng.

Để trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, TP. Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết về Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong tái cấu trúc quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.

Chương trình cũng đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái sử dụng công nghệ số, kinh tế số phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành xã hội số, công dân số.

TP. Đà Nẵng hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.

Trong giai đoạn 2016-2021, Đà Nẵng đã đạt được nhiều chỉ số ấn tượng về bảo vệ môi trường như 100% dân số đô thị và hộ gia đình nông thôn được cung cấp nước sạch vệ sinh; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường đạt 88,2%; tỷ lệ bệnh viện, trung tâm y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường đạt trên 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; nước thải công nghiệp xử lý đạt yêu cầu theo các quy chuẩn quy định.

Đối với nhóm chỉ số về quản lý chất thải, kinh tế tuần hoàn, Đà Nẵng cũng đạt tỷ lệ thu gom chất thải rắn trong đô thị đạt trên 95%; 100% chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt đã được xử lý đáp ứng yêu cầu; bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 80%/tổng số hộ gia đình; 100% thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường (trên địa bàn) qua đường dây nóng năm 2021, được phối hợp xử lý.

Để đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được thực hiện từ rất sớm với sự chủ động, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, lôi cuốn. Các phong trào bảo vệ môi trường trở nên thân thuộc, diễn ra rộng khắp như “Ngày Chủ nhật Xanh-Sạch-Đẹp;” “Khu dân cư thân thiện môi trường,” “Mô hình Trường học Xanh,” Chuyên mục "Thành phố Môi trường".

Huế - thành phố an toàn về môi trường đúng như tên gọi mà Ngân hàng Phát triển châu Á dành cho Huế "Thành phố xanh: Tương lai bền vững của khu vực Đông Nam Á."

Nhiều tỉnh thành hướng đến mục tiêu xây dựng "Thành phố môi trường - đô thị sinh thái" - Ảnh 2
Huế - thành phố an toàn về môi trường. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng kế hoạch phát triển Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Trong đó thành phố Huế là mục tiêu hàng đầu với việc xây dựng Huế trở thành đô thị sinh thái, có các ngành kinh tế phát triển theo hướng xanh hóa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện; có lối sống thân thiện môi trường.

Thành phố Huế đang duy trì và bảo vệ được không khí sạch, nước sạch, đất sạch theo các tiêu chí thành phố bền vững môi trường ASEAN. Đây cũng là thành phố tiêu biểu của các đô thị trong cả nước hiện đang phát triển bền vững môi trường theo hướng tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chính quyền thành phố đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phát triển, đầu tư cho kinh tế nhưng vẫn phải bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ di sản, cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Xây dựng đô thị với phương châm “Thành phố văn hóa, di sản, cảnh quan và thân thiện với môi trường.”

Những mô hình hay về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa lần lượt ra đời thời gian qua đã đưa Thừa Thiên-Huế trở thành điểm sáng trên toàn quốc về công tác môi trường với khẩu hiệu “Huế xanh-sạch-sáng.”

Mặc dù trong năm 2020, Huế phải hứng chịu nhiều cơn bão lũ liên tục khiến cây xanh ngã đổ, bùn rác ngập khắp nơi nhưng người dân phố Huế đã chung sức vệ sinh môi trường sạch sẽ. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên-Huế thêm xanh-sạch-sáng” đã lan tỏa khắp thành phố Huế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, hiện Việt Nam đang đề xuất quy chế tổ chức các giải thưởng ASEAN về môi trường tại Việt Nam nhằm xem xét, đề cử các đơn vị, cá nhân đối với các giải thưởng ASEAN về môi trường để triển khai các hoạt động trong nước, lựa chọn chính xác các đơn vị, cá nhân hội tụ đầy đủ các phẩm chất đáp ứng các tiêu chí của ASEAN.

Đồng loạt thực hiện các giải pháp môi trường

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ luôn được quan tâm, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Những kết quả nổi bật: tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2021 đạt 98,42%, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, chất thải y tế đều được thu gom và xử lý đúng quy định.

Tỉnh đã quan tâm đầu tư, cải thiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường, nhất là hạ tầng xử lý nước thải, chất thải rắn. Năm 2018, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố Cần Thơ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng môi trường EB đầu tư đã đi vào vận hành với công suất 400 tấn/ngày, áp dụng công nghệ đốt phát điện 7,5KW/h, đã giải quyết cơ bản vấn đề xử lý rác sinh hoạt.

Bên canh đó, Cần Thơ cũng đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị với công xuất xử lý 30.000 m3/ngày đêm, hiện xử lý khoảng 25% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh, đang tiếp tục triển khai nâng tổng công suất xử lý lên 60.000 m3/ngày đêm.

Ngoài ra, thành phố tích cực tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng các sự kiện, ngày lễ về môi trường với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; phát huy vai trò, sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; ứng dụng tốt ưu điểm của các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội trong truyền thông về môi trường.

Trước áp lực gia tăng từ phát triển kinh tế-xã hội, Bình Dương trong thời gian qua đã quan tâm và đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã đầu tư khoảng 10.592 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA thực hiện các công trình, dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn; đồng thời các doanh nghiệp cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình xử lý chất thải theo hồ sơ môi trường được phê duyệt; kiểm soát 24/24 thông qua hệ thống quan trắc tự động được 85% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn; xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường gần 10.000 doanh nghiệp; tổ chức thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường 5.948 đơn vị, xử phạt vi phạm 2.097 đơn vị với số tiền trên 156,4 tỷ đồng..

Nhiều tỉnh thành hướng đến mục tiêu xây dựng "Thành phố môi trường - đô thị sinh thái" - Ảnh 3
Tặng túi thân thiện môi trường cho đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Theo báo cáo Kết quả và kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong công tác bảo vệ môi trường tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2016-2021, Trà Vinh đã tổ chức 48 lớp tập huấn bảo vệ môi trường, 7 lớp tập huấn bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu; mua sắm và chuyển giao 860 thùng rác cho các huyện, triển khai 6 mô hình bảo vệ môi trường khu dân cư, hỗ trợ 860 thùng ủ phân compost và 1.100 sọt rác để người dân phân loại rác tại nguồn; lắp 4 pano LED điện tử để tuyên truyền bảo vệ môi trường; nhân bản 3.500 quyển Sổ tay hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức sang hành động của tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đã được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 7 tổ chức với tổng số tiền 693,8 triệu đồng.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Nhiều tỉnh thành hướng đến mục tiêu xây dựng "Thành phố môi trường - đô thị sinh thái". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới