Thứ hai, 25/11/2024 00:40 (GMT+7)
Thứ năm, 14/07/2022 06:55 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách ở bán kính dưới 500m

Theo dõi KTMT trên

Giới chuyên gia nhận định, dự thảo về hạ tầng thương mại, trong đó có nội dung hạn chế đối tượng cửa hàng tiện lợi được phục vụ trong bán kính 500 m của Bộ Công Thương là quá chi ly và thiếu tỉnh khả thi.

Mới đây, Bộ Công Thương thông báo đang tiến hành lấy dự thảo Thông tư phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có mô hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, cửa hàng tiện lợi...

Điều đáng chú ý trong dự thảo này chính là việc Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m; bán theo phương thức tự phục vụ, theo chuỗi; áp dụng công nghệ trong bán hàng, thanh toán.

Các cửa hàng tiện lợi cũng được yêu cầu đặt ở vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, du lịch, nơi tập trung đông người, với diện tích kinh doanh 30 - 200 m2. Hàng hoá của cửa hàng tiện lợi gồm thực phẩm ăn ngay, hàng bách hoá nhỏ lẻ, tiêu dùng nhanh... Số lượng mặt hàng kinh doanh trong mỗi cửa hàng tiện lợi khoảng 3.000 tên hàng…

Các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định sẽ không được đặt tên là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet...  Các cơ sở này cũng không được ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài, như supermarket, hypermarket, big mart, big store, shopping center, trade center, plaza…

Sau thông báo này, rất nhiều ý kiến phản đối đề xuất của Bộ Công Thương và cho rằng, việc đưa ra tiêu chí cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500m là bất cập.

Quy định không khả thi, cần bác bỏ 

Cho ý kiến góp ý về quy định này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Công Thương nên bỏ đề xuất cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong phạm vi dưới 500m vì không khả thi.

Theo VCCI, quy định như vậy, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng sinh sống tại đâu. Trong trường hợp cửa hàng tiện lợi phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500m thì sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Ngoài ra, VCCI còn cho rằng, dự thảo thông tư về phát triển hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương có nhiều quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách ở bán kính dưới 500m - Ảnh 1
Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách ở bán kính dưới 500m. (Ảnh minh họa)

Ví dụ như dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng.

VCCI cho rằng, điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách. Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Trong dự thảo còn yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng.

VCCI đánh giá các quy định này cũng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp.

Hay dự thảo yêu cầu các cửa hàng tiện lợi buộc phải chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Trong khi hiện nay, một số cửa hàng tiện lợi chủ động bố trí nhân viên lấy hàng cho khách và thanh toán ngay khi đưa hàng.

Cũng theo VCCI, dự thảo còn đưa ra nhiều các quy định thiếu tính minh bạch. Các quy định này có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tùy tiện để xử phạt hoặc đe dọa xử phạt doanh nghiệp nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức.

Chẳng hạn như siêu thị, trung tâm thương mại phải có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hóa; công trình kiến trúc vững chắc, thiết kế và trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; hình thức thanh toán hiện đại; áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán hàng và thanh toán; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng...

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về thương mại, cũng nói các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi, siêu thị... tại dự thảo này "phần lớn là quy định mang tính cơ học". Các tiêu chí về hành chính này giúp dễ quản lý, kiểm tra nhưng không phù hợp thực tế...

"Cơ quan quản lý cần hướng tới quy định để nâng tính cạnh tranh, quản trị của các loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có cửa hàng tiện lợi", ông nói.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cũng nhận xét việc đưa ra quy định phát triển các loại hình hạ tầng thương mại là cần thiết. Nhưng các tiêu chí Bộ Công Thương đang dự thảo, bà Hậu cho rằng, quá chi tiết, thiếu khả thi và không phù hợp với bối cảnh phát triển các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại.

Bà cho biết, hiệp hội này đang gửi lấy ý kiến các doanh nghiệp bán lẻ thành viên, và sẽ có góp ý để các quy định này thực tế hơn khi được ban hành.

Bộ Công Thương lên tiếng "giải thích"

Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/7, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cơ quan xây dựng dự thảo đã có một số thông tin phản hồi.

Theo đó, cơ quan này cho biết đối với tiêu chí với cửa hàng tiện lợi, trung tâm outlet đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Vụ này khẳng định quy định "đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m" tại dự thảo không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ hoặc khách mua của cửa hàng tiện lợi.

"Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại", cơ quan này nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cho biết đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện dự thảo. Sau khi hoàn thiện, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách ở bán kính dưới 500m. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới