Chủ nhật, 24/11/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ hai, 21/02/2022 09:05 (GMT+7)

Những cảnh báo sức khỏe khi thời tiết giá lạnh

Theo dõi KTMT trên

Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý các biểu hiện của cơ thể như: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay, tránh bùng phát bệnh nguy hiểm.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đã xuất hiện tình trạng băng giá, mưa tuyết tại một số vùng cao. Điển hình tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), nhiệt độ đo được vào sáng 20/2 vào khoảng 0,3 độ C; Sa Pa (Lào Cai) 3,3 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 4,2 độ C; Mộc Châu (Sơn La) 5 độ C; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 5 độ C. Riêng đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có băng giá.

Rạng sáng 20/2, trên đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Phja Oắc (Cao Bằng), nhiệt độ xuống âm 3 độ C, khiến cảnh vật nơi đây chìm trong băng tuyết trắng xóa.

Tương tự, đỉnh núi đá vôi Phja Oắc (Cao Bằng) có độ cao trên 1900m, cây cối cũng khoác lên mình một màu trắng tinh khiết, lung linh. Băng tuyết nơi đây có vẻ dầy, trắng hơn Mẫu Sơn, càng về chiều tối hình ảnh kỳ thú này càng sinh động, bắt mắt.

Những cảnh báo sức khỏe khi thời tiết giá lạnh - Ảnh 1
Người già và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do thời tiết rét đậm rét hại. (Ảnh minh họa)

Những hiện tượng thời tiết này dễ gây nên những tác động xấu đến sức khỏe con người. Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khuyến cáo, để dự phòng lạnh cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h tối đến 6h sáng. Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang. Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.

Virus cúm lưu hành mạnh vào mùa đông, bất kể ai cũng có thể mắc bệnh, kể cả người khỏe mạnh cũng có thể trở bệnh nặng chỉ sau 2 ngày nhiễm virus. Cùng với đó là các bệnh ảnh hưởng khác như viêm họng, cảm lạnh, viêm phổi, hen suyễn…

Cảm lạnh: Theo các chuyên gia sức khỏe, có hơn 100 loại vi rút là thủ phạm gây nên chứng cảm lạnh. Vào những ngày mùa đông, trời lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến bạn càng dễ mắc chứng cảm lạnh hơn bao giờ hết.

Viêm họng: Vào mùa đông hay thời tiết mưa lạnh, viêm họng cũng là bệnh phổ biến được khuyến cáo và hầu hết đều bị gây ra do nhiễm virus. Khi mắc bệnh bạn sẽ bị đau họng, chảy nước mũi, khó thở, chảy nước mắt, đau các khớp, sốt, nghẹt mũi. Một số bằng chứng chỉ ra rằng, sự thay đổi nhiệt độ, chẳng hạn như khi bạn đi từ một căn phòng ấm cúng ra ngoài trời lạnh giá, có thể gây viêm họng.

Những cảnh báo sức khỏe khi thời tiết giá lạnh - Ảnh 2
 Sưởi ấm sai cách cũng là nguy cơ gây các bệnh. (Ảnh minh họa)

Trời lạnh cũng là môi trường rất dễ khiến những người có tiền sử bệnh hen bị tái phát cơn, bệnh thường trở nặng hơn. Chính vì thế, bạn cần phải chủ động để tránh để cơ thể phải chịu lạnh hay các trạng thái nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Viêm phổi: Mùa lạnh phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là người già, trẻ em và những bé có sức đề kháng yếu, không được chăm sóc một cách cẩn thận… Theo các chuyên gia, bệnh diễn biến nặng rất nhanh và dễ gây tử vong. Dấu hiệu của bệnh thường là ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng (đôi khi ho ra máu), có thể tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh… Khi thấy các dấu hiệu này, cộng thêm thấy sức khỏe yếu đi, mệt mỏi, cảm giác bị nặng ngực cần đi khám ngay, tránh biến chứng.

Mùa lạnh, người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, dẫn đến các nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến… tăng cao hơn 15% so các mùa khác. Các bác sĩ cho biết, nguy cơ này thường xảy ra ở các đối tượng như: người già, khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém; người có cuộc sống căng thẳng, ít vận động, nghiện thuốc lá, rượu bia, ăn uống thiếu khoa học, người béo phì tiểu đường…

Vì thế, khi trời lạnh, mưa rét, người già và những người có nguy cơ đột quỵ cần chú ý giữ cơ thể luôn ấm áp, tránh bị gió lạnh ập vào người khi cửa mở. Hãy giữ chế độ sinh hoạt hợp lý, tình cảm tâm lý ổn định... Cùng với đó là có một chết độ ăn uống phù hợp, hạn chế mỡ động vật, muối, nói không với rượu bia, thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên.

Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý các biểu hiện của cơ thể như: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay. Khi có xuất hiện các triệu chứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe. Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nện khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp.

Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mạn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh; Biểu hiện giảm than nhiệt: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, nói lơ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay. Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Những cảnh báo sức khỏe khi thời tiết giá lạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới