Chủ nhật, 24/11/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/12/2020 17:09 (GMT+7)

Những chính sách môi trường nổi bật có hiệu lực trong năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Sử dụng nước sạch phải trả phí cho cả… nước bẩn; phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước,… là một số chính sách môi trường nổi bật có hiệu lực trong năm 2020.

Sử dụng nước sạch phải trả phí cho cả… nước bẩn

Bắt đầu từ 1/7/2020, Nghị định 53/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải có hiệu lực thi hành.

Theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP nêu rõ, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

Những chính sách môi trường nổi bật có hiệu lực trong năm 2020 - Ảnh 1

Theo đó, số phí BVMT phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau: Số phí phải nộp (đồng) = Số lượng nước sạch sử dụng (m3) x Giá bán nước sạch (đồng/m3) x Mức thu phí…

Trong đó, số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí.

Trường hợp tự khai thác nước, số lượng nước sạch sử dụng xác định căn cứ vào quy mô hoạt động, kinh doanh, dịch vụ hoặc giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất do tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.

Về mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Nghị định quy định: Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) như sau: Năm 2020, áp dụng mức phí 1.500.000 đồng/năm.

Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, áp dụng theo Biểu của Nghị định 53. Cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên, phí tính theo công thức của Nghị định 53.

Đối với nước thải sinh hoạt, UBND phường, thị trấn để lại 10% trên tổng số tiền phí BVMT thu được cho tổ chức cung cấp nước sạch và 25% để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.

Đối với nước thải công nghiệp, tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí BVMT thu được vào ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.

Cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực từ ngày 10/04/2020.

Những chính sách môi trường nổi bật có hiệu lực trong năm 2020 - Ảnh 2

Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông:

a - Khu vực đang bị sạt, lở;

b - Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở;

c - Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở;

d - Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.

Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 10/05/2020. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220 - 250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.

Những chính sách môi trường nổi bật có hiệu lực trong năm 2020 - Ảnh 3

Không tiếp nhận các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường

Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ban hành ngày 20/04/2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu lực từ ngày 15/06/2020.

Nghị định nêu rõ, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Không tiếp nhận những hàng hóa không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Những chính sách môi trường nổi bật có hiệu lực trong năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới