Thứ năm, 28/11/2024 02:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/01/2022 15:00 (GMT+7)

Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào

Theo dõi KTMT trên

Bắt đầu từ chuyến bay đầu tiên đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc), khi nơi đây trở thành điểm nóng Covid-19 đầu tiên trên thế giới, đến thời điểm này hơn 16.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc khắp 5 châu đã được trở về đất nước.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Ngày 25/1/2020, chỉ 3 ngày sau khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bộ Ngoại giao là đơn vị đầu sóng, đầu gió thực hiện nhiệm vụ này nên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng coi công tác này không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh đến từ trái tim”.

Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào - Ảnh 1
Những chuyến bay đặc biệt, không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh đến từ trái tim”.

Thời gian qua, Việt Nam vừa phải gồng mình chống dịch trong nước vừa phải tiến hành đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện công tác bảo hộ công dân Việt Nam đang sống xa Tổ quốc với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra sự phong tỏa tại hàng loạt quốc gia.

Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt mong muốn được trở về quê hương nên trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 được tổ chức từ ngày 18/3/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào!”.

Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã liên tục chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định số lượng công dân ở các khu vực có dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết. Đồng thời, tích cực động viên, khuyến cáo công dân không về nước khi không thật sự cần thiết, chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch của nước sở tại; Yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước; Đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận tâm tư, nguyện vọng của những người dân Việt Nam đang sống xa Tổ quốc, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong nước, các cơ quan chức năng sở tại tiến hành đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện công tác bảo hộ công dân.

Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào - Ảnh 2
Chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước từ thành phố Vũ Hán - tâm dịch virus nCoV. (Ảnh: VNA)

Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra sự phong tỏa tại hàng loạt quốc gia, công tác bảo hộ công dân tại các cơ quan đại diện vẫn được ưu tiên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương.

BOX: Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở khắp các châu lục trên thế giới. Việc bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (điều 17 khoản 3), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 ngày 18/06/2009 (Điều 8 và Điều 9)… 

“Tôi chỉ có thể ngủ yên khi đồng bào của tôi đã hạ cánh an toàn”, đó là lời tâm sự của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, vì kế hoạch đưa công dân Việt Nam về nước gặp nhiều khó khăn. Lập kế hoạch từ ngày 22/3, nhưng 2 tháng không tìm được cách để di chuyển từ các địa phương về New Delhi để về Việt Nam. Song với những nỗ lực không ngừng và quyết tâm không bỏ cuộc của cá nhân Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng như các cán bộ ngoại giao Việt Nam ở địa bàn Ấn Độ, chuyến bay đưa công dân từ một trong những tâm dịch đã thành công tốt đẹp.

Còn tại Nhật Bản, theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, công việc của các cán bộ sứ quán trong thời gian qua vô cùng bề bộn và căng thẳng. Cán bộ trực bảo hộ công dân trực điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Nhưng mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn.

Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào - Ảnh 3
Toàn bộ ghế ngồi trên chuyến bay đều được bọc nylon để hạn chế sự lây lan của virus. (Ảnh: VNA)

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã tham gia chương trình Trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Việt Nam. Cho tới nay, Đại sứ quán và các Cơ quan đại diện tại Mỹ đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký nhu cầu về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý...

Có thể thấy, việc đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch nước ngoài trở về nước là hành động vừa thể hiện tình cảm, song cũng là trách nhiệm của Nhà nước đối với những người con đang sống xa Tổ quốc. Đối với những người Việt Nam ở nước ngoài, thì trên hết đó là sự lo lắng, mong muốn được thấu hiểu và giúp đỡ, đó là những “vòng tay dang rộng” từ quê hương, để đồng hành với họ vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng đại dịch.

Những chuyến bay “đặc biệt”

Những chiếc máy bay được phun thuốc khử trùng nghiêm ngặt, tất cả hành khách phải mang đồ bảo hộ và ngồi cách xa nhau trong suốt hành trình... Đó thực sự là những chuyến bay đầy cảm xúc.

Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào - Ảnh 4
Điều đặc biệt ở chuyến bay này là 15 thành viên phi hành đoàn đã được lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: VNA)

Chuyến bay mang số hiệu VN68 của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vào 5h 4 phút sáng ngày 10/2/2020 có lẽ sẽ trở thành một chuyến bay đáng nhớ trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. Bởi đó là chuyến bay được phục vụ theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất có chuyên môn cao và được lựa chọn kỹ lưỡng. Toàn bộ những người có mặt trên máy bay đều phải mặc trang phục bảo hộ, máy bay được phun khử trùng nghiêm ngặt. Chiếc máy bay thực hiện hành trình đặc biệt chở 30 công dân Việt Nam trở từ Vũ Hán (Trung Quốc).

Điều đặc biệt là 15 thành viên phi hành đoàn đã được lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ.

Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào - Ảnh 5
Chuyến bay đặc biệt từ Việt Nam đã đưa 219 công nhân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi bên bờ Đại Tây Dương, về nước.

Sau khi khởi phát, dịch Covid-19 đã lây lan ra hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ trở thành một trong những ổ dịch lớn và phức tạp nhất thế giới. Ngày 9/6/2020, chuyến bay mang số hiệu VN1, máy bay Boeing 747 của Vietnam Airlines chở 346 hành khách người Việt Nam, cất cánh từ Sân bay quốc tế San Francisco, California, Mỹ ngày 7/6/2020 đáp xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Chuyến bay do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, Vietnam Airlines và các cơ quan liên quan của Mỹ tổ chức triển khai. Đây là chuyến bay hồi hương công dân Việt Nam từ Mỹ thứ 3 do Vietnam Airlines thực hiện.

Tiếp đó, chiều ngày 29/7/2020, trên chiếc Airbus 350, chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN06 đã đưa 219 công dân Việt Nam, trong đó có nhiều người dương tính với virus SARS-CoV-2 từ Guinea Xích Đạo về nước.

Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào - Ảnh 6
Chuyến bay đáng nhớ của phi công và đoàn tiếp viên khi đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo trở về. (Ảnh: VNA)

"Những hành khách “đặc biệt” của chúng tôi đã phải chờ đợi từ rất sớm để được trở về nhà. Rất may, chỉ có chút khó khăn tại sân bay Bata, còn trong suốt thời gian 13 tiếng để trở về Việt Nam không có bất cứ tình huống xấu nào xảy ra. Một số trường hợp bị sốt, khó thở, đều được các y, bác sĩ chăm sóc, chữa trị kịp thời. Về đến Việt Nam, khi hành khách cuối cùng rời khỏi máy bay, không có người nào sức khỏe yếu, không ai phải gọi xe cấp cứu... chúng tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Đến hôm nay, khi tất cả đã được cách ly an toàn, tôi chỉ mong các hành khách không mắc Covid-19, phi hành đoàn và các y, bác sĩ sẽ âm tính với SARS-CoV-2”, Trương Anh Tú - Tiếp viên Trưởng của chuyến bay chia sẻ.

Chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo trở về có ý nghĩa đặc biệt, thấm đậm tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thực hiện chính sách bảo hộ công dân giữa đại dịch Covid-19.

Trước đó, nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam từ 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trở về đã được thực hiện và sắp tới sẽ còn những chuyến bay như thế. Những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào, thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Những chuyến bay mang nặng ‘nghĩa tình’, xung phong vào tâm dịch cứu đồng bào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới