Chủ nhật, 24/11/2024 02:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/10/2023 06:54 (GMT+7)

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước

Theo dõi KTMT trên

Đầu thế kỷ XX, Việt Nam xuất hiện nhiều thương gia tài ba, họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn một lòng yêu nước, luôn ủng hộ và có đóng góp lớn cho cách mạng. Tên tuổi của họ giờ đây đã được đặt tên cho những con đường ở Việt Nam.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 1

Khái niệm tỷ phú, người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú USD mới chỉ trở nên quen thuộc từ hơn chục năm trở về đây. Nhưng mở lại lịch sử, từ cách đây hơn thế kỷ, Việt Nam đã có những thương gia giàu có mua lại hãng đóng tàu của Pháp, lập xưởng in... Không những thế, họ lại là những nhà tư sản dân tộc yêu nước thế kỷ XX.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 2
Bác Hồ với giới công thương năm 1946.
Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 3

Ông Trịnh Văn Bô là một doanh nhân Việt Nam thành đạt ở giữa thế kỷ XX. Ông sinh năm 1914 tại làng Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Gia đình ông có truyền thống kinh doanh, lại được học hành đến nơi đến chốn, thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông được gửi sang Pháp du học. Học được hơn một năm, ông bị bố gọi về để “nối nghiệp kinh doanh của gia tộc”.

Năm 1932, ông xây dựng gia đình và được cha mẹ cho ra ở riêng tại số nhà 48 Hàng Ngang và kế thừa tên hiệu Phúc Lợi.

Với phương châm “Lộc bất tận hưởng”, mỗi lần buôn may, bán đắt gia đình đều dành một phần để làm phúc.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 4
Ông Trịnh Văn Bô và vợ, bà Hoàng Thị Minh Hồ năm 1955.

Theo gia đình kể từ ngày đầu khởi nghiệp, sau khi ra ở riêng, bố mẹ cho 30 ngàn Đông Dương làm vốn. Do cần cù, biết tính toán, nắm bắt thời cơ và tiết kiệm cộng với uy tín của cha nên việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi và liên tục phát triển.

Phúc Lợi trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong Nam, ngoài Bắc, sang Lào, Campuchia, thậm chí có giao dịch buôn bán với cả thương nhân Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Do kinh doanh thuận lợi, công tác từ thiện ngày càng được mở rộng. Từ việc tài trợ 100 chiếc đại tiểu - để di dời hài cốt ở nghĩa trang Nghĩa Hưng đến ủng hộ vật chất cho những gia đình bị bom Mỹ - Nhật ném xuống Đông Khê, Thất Khê rồi ủng hộ những làng bị bão lụt ở Hưng Yên, mua chăn cấp cho trẻ sơ sinh ở các nhà thương, cứu giúp những người bị đói từ khắp nơi đổi về Hà Nội.

Thấy được chữ Tâm ở một gia đình tư sản, Việt Minh cử các đồng chí Tạ Văn Lưu và Văn Thực bí mật đến gặp gỡ, tuyên truyền, vận động. Kết quả, ngày 14/11/1944 ông bà và người con cả chính thức gia nhập Việt Minh.

Ngày 29/3/1945, đồng chí Khuất Duy Tiến - một cán bộ cách mạng vừa vượt ngục trở về được người bạn đưa đến gặp gia đình bà Bô. Ông Tiến thông báo về tình hình thời cuộc, về “đêm trước của cuộc cách mạng” và nêu rõ: Lúc này Việt Minh rất cần tiền để xây dựng và tổ chức phát triển lực lượng. Ông Trịnh Văn Bô xin được thoát ly.

Thay mặt tổ chức, đồng chí Khuất Duy Tiên khuyên: “Cô chú ở lại, tiếp tục kinh doanh sẽ có lợi cho cách mạng hơn. Tuyên truyền, vận động mọi người ủng hộ tiền bạc cho Việt Minh cũng là nhiệm vụ cách mạng. Việt Minh lúc này cần rất nhiều tiền. Nói thật với cô chú là 5 xu mua báo cũng khó và quỹ chỉ còn mấy trăm bạc”. Gia đình hứa sẽ ủng hộ Việt Minh một vạn đồng Đông Dương (tương đương 25 cây vàng), sẽ giao tiền vào tuần sau.

Đúng hẹn, đồng chí Khuất Duy Tiến đến nhận số tiền gia đình hứa và càng vui hơn khi được gia đình hứa ủng hộ tiếp một vạn đồng nữa. Tính đến ngày 19/8, gia đình hộ Trịnh đã ủng hộ Việt Minh 8 vạn 5 nghìn đồng Đông Dương (tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá khi đó).

Trước những khó khăn mới của chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra hàng loạt những giải pháp nhằm huy động sức dân “bảo vệ nền độc lập mong manh của mình”.

Ngày 4/9/1945, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, thừa lệnh Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ban hành Sắc lệnh lập quỹ mang tên “Quỹ Độc Lập” để thu nhận tiền, vàng, các đồ vật có giá trị.

Ông Trịnh Văn Bô được tiến cử vào Ban Vận động. Gia đình tiếp tục đóng góp cho “Quỹ Độc Lập” hai mươi vạn đồng Đông Dương, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn một triệu đồng cho quỹ.

Trong “Tuần lễ vàng” gia đình đóng góp 117 cây vàng và vận động nhân dân ủng hộ hơn một nghìn cây vàng.

Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời từ chiến khu về Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã từng được dùng làm nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chính tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc và viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Các lễ phục của các vị lãnh đạo Việt Minh trong ngày Lễ Độc Lập phần lớn là do gia đình ông Trịnh Văn Bô cung cấp. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, mặc các bộ comple của ông Bô. Riêng chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vải may là do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.

Ngày 19/12/1946 – ngày Toàn quốc kháng chiến. Cũng như nhiều gia đình Hà Nội khác, cả gia đình ông Trịnh Văn Bô tản cư lên Cao Bằng còn bản thân ông công tác tại Văn phòng Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc.

Năm 1954 thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Thủ đô được giải phóng. Năm 1955 cả gia đình ông trở về Hà Nội. Ông Trịnh Văn Bô được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội và giữ chức vụ đó đến ngày nghỉ hưu. Ông Trịnh Văn Bô Mất năm 1988 thọ 74 tuổi.

Năm 2006 ông được truy tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” cùng 3 doanh nhân nổi tiếng khác là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà.

Vào ngày 14/3/2019, TP. Hà Nội chính thức gắn biển phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô nằm tại nằm phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 5
Đường Trịnh Văn Bô rộng 8 làn xe.

Con đường dài khoảng 900 m, rộng 50 m, với 8 làn xe cơ giới, từ nút giao giữa phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đoạn phố này đã được rải bê tông nhựa, có vỉa hè hai bên, cây xanh, điện chiếu sáng… với 220 hộ và 800 nhân khẩu sinh sống.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 6

Theo tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà tư sản Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông (nay là một quận thuộc Hà Nội). Nhà nghèo, nhưng ông vẫn được cha mẹ cố gắng cho học chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Hằng ngày, chàng trai Bạch Thái Bưởi thường đi vớt củi trầm hương ở sông Nhuệ. Tiền bán cây trầm hương vớt được trên sông, chính là những khoản vốn liếng đầu tiên để ông khởi nghiệp.

Thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán, ông được làm thư ký cho Công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Để có cơ hội tiếp xúc với máy móc cơ giới và thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất, năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán.

Nhờ thông minh, lanh lợi, ít lâu sau, ông được sang Pháp dự triển lãm Bordeaux. Choáng ngợp trước nền văn minh phương Tây, người thanh niên ấy âm thầm học hỏi cách làm việc của người Pháp và nung nấu ý chí tự lực tự cường.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 7
Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi.

Trở về nước ông nghỉ việc, lao vào thương trường - một quyết định mà nhiều người cho là điên rồ và liều lĩnh. Thế nhưng, với suy nghĩ “khác người”, dám nghĩ dám làm, Bạch Thái Bưởi đã gạt đi tất cả những lời dèm pha để theo đuổi con đường kinh doanh.

Cơ hội đến với Bạch Thái Bưởi khi người Pháp xây dựng công trình xe lửa nối liền Hà Nội - Sài Gòn. Để phục vụ công trình này, Công ty Hỏa Xa Đông Dương cần một số lượng gỗ lớn làm tà vẹt. Nhìn ra được nhu cầu đó, ông đã liên danh với một người Pháp nhận thầu cung cấp vật liệu này. Chỉ trong 3 năm, ông kiếm được một số vốn khá lớn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Sau đó, ông lao vào thầu khoán thu phí chợ các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Vinh… và thắng lợi rực rỡ.

Năm 1928, Bạch Thái Bưởi đã đầu tư vào một lĩnh vực vô cùng khó khăn là khai mỏ. Lúc bấy giờ, các mỏ than đều nằm trong tay người Pháp quản lý. Tuy nhiên, nhờ có bản lĩnh và khôn khéo trong đàm phán, cuối cùng đã ông được cấp phép khai thác than ở Quảng Yên.

Kinh doanh đa lĩnh vực và ngành nào cũng thành công, song Bạch Thái Bưởi thành công nhất là ngành hàng hải. Ông được mệnh danh là “Vua tàu thủy”, hay “Chúa sông Bắc Kỳ”. Với ông, “làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 8

Dưới thời thuộc địa, các nhà buôn của ta bước ra thương trường cũng là bước vào một cuộc cạnh tranh với tư bản các nước như Hoa kiều, Pháp kiều… Việc kinh doanh của Bạch Thái Bưởi, cũng không ngoại lệ, khi liên tục vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của đối thủ.

Sự việc này bắt đầu từ năm 1909. Khi hãng Marty - D’Abbadie vừa hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, ông thuê ngay 3 chiếc tàu trên và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng, Phi Long và Bái Tử Long. Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Đây là những tuyến đường thủy luôn đông khách, nhưng trước chỉ có người Hoa và người Pháp thống lĩnh.

Một thời gian sau, khi nghe tin công ty chuyên chở đường biển Deshwanden phá sản, ông quyết định mua nốt 6 chiếc thuyền và một số sà lan của công ty này để không lọt vào tay người Hoa, người Pháp mặc dù tàu khá cũ và nát. Hành động này của ông đã làm nhiều người Việt vui mừng. Không những thế, ông còn lấy tên anh hùng dân tộc như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi để đặt tên cho tàu.

Đến năm 1919, Công ty Bạch Thái có tổng 20 tàu nhỏ, chưa kể thuyền phụ, 20 sà lan bằng gỗ, sắt, 13 cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi. Các tàu này chạy 17 tuyến đường thủy: Hà Nội - Nam Định, Hải Phòng - Bến Thủy, Hải Phòng - Nam Định… thậm chí lên vùng thượng du Bắc Kỳ.

Với phương tiện đa dạng, lại nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, Bạch Thái Bưởi cho sửa sang lại nội thất các tàu, giảm giá cho người Việt. Các tàu của Bạch Thái Bưởi rất được lòng người Việt và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Thời đó, mỗi năm, công ty của Bạch Thái Bưởi chuyên chở tới 5.000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng.

Trước sự phát triển của công ty Bạch Thái Bưởi, các chủ tàu người Hoa quyết đánh bại ông bằng đủ mọi cách, như hạ giá sâu. Cuộc cạnh tranh về giá với các thương nhân người Hoa đã khiến việc kinh doanh của ông đứng bên bờ vực phá sản.

Mặc dù vậy, trong “cái khó ló cái khôn”, trong “nguy có cơ”, Bạch Thái Bưởi đã vận dụng tinh thần dân tộc khuyến khích người Việt đi tàu của người Việt. Ông đã viết “tâm thư” kêu gọi tinh thần dân tộc đoàn kết tương trợ nhau. Để thu hút sự ủng hộ của khách, ông cho dán dòng chữ “Người ta thì đi tàu ta” lên mỗi chiếc thuyền và bỏ một cái ống để ai đồng tình với ông, thì bỏ tiền vào đó để tiếp sức cho chủ tàu. Khách đi tàu của ông ngày càng đông. Về sau, các chủ tàu người Hoa, người Pháp đã phải bán lại tàu cho ông.

Nhờ tinh thần dân tộc - thứ vũ khí lợi hại, ông đã đánh bại các đối thủ “đáng gờm” người Hoa, Pháp vượt qua “cửa tử” để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt và trở thành “Vua tàu thủy Việt Nam”. Ông cũng được xem là doanh nhân đầu tiên áp dụng tinh thần dân tộc “Người Việt ủng hộ người Việt” trong kinh doanh.

Bạch Thái Bưởi có lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, trong Hội nghị Kinh tế lý tài, ông bị René Robin - Thống soái Bắc kỳ lúc đó - đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi,” ông đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin.”

Bạch Thái Bưởi được người đương thời và các thế hệ đi sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn, có tinh thần tự tôn dân tộc, một tâm hồn Việt…

Hơn 100 năm sau nhìn lại, những bài học kinh doanh của ông trở nên vô giá khi dám đi bằng đôi chân của mình, dám tận dụng thời cơ, dám vận dụng tinh thần yêu nước và cạnh tranh đến cùng để sáng tạo, để mở rộng thị trường…trở thành giá trị bất diệt cho mọi tầng lớp doanh nhân Việt. Cũng vì thế mà ông trở thành khuôn mặt nổi tiếng của 30 năm đầu thế kỷ XX.

Hiện nay tên doanh nhân Bạch Thái Bưởi được đặt cho một con phố tại phường Phúc La, quận Hà Đông TP. Hà Nội. Con phố này giao với đường Nguyễn Khuyến (Hà Đông) nhà A32 khu TT18 đến giao với đường Yên Phúc gần chợ Yên Phúc và Nghĩa trang liệt sĩ. Có chiều dài 950m và rộng từ 5,5m-7,5m.

Ngoài ra, tên Doanh nhân Bạch Thái Bưởi cũng được đặt cho các con phố ở khắp các tỉnh thành Việt Nam như: Đường Bạch Thái Bưởi, (Uông Bí, Quảng Ninh); đường Bạch Thái Bưởi (Liên Chiểu, Đà Nẵng); đường Bạch Thái Bưởi (Ngô Quyền, Hải Phòng); đường Bạch Thái Bưởi (Nha Trang, Khánh Hoà)…

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 9

Cụ Ngô Tử Hạ (1882 - 1973) sinh ra tại làng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cư ngụ tại số 14 đường Lamblot, Hà Nội (nay là phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 10
Ông Ngô Tử Hạ (đeo kính) bên Bác Hồ. 

Cụ là chủ nhà in Ngô Tử Hạ, nơi lần đầu tiên in đồng bạc Cụ Hồ, là vị đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội (QH) Khóa I, được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng, tham gia Ban thường trực QH và là người đọc tuyên ngôn của QH Việt Nam ngày 2/3/1946. Khi người dân rơi vào thảm họa chết đói năm Ất Dậu, cụ chính là nhân sĩ đầu tiên, mặc áo the khăn xếp, kéo xe bò khắp đường phố Hà Nội để kêu gọi cứu tế. Cụ là mẫu mực của một nhà tư sản dân tộc, một nhân sĩ yêu nước, thương dân...

Cụ Ngô Tử Hạ rời quê hương nghèo đói Ninh Bình lên Hà Nội lập nghiệp, và làm thợ cho nhà in IDEO của Pháp từ năm 17 tuổi.

Sau vài năm dành dụm, cụ đã mua được máy in và mở cơ sở in của riêng mình. Sau đó, cụ mua thêm nhiều máy in loại hiện đại, mở rộng phát triển ngành in và trở thành người nổi tiếng nhất Đông Dương trong lĩnh vực in ấn, là một trong 300 nhà tư sản giàu nhất Đông Dương thời đó.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 11

Tờ giấy bạc tài chính 100 đồng với chân dung Bác Hồ.

Đầu năm 1945 cụ tham gia Mặt trận Việt Minh. Các nhà in của Cụ trở thành cơ sở in sách báo, tài liệu tuyên truyền cổ động của Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ là chí sĩ yêu nước được bầu làm đại biểu Quốc hội, rồi Ủy viên Ban thường trực của Quốc hội khóa I.

Năm 1960, gia đình cụ làm đơn xin hiến cho Chính phủ toàn bộ bất động sản mà gia đình đang sở hữu, chỉ giữ lại 200m2 để làm chỗ ở và nơi thờ tự. Nếu biết gia sản của cụ Ngô Tử Hạ khi tự nguyện đem hiến cho nhà nước sẽ khiến nhiều người giật mình. Đó là khối tài sản khổng lồ thể hiện trong bảng kê khai nhà đất ngày 29/7/1960, như sau: Nhà số 24 - 48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251m2) nhà số 60 Nguyễn Du (1.095m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (84m2), nhà số 4 đường 339 Thịnh Yên (2.210m2), nhà số 31 Hàng Bông (182m2). Đó là chưa kể trước 1945 cụ còn có một nhà in tại Huế và đang có dự định mở thêm một nhà in tại Sài Gòn.

Hiện nay, tên cụ Ngô Tử Hạ được đặt tên cho 1 con đường thuộc địa phận phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Đường có chiều dài 490m, rộng 5,5m, nằm trong Khu đô thị Phước Lý. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Công Triều, điểm cuối giao với đường Trần Đình Nam.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 12

Ông Đỗ Đình Thiện (1904- 1972) sinh ra làng Noi (nay thuộc Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), có bố là thư ký cho một chủ đồn điền Pháp nhưng mất sớm. Ông Thiện được mẹ nuôi dưỡng cho học chữ Nho và chữ Quốc ngữ rồi sang Pháp du học.

Ông Đỗ Đình Thiện đã sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước. Năm 1926, vì tham gia vào phong trào bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh nên Đỗ Đình Thiện bị đuổi học. Để tiếp tục theo đuổi con đường của mình, ông đã làm lại giấy khai sinh và học tiếp tại tỉnh Nam Định. Sau đó, năm 1927 ông sang Pháp học kỹ sư canh nông ở Toulouse và đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp 1928.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 13
Nhà tư sản dân tộc Đỗ Đình Thiện.

Tại Pháp ông vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng. Ông bị cảnh sát Pháp bắt giữ khi trao truyền đơn cách mạng cho những binh sỹ người Việt đang trên đường hồi hương, ông bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về nước.

Khi về nước ông vẫn tiếp tục bị kiểm soát gắt gao, không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông chuyển sang làm kinh tế, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi dựng nhà máy, lập đồn điền… để khi có điều kiện sẽ ủng hộ cách mạng, giúp đỡ các đồng chí mình hoạt động.

Năm 1946, trước khó khăn của Đảng không có nhà in riêng để in tiền, ông mua lại nhà in của Pháp và hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Tháng 3/1946, nhà máy in tiền Tôpanh được chuyển về đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) của gia đình ông.

Ông được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương ở Hà Nội, đóng góp nhiều tiền, vàng cho chính quyền cách mạng. Không những vậy, ông còn mua đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sỹ Nguyễn Sáng vẽ với giá một triệu đồng Đông Dương (khoảng gần 2.000 lạng vàng), sau đó tặng cho Ủy ban kháng chiến hành chính Thành phố Hà Nội.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 14
Bức tranh vẽ Bác Hồ trong Tuần lễ vàng được ông Đỗ Đình Thiện mua với giá 1 triệu đồng Đông Dương.

Việc làm này của ông được đánh giá là để nhằm biểu thị lòng tin tưởng của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, chống lại những âm mưu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời để tăng ngân sách cho chính quyền cách mạng.

Lúc mới giành được chính quyền, Nhà nước chưa có bộ phận lễ tân chuyên trách do vậy việc tiếp các vị khách đặc biệt được giao cho một số gia đình có điều kiện ở Hà Nội. Ngôi nhà ở 54 Hàng Gai của gia đình ông bà Thiện trở thành "nhà khách" của Chính phủ.

Đồn điền Chi Nê không những trở thành nơi dưỡng quân cho các đơn vị trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, điểm dừng chân của nhiều lãnh đạo Đảng. Từ cuối năm 1945 đầu năm 1946, nơi đây còn là cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, trú quân cho các đơn vị lực lượng vũ trang Chiến khu 2.

Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước - Ảnh 15
Phố Đỗ Đình Thiện nằm tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Trong chuyến đi Pháp năm 1946, ông còn trở thành thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1947, ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình gồm mẹ già và 4 con nhỏ lên Việt Bắc theo cuộc kháng chiến 9 năm.

Ông bà đã giao lại đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý, đồng thời đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

Với những công lao của ông, ngày 02/01/2014, theo Quyết định số 31/QĐ UBND của UBND TP. Hà Nội, một con đường thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm được mang tên doanh nhân Đỗ Đình Thiện. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước và nhân dân về cống hiến lớn lao của một gia đình doanh nhân yêu nước đã hiến dâng một sản nghiệp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Con đường Đỗ Đình Thiện dài 750m, rộng 12m, chạy bao quanh KĐT Sông Đà Mỹ Đình, có điểm đầu và điểm cuối đều nằm trên đường Trần Văn Lai.

H. An

Bạn đang đọc bài viết Những con đường mang tên các doanh nhân Việt Nam yêu nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
Mới đây, 2 trang trại lớn của Mavin đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Mavin trong việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi hiện đại, bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Tin mới