Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/09/2020 14:30 (GMT+7)

Những giải pháp mang tính chiến lược ứng phó hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi KTMT trên

Trước những tác động nghiêm trọng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp trước mắt cũng như dài hạn phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại vùng này.

Hơn 11.000 ha cây ăn quả bị thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn quả chủ lực của cả nước, có diện tích trên 410.000 ha, chiếm 39% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Thế nhưng, những năm gần đây, vùng cây ăn quả chủ lực này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn.

Những giải pháp mang tính chiến lược ứng phó hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1
Tình trạng sầu riêng chết do hạn mặn ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). (Ảnh: TTXVN)

Theo tính toán của các nhà khoa học, với kịch bản lượng mưa thấp hơn dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2, 3/2021, hạn, mặn có khả năng ảnh hưởng đến gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái (tương đương trên 23% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng ĐBSCL).

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Chỉ tính riêng trong mùa khô 2019 - 2020, toàn vùng có 6 tỉnh với tổng diện tích cây ăn quả bị thiệt hại do hạn, mặn lên đến trên 25.000 ha. Trong số đó, có gần 11.200 ha bị thiệt hại trắng. Bến Tre bị nặng nhất với 13.500 ha, có gần 5.500 ha bị mất trắng.

Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên cơ sở nhận định về mưa, dòng chảy trên lưu vực sông Cửu Long cho thấy, năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019 - 2020. Tuy vậy, hạn, mặn trong mùa khô 2020 - 2021 có khả năng tương đương mùa khô 2015 - 2016 với phạm vi ảnh hưởng đến 8 tỉnh ven biển.

Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ vườn cây ăn quả tại ĐBSCL. Các địa phương cần có bước chủ động chuẩn bị phòng chống hạn, mặn, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả trong thời gian tới thông qua những giải pháp phù hợp, hiệu quả, đúc kết thực tiễn từ kinh nghiệm ứng phó, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2019 - 2020.

Duy trì sự chủ động ứng phó

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong mùa khô năm 2019 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định một số giải pháp quan trọng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Trước mắt, các ngành và địa phương cần cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và ĐBSCL để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình xâm nhập mặn và đưa ra các giải pháp ứng phó; khẩn trương rà soát, đánh giá lại các công trình thủy lợi hiện hữu, lập kế hoạch đầu tư hoàn thiện, nâng cấp và sửa chữa những chỗ hư hỏng đảm bảo khả năng phòng chống thiên tai đồng thời nắm chắc diện tích vườn cây ăn quả, tuyên truyền trong nhân dân các biện pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019 - 2020, như: Cống Âu thuyền Ninh Quới, Trạm bơm Xuân Hòa, các cống Tân Dinh, Bông Bót, Tân Định, Vũng Liêm, kênh Mây Phốp - Ngã Hậu, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre.

Đặc biệt các tỉnh cần triển khai các giải pháp rửa mặn, cải tạo đất, phục hồi vườn cây trước, trong và sau khi hạn, mặn, đảm bảo cây khỏe mạnh, đủ sức chống chịu vượt qua thời tiết khắc nghiệt.

Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực triển khai các biện pháp dài hạn để vùng trồng cây ăn trái ĐBSCL phát triển bền vững trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thủy văn, thiên tai hạn, mặn. Trong đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái đồng thời với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.

L.Sơn

Bạn đang đọc bài viết Những giải pháp mang tính chiến lược ứng phó hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới