Những sự thay đổi chóng mặt về một thế giới đang nóng lên
Trái đất đang thay đổi nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử do hệ quả của sự nóng lên toàn cầu mà con người gây ra.
Kể từ giữa những năm 1800, khi chúng ta bắt đầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp, bầu khí quyển đã bắt đầu có sự thay đổi dẫn đến sự nóng lên của trái đất. Khí nhà kính giữ nhiệt trong khí quyển, khiến nhiệt độ nóng hơn, mực nước biển dâng cao, phá vỡ hệ sinh thái và thời tiết khắc nghiệt hơn.
Các nhà khoa học đã dự báo rằng nếu thế giới vượt qua mức nhiệt 2 độ C trên mức tiền công nghiệp, hậu quả sẽ là thảm khốc đối với hàng tỉ người trên thế giới. Các quốc gia đã ký thỏa thuận Paris vào năm 2015, đồng ý hạn chế sự nóng lên ở mức 2 độ C với tham vọng giữ nó ở mức dưới 1,5 độ C.
Các dấu hiệu quan trọng dưới đây là những sự thay đổi do cuộc khủng hoảng khí hậu:
Thay đổi nhiệt độ toàn cầu
Nhiệt độ Trái đất đã có sự thay đổi từ lâu. Nhưng kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ chưa từng có, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây. Cụ thể, 19 năm ấm nhất được ghi nhận kể từ năm 2001 và nhiệt độ hiện tại đang cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 1 độ C.
CO2 trong khí quyển
CO2 là một loại khí nhà kính giữ nhiệt trong khí quyển và là một trong những nguyên nhân chính góp phần gây nên nóng lên toàn cầu. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, mức CO2 trong khí quyển đã tăng lên trên 400ppm, mức cao nhất trong hàng triệu năm và thường đạt đỉnh vào tháng 5 hàng năm.
Băng tan
Băng trên đất liền cũng đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là ở Bắc bán cầu. Vẫn tương đối ổn định cho đến những năm 1990, Greenland hiện đang mất băng với tốc độ khoảng 280GT một năm, trong khi Nam Cực mất khoảng 150GT một năm. Sự tan chảy của chỏm băng ở Nam Cực, nơi chứa hơn một nửa lượng nước ngọt của Trái đất, sẽ là thảm họa đối với sự gia tăng mực nước biển toàn cầu.
Mực nước biển tăng
Khi thế giới ấm lên, băng ở các cực và tại các sông băng tan chảy, khiến mực nước biển dâng cao. Tốc độ gia tăng đã tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây, ước tính khoảng 3-4 mm một năm. Các nhà khoa học đã dự báo rằng trừ khi hành động quyết liệt được thực hiện để giảm lượng khí thải, mực nước biển có thể tăng khoảng 1m vào cuối thế kỷ này. Điều này sẽ là thảm họa đối với nhiều quốc gia trũng thấp và các thành phố ven biển đông dân.
Minh Dương