Chủ nhật, 24/11/2024 11:04 (GMT+7)
Thứ ba, 22/09/2020 17:19 (GMT+7)

Nỗ lực hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế, nhưng Việt Nam luôn xác định hướng đi chủ đạo trong chính sách, chiến lược của quốc gia là phải đạt mục tiêu phát triển bền vững; phát triển kinh tế carbon thấp và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Phát triển carbon thấp, chống chịu với biến đổi khí hậu cũng đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Nỗ lực hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo về thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã dành hàng tỉ USD cho phòng chống và phục hồi trước những thiên tai do biến đổi khí hậu như lũ lụt, bão, hạn hán… với cường độ ngày càng khốc liệt. Nỗ lực gần đây nhất của Chính phủ chính là việc ban hành Kế hoạch thích ứng quốc gia với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/7/2020.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện, chẳng hạn như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật so với NDC đệ trình năm 2015, Việt Nam đã bổ sung lĩnh vực các quá trình công nghiệp trong kiểm kê khí nhà kính, kịch bản phát triển thông thường, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hài hòa đồng lợi ích giữa các hành động khí hậu với phát triển bền vững.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng về lượng giảm phát thải từ 62,7 triệu tấn CO2tđ lên 83,9 triệu tấn CO2tđ, tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng lên từ 25% lên 27% và lượng giảm phát thải khí nhà kính đã tăng từ 198,2 triệu tấn CO2tđ lên 250,8 triệu tấn CO2tđ. Tuy mức đóng góp bằng nguồn lực trong nước tăng 1% nhưng giảm lượng phát thải gần bằng 35% của tổng mức đóng góp giảm phát thải trong NDC năm 2015.

Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật.

Những nỗ lực của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, ngày 11/9, trang web chính thức của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã ghi nhận Việt Nam là quốc gia mới nhất gửi Báo cáo cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC cập nhật). Theo đó, trong số 186 Bên nước tham gia UNFCCC, Việt Nam là quốc gia thứ 20 gửi NDC cập nhật đến Ban thư ký Công ước.

Mới đây, bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành UNFCCC và ông Pablo Vieira, Giám đốc Tổ chức Đối tác NDC đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá cao tình hình cập nhật NDC của Việt Nam. “Việt Nam đã hoàn thành việc rà soát, cập nhật NDC theo Quyết định của COP21 trong bối cảnh phức tạp đầy thách thức do đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã nâng cao đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu thể hiện trong NDC cập nhật”- bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành UNFCCC viết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam luôn tăng cường đóng góp trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và mong muốn các quốc gia và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện NDC cập nhật vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước góp phần thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các chiến lược, kế hoạch và các hành động cụ thể; ví dụ như giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh phát triển năng lược tái tạo, phát triển tài chính xanh và thị trường carbon trong tương lai. Những nỗ lực này sẽ góp phần thực hiện NDC cập nhật từ năm 2021” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để hoàn thành tiến trình đàm phán Thoả thuận Paris về biến đổi khí khậu, năm 2015, Việt Nam và các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã xây dựng và gửi cho Ban Thư ký UNFCCC dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC). Sau khi Thoả thuận Paris có hiệu lực, INDC của các Bên tham gia Thoả thuận đã trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Thực hiện Quyết định của COP21, các quốc gia tham gia Thoả thuận Paris tiến hành cập nhật NDC và hoàn thành vào năm 2020.

Việt Nam đã tổ chức rà soát, cập nhật NDC từ tháng 6/2017. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ duyệt thông qua ngày 24/7/2020, NDC cập nhật của Việt Nam đã được gửi cho Ban Thư ký UNFCCC ngày 11/9/2020.

Thủy Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới