Chủ nhật, 24/11/2024 08:16 (GMT+7)
Thứ năm, 17/09/2020 06:00 (GMT+7)

Bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hóa, sự gia tăng dân số và ô nhiễm môi trường... đang đe dọa đến an ninh nguồn nước.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt và nước ngầm khá phong phú. Tuy nhiên, tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian, thời gian và nguồn nước mặt của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, tình trạng khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát và ô nhiễm môi trường cũng đặt ra những thách thức lớn về vấn đề sử dụng hợp lý và phát triển bền vững nguồn nước hiện nay.

Cạn kiệt tài nguyên nước và những con số đáng báo động

Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ bị ô nhiễm, cạn kiệt,... trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm do khai thác quá mức, buông lỏng quản lý.

Bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Sông Mekong cạn kiệt khiến đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn. (Ảnh: AFP)

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi đó, WHO cũng từng cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, khi tổ chức này đưa ra thông tin có tới 44% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và chất lượng nước kém, thiếu vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen.

Theo một báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.

Biến đổi khí hậu khiến nguồn nước dần suy thoái

Biến đổi khí hậu khiến Trái đất nóng lên làm thay đổi sự phân phối lượng mưa, gây những tác động nhất định đến đặc điểm tài nguyên nước. Những năm gần đây, quy luật thời tiết đã có nhiều biến đổi khác thường, nắng nóng kéo dài và lượng mưa rất ít đã đẩy người dân vào cảnh lao đao vì thiếu nước.

Bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Hạn hán, thiếu nước khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, bão lũ... có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Ngoài ra, với tốc độ xâm nhập mặn hiện nay, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỉ USD.

Nói về tình trạng cạn kiệt nguồn nước hiện nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: “Cảnh báo là cần thiết. Nhưng hoang mang và sợ hãi thì sẽ không làm được việc”. Thật vậy, biến đổi khí hậu có thể cảm thấy đáng sợ và nan giải. Nhưng có một bước đơn giản bạn có thể thực hiện ngay sẽ tạo ra sự khác biệt lớn: Đừng lãng phí nước. Hãy tự kiểm tra tất cả các thói quen của mình và tìm cách thay đổi lối sống của mỗi người để cùng nhau giúp cứu hành tinh.

Bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Lũ lụt thường xuyên xảy ra ở nước ta, nhất là khu vực miền Trung gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh nguồn nước. (Ảnh minh họa)

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước để thích ứng với BĐKH

Nước là khởi nguồn của sự sống, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá nhưng không phải là vô tận, do đó nguồn nước cần phải được phân bổ và sử dụng hợp lý. Quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của BĐKH, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước; hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường…

Bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh 4
Cần sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu sẽ mở ra cơ hội lớn để nền kinh tế phát triển với nhiều lĩnh vực. Do đó, chúng ta cần quản lý các hệ thống sản xuất, tái sử dụng nước cũng như áp dụng các phương pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỉ m3, chiếm 10% tổng lượng nước của cả nước. Trong đó, hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỉ m3/năm). Nước dưới đất được khai thác, sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và 80% lượng nước cho sinh hoạt nông thôn.

Theo Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm được xem là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt trên lãnh thổ, thì hiện nay, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai.

Dự đoán đến năm 2025, lượng nước cho đầu người ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.100 m3, thuộc mức dưới trung bình của thế giới.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới