Chủ nhật, 24/11/2024 09:33 (GMT+7)
Thứ tư, 16/09/2020 06:00 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều dịch bệnh bùng phát

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đe dọa đến sự sống của động, thực vật và con người trên khắp hành tinh. Các nhà khoa học cảnh báo, nước biển dâng cùng với nhiệt độ Trái đất gia tăng có thể gây nhiễu loạn hệ sinh thái, tác động đến động vật ký sinh và vật trung gian truyền bệnh khiến bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho con người.

Biến đổi khí hậu đang khiến Bắc Cực nóng lên nhanh chóng với tốc độ gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Ước tính mùa Hè ở Bắc Cực hiện đã nóng hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 4-5 độ C, kết hợp với băng tan gây biến dạng nghiêm trọng hệ sinh thái trong khu vực.

Đã có dự báo rằng, tương lai của nhân loại sẽ bị sụp đổ vào năm 2050 nếu như các hành động nhằm giảm thiểu tác hại nghiêm trọng của biến đổi khí hậu không phát huy hiệu quả trong thập kỷ tới.

Con người cũng không thể thoát khỏi những tác động của biến đổi khí hậu. Sa mạc hóa và mực nước biển tăng đe dọa trực tiếp đến môi trường sống của con người. Bên cạnh đó, nhiệt độ Trái đất gia tăng khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và lây lan nhanh như: như tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, phát ban... làm tăng lây lan các bệnh truyền nhiễm, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, nhất là với người già, người mắc bệnh tim mạch, thần kinh.

Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều dịch bệnh bùng phát - Ảnh 1
Sự nóng lên toàn cầu đã khiến các sông băng trên khắp thế giới tan chảy. (Ảnh minh họa)

Băng tan có thể khiến hồi sinh những dịch bệnh cũ?

Bên cạnh đó, sự nóng lên toàn cầu đã khiến các sông băng trên khắp thế giới tan chảy và có thể giải phóng các vi sinh vật và virus đã bị đóng băng hàng nghìn năm.

Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley đã thử rút một lõi đất băng từ lớp đất nền tại Barrow, Alaska. Kết quả cho thấy tổng lượng thực vật mục rữa bên dưới lớp băng vĩnh cửu này tạo thành một lượng lớn carbon gấp 200 lần lượng khí thải mà con người thải vào khí quyển mỗi năm.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vào mùa xuân, lớp băng tại tầng đất mặt tan ra khiến vi khuẩn bên trong hoạt động, chúng sẽ bắt đầu phân hủy những xác cây mục rữa, khi đó chúng sẽ giải phóng các loại khí nhà kính như carbon dioxide (CO2) và metan (CH4).

Ông Vladimir Romanovsky, Giáo sư Địa vật lý tại Đại học Alaska (Mỹ), cho rằng: Các vi sinh vật có thể tồn tại trong các lớp băng trong một thời gian dài. Khi băng tan, các vi sinh vật sẽ theo dòng nước lên bề mặt. Đã có nhiều trường hợp những con bọ cổ đại, bị đông cứng lâu ngày, bỗng nhiên xuất hiện trở lại.

Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều dịch bệnh bùng phát - Ảnh 2
Biến đổi khí hậu có thể phát tán nhiều loại virus đã bị đóng băng. (Ảnh minh hoạ)

Vào năm 2015, các nhà khoa học từ 5 quốc gia Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ý và Peru cũng đã tập hợp các chỏm băng Guliya ở núi Côn Lôn. Đây là một hoạt động được thực hiện bởi Viện nghiên cứu cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Ohio ở Hoa Kỳ, mục đích là để nghiên cứu các đặc trưng của môi trường cổ đại thông qua cách khoan lõi băng sâu.

Qua khử trùng nghiêm ngặt, nhóm nghiên cứu đã phân lập từ lõi băng các vi sinh vật tương đối phong phú, bao gồm 18 vi khuẩn và 33 loại virus, cách hiện nay từ 520 đến 15.000 năm. Trong số đó, có 28 loại virus con người chưa từng được biết đến.

Trước đó, hồi năm 2004, một nhóm khảo cổ gồm các nhà khoa học Pháp và Nga đã khai quật được một số "xác ướp" đông lạnh đã chết hơn 300 năm trước trong vùng băng vĩnh cửu ở phía Đông Bắc Siberia. Người chết được phát hiện mang virus đậu mùa.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy hài cốt của một nạn nhân cúm năm 1918 từ vùng đất đóng băng vĩnh cửu ở Alaska, thu được toàn bộ trình tự bộ gen của virus cúm từ các mẫu di thể và phát hiện ra rằng virus này mạnh hơn virus cúm hiện tại.

Dịch bệnh lây lan nhanh do nhiệt độ Trái đất tăng cao

Biến đổi khí hậu khiến tỉ lệ tử vong cao và bệnh tật nhiều hơn do bị ảnh hưởng của tình trạng thay đổi nhiệt độ. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy: Biến đổi khí hậu làm các bệnh lây nhiễm phát triển rộng hơn, gây mất an ninh lương thực do sự sụt giảm sản lượng nông nghiệp và khiến cho nhiều người mắc bệnh tâm thần.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Johns Hopkins đã chỉ ra rằng, trong các mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm, có một lĩnh vực đặc biệt mới và gây quan ngại: nhiệt độ tăng dần khiến hệ miễn dịch tự nhiên của con người kém hiệu quả.

Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều dịch bệnh bùng phát - Ảnh 3
Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khoẻ do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Cơ thể con người vốn là một cỗ máy chống dịch bệnh rất hiệu quả. Khi một mầm bệnh vào cơ thể con người, phản ứng thấy rõ là sốt, nóng lên để chống chọi với sự xâm nhập của mầm bệnh. Cơn sốt kích thích hệ miễn dịch và sức nóng trong cơ thể tạo ra môi trường mà mầm bệnh khó sống sót. Tuy nhiên, khi mầm bệnh tiếp xúc với nhiệt độ ngày càng ấm lên trong tự nhiên, chúng trở nên quen với tình trạng này và sống sót trong cơ thể người có nhiệt độ cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Chẳng hạn, phần lớn diện tích châu Âu thuộc khu vực ôn đới, có khí hậu mát mẻ. Nhưng khi nhiệt độ trái đất ấm lên, các loài động vật ở những vùng nóng sẽ có xu hướng di chuyển tới các vùng mát hơn như châu Âu. Người dân châu Âu vốn không biết đến con muỗi thì giờ đã dần quen với những tên bệnh như sốt xuất huyết, zika hay sốt rét.

Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều dịch bệnh bùng phát - Ảnh 4
Muỗi Aedes, vật trung gian lây truyền virus Zika. (Ảnh: AFP)

WHO cũng dự báo, đến năm 2080 sẽ có khoảng 1,5 - 3,5 tỉ người trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ mắc sốt xuất huyết mà nguyên nhân là do hiện tượng trái đất ấm lên và khí hậu thay đổi.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo các nguy cơ, tăng khả năng ứng phó với thiên tai thảm họa để giảm tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ước tính hằng năm có tới 150 nghìn người ở các nước thu nhập thấp tử vong do tác động của biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy.

Khu vực Đông Nam Á chiếm 30% số người nghèo trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng trên. Trong số 14 triệu người chết hằng năm ở khu vực này, có tới 40% chết do các bệnh lây nhiễm.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều dịch bệnh bùng phát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới