Thứ tư, 18/12/2024 14:08 (GMT+7)
Thứ hai, 09/12/2024 14:02 (GMT+7)

Nỗ lực vì một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội đã và đang nỗ lực hành động không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một nơi đáng sống hơn, vì mục tiêu Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Quản lý môi trường bền vững là nền tảng để Hà Nội thực hiện hóa mục tiêu trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Hà Nội hướng tới quản lý môi trường toàn diện bao gồm giảm ô nhiễm không khí, quản lý chất thải thông minh và hệ sinh thái đô thị. 

“Bắt bệnh” nguồn gây ô nhiễm để “chữa bệnh”

Tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. 

Các chiến lược về phát triển kinh tế của Hà Nội đến giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 cũng chỉ ra việc đảm bảo xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và đồng thời cũng phải khai thác hiệu quả các điều kiện về tự nhiên - xã hội, phát triển nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường, thích ứng vớibiến đổi khí hậuvà đảm bảo về an ninh quốc phòng.

Chủ trương là vậy, nhưng trên thực tế, Hà Nội với diện tích và dân số khá lớn, cùng những vấn đề về phát triển hạ tầng đã gây nên sức ép môi trường, đặc biệt là hoạt động giao thông vận tải, phương tiện cá nhân phát triển trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển kịp gây ra tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện những mục tiêu trên, nhiều năm qua,Hà Nội  đã rất nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, triển khai các đánh giá để xác định những nguồn gây ô nhiễm, nhất là môi trường không khí, từ việc “bắt được nguồn bệnh” sẽ tiến hành “chữa bệnh” hiệu quả. Đây là chia sẻ củabà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)tại Hội thảo “Netzero - Môi trường và năng lượng hướng tới thành phố không phát thải 2050” diễn ra mới đây.

Nỗ lực vì một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại - Ảnh 1
Các nguồn gây ô nhiễm môi trường của Hà Nội đến từ giao thông, công nghiệp, sinh hoạt dân sinh.... (Ảnh minh họa).

Theo nghiên cứu đầu tiên của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp Ngân hàng thế giới (World Bank), các nguồn gây ô nhiễm môi trường tại Thủ đô đến từ giao thông, công nghiệp, sinh hoạt dân sinh, ngoại tỉnh lan truyền vào,...

Từ xác định các nguồn gây ô nhiễm, bà Lưu Thị Thanh Chi cho biết, Thành phố đã quyết liệt xóa bỏ bếp than tổ ong, giảm 80% các nguồn đốt rơm rạ, phấn đấu đến năm 2025 xóa bỏ 100% hoạt động đốt rơm rạ vào các mùa thu hoạch khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5... Cùng với đó, xóa bỏ hầu hết các lò gạch thủ công, đồng thời phối hợp Bộ Giao thông vận tải thực hiện chương trình thí điểm về đo thải xe máy, với lượng xe máy đã đạt con số gần 7 triệu trên địa bàn thành phố, nếu không được kiểm định sẽ tạo ra lượng khí thải độc hại lớn đối với môi trường không khí.

Tháng 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn giao thông, trong đó có quy định đăng kiểm khí thải xe máy, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng những hướng dẫn để chúng ta triển khai được đăng kiểm khí thải xe máy, kiểm soát lượng khí thải này để đạt tiêu chuẩn thải để xe lưu hành trên địa bàn thành phố.

“Nếu chúng ta bảo dưỡng xe máy theo đúng tiêu chuẩn định kỳ của nhà sản xuất, xe máy sẽ đạt tiêu chuẩn khí thải. Do đó, chúng ta có thể nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng xe định kỳ theo hướng tiêu chuẩn nhà sản xuất. Chỉ một hành động nhỏ của người tiêu dùng cũng đã giảm được ô nhiễm không khí, chính sách của cơ quan quản lý sẽ đi vào đời sống như mong muốn…”, bà Lưu Thị Thanh Chi phân tích. 

Hà Nội tiên phong triển khai thí điểm vùng phát thải thấp

Hà Nội đã cùng với các sở ngành của thành phố về xây dựng Luật Thủ đô và trình Quốc hội vào tháng 7 vừa qua, trong đó đưa nội dung bảo vệ môi trường vào và Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong Luật đó có một điểm rất mới mà Hà Nội đi đầu trên cả nước là mô hình triển khai vùng phát thải thấp

“Tức là các khu vực được phân vùng phát thải thấp thì hạn chế các xe gây ô nhiễm môi trường ra vào khu vực đó, hoặc mức khí thải của xe máy được đi vào đấy sẽ nghiêm ngặt hơn so với lưu thông tại các khu vực khác, hoặc sẽ có thời điểm cấm hoàn toàn, chỉ những phương tiện giao thông xanh được đi vào vùng đó”,  bà Lưu Thị Thanh Chi giải thích. 

Năm 2023, Hà Nội đã Ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. 

Trong mục tiêu về quản lý chất lượng không khí, Hà Nội đặt ra 4 mục tiêu chính. Một là, kiểm soát và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm chính từ các hoạt động giao thông, công nghiệp, đốt mở và dân sinh. Hai là, thiết lập các hệ thống cảnh báo, phòng ngừa ô nhiễm không khí. Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng. Bốn là, thu hút các nguồn lực tham gia để thực hiện các giải pháp ngắn hạn dài hạn.

“Vùng phát thải thấp không phải để hạn chế người dân sử dụng phương tiện giao thông mà để khuyến khích người dân sử dụng những phương tiện giao thông xanh, thân thiện môi trường", Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh thêm. 

Từ điểm mới về việc triển khai mô hình đó, bà Lưu Thị Thanh Chi cho biết về các giải pháp để thí điểm vùng phát thải thấp tại Hà Nội. "Đó là kiểm định khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Chúng ta có dán tem để nhận diện: tem vàng, tem xanh… căn cứ qua màu tem dán trên phương tiện sẽ nhân diện được xe phát thải thấp hay cao".

Đồng thời, thiết lập hạ tầng giám sát giao thông bằng những giải pháp công nghệ để có hạ tầng giám sát giao thông để nhận diện được xe ra vào vùng phát thải thấp, đồng thời, thiết lập hạ tầng biển báo giao thông theo quy định để hạn chế thu phí trong vùng phát thải thấp này. 

Cùng với đó, tổ chức lại hạ tầng giao thông công cộng trong vùng phát thải thấp này, chúng ta cần có các hỗ trợ với các đối tượng sống trong vùng phát thải thấp này để họ chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh. 

Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, lộ trình năm 2025, chương trình thí điểm này thực hiện trên quận Hoàn Kiếm và sẽ khuyến khích các quận trong nội đô. Từ đó, việc triển khai sẽ có khu vực để thực hiện phát thải thấp, và có bài học kinh nghiệm để mở rộng khu vực.

Nỗ lực vì một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại - Ảnh 2
Quận Hoàn Kiếm là khu vực đầu tiên thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp vào năm 2025 (ảnh minh hoạ). 

Giải pháp hướng tới Thủ đô xanh, đô thị thông minh bền vững

Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chia sẻ về 5 mục tiêu để phát triển đô thị văn minh, bền vững, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050, hướng tới một thành phố khỏe mạnh, đáng sống. 

Một là, tăng cường bảo vệ môi trường đô thị gắn với quy hoạch phát triển Thủ đô, theo đó tăng cường xử lý chất thải rắn, nước thải bằng công nghệ hiện đại. Hiện tại, Hà Nội đã có những hệ thống thu gom xử lý nước thải rất quy mô, xử lý nước thải lượng lớn trong Thủ đô, trong thời gian tới sẽ mở rộng, cũng như đầu tư các hệ thống quan trắc tự động về nước thải, khí thải để chúng ta có hệ thống giám sát để quản lý. Thứ hai, thực hiện các giải pháp chuyển đổi năng lượng và phát triển đô thị thông minh, điều này được xây dựng lộ trình để tập trung phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, năng lượng chiếu sáng công cộng… Thứ ba, thúc đẩy giao thông xanh, giao thông thông minh. Thứ tư, phát triển không gian công cộng không gian xanh theo công nghệ đô thị vệ tinh. Thứ năm, tăng cường quản lý đô thị. 

Bên cạnh những giải pháp của thành phố, ông Nguyễn Phương Nam - Đánh giá viên quốc tế của UNFCCC (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu), Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới Khí hậu KLINOVA cũng chia sẻ những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, mô hình thích ứng bao trùm tổng thể và sáng kiến của quốc để góp phần Hà Nội trở thành đô thị xanh - bền vững.

Đại diện UNFCCC thông tin, quốc tế đánh giá những rủi ro về khí hậu trong thời gian của Hà Nội như: khan hiếm nguồn nước sạch, gia tăng các vụ cháy rừng, suy giảm chất lượng nước ngầm, an ninh lương thực,...

Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay ở Hà Nội và các thành phố lớn trên thế giới là giai đoạn phòng ngừa, nhận diện được các rủi ro để có kế hoạch phòng ngừa. Ông Nguyễn Phương Nam đưa ra ví dụ về cơn bão Yagi mới đây, các cửa đê sông đóng trước khi trường hợp vỡ đê, nước ngập vào Thủ đô.

"Tuy nhiên, thế giới đã đi đến các hành động chuyển đổi, không chỉ giúp bảo vệ cuộc sống mà còn tạo ra nơi đáng sống hơn. Ví dụ thay vì chúng ta dùng điều hòa làm mát cho tòa nhà thì trồng cây, không chỉ giảm tiền điện mà còn tăng hệ sinh thái cảnh quan rất đẹp," ông Nguyễn Phương Nam nêu ý kiến. 

Cũng theo đại diện UNFCCC, bên cạnh việc thích ứng biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, còn yếu tố giảm phát thải khí nhà kính bằng những hoạt động hấp thụ khí nhà kính hoặc dùng năng lượng tiết kiệm. 

Cùng với đó, các giải pháp cần sự tăng cường hỗ trợ không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả các tổ chức quốc tế, sự đầu tư của khối tư nhân. 

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa thành phố thông minh và tính bền vững, theo đó, đại diện UNFCCC cũng đưa ra các nhóm chủ đề của phát triển bền vững như: bảo tồn thành phố văn minh đáng sống nhưng không mất đi giá trị lịch sử, nhu cầu sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng đô thị với rủi ro thiên tai, quản lý chất thải rắn, rác thải…

Đại diện UNFCCC cho rằng, tất cả các công trình hiện hữu phải có giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, và đưa ra các mô hình thông minh ở các nước trên thế giới, đồng thời cũng khẳng định ý thức là yếu tố rất quan trọng để quyết định một thành phố thông minh, xanh, bền vững. 

Ông Nguyễn Phương Nam cũng hy vọng vấn đề khan hiếm nguồn nước cũng được tạo cơ hội tái sử dụng nguồn nước, nguồn nước tái tuần hoàn cũng rất quan trọng chứ không chỉ đơn thuần khai thác nước ngầm. 

"Các sáng kiến rất nhiều nhưng cần giải pháp đồng bộ tổng thể của một thành phố. Vai trò của số luôn phải đi trước, đây là “bài toán” quan trọng để giúp cho hoạt động chuyển đổi xanh, thành phố thông minh thành công", đại diện UNFCCC bày tỏ. 

Thuỳ Dương

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực vì một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới