Chủ nhật, 24/11/2024 08:10 (GMT+7)
Thứ năm, 22/10/2020 09:12 (GMT+7)

Nông dân đổi đời nhờ công nghệ

Theo dõi KTMT trên

Tại vùng ngoại ô Trương Gia Giới - một thành phố ở phía tây bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ông Zhong Haihui từ một lão nông trồng cam vô danh đã vụt sáng trở thành một hiện tượng mạng nhờ “live-stream” bán nông sản do mình trồng.

Nông dân đổi đời nhờ công nghệ - Ảnh 1

Từ năm 2017, không ít hàng xóm nhăn mày khi nhìn thấy ông Zhong, đội mũ cao bồi và đứng trên một tảng đá lớn, dành hàng giờ đồng hồ để thao thao bất tuyệt trước chiếc điện thoại thông minh của mình về những loại trái cây được trồng ở quê nhà. Có người cho rằng ông bị tâm thần khi nghĩ rằng sẽ bán được cam chỉ qua một chiếc điện thoại.

Hồi tưởng lại những ngày “chập chững” lên mạng, ông Zhong phát hiện ra rằng có không ít nông dân trên khắp đất nước cũng đang sử dụng công nghệ phát trực tuyến để quảng bá và bán nông sản cho người ở thành phố và các tỉnh khác.

“Chúng tôi khá lúng túng vào những ngày đầu”, ông Zhong nói. “Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều người đã thuần thục với công nghệ này”.

Zhong là một trong những nông dân đầu tiên ở Hồ Nam bắt đầu bán trái cây của mình thông qua các phiên live-stream, tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước thông qua nền tảng chia sẻ video ngắn Kuaishou và sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba.

Lão nông tới từ Hồ Nam cho biết ông trở nên hoạt bát hơn khi trò chuyện với những người theo dõi mình trên mạng. Thậm chí ông còn được nhiều người biết tới với thương hiệu “Chú Zhong” và thường gọi những người theo dõi kênh của mình là các “em bé”.

“Chào mừng, các em bé ! Hãy nhấn theo dõi nếu các bạn tới đây lần đầu! Theo dõi ‘Chú Zhong’ để được thưởng thức nhiều đồ ăn ngon hơn sau này!” - đó là câu cửa miệng quen thuộc của ông Zhong ngay sau khi phát trực tuyến.

Nông dân đổi đời nhờ công nghệ - Ảnh 2

Đều đặn mỗi ngày vào 10 giờ sáng, ông Zhong lại cầm theo điện thoại di động lên một ngọn đồi trong vườn, ngân nga một giai điệu ngẫu nhiên và hỏi khán giả của mình xem họ đã ăn sáng chưa. Ông và đối tác tên Xiaoqiang của mình lần lượt giải đáp mọi câu hỏi xuất hiện trên màn hình, hầu hết là về những loại trái cây họ sẽ bán vào ngày hôm đó.

Ông Zhong trước đây làm việc tại một trạm xăng và trong một nhà máy. Năm 2011, ông mở một gian hàng thương mại điện tử trên Taobao, bán các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Công việc kinh doanh không hề khả quan cho đến cuối năm 2017, khi ông bắt đầu xoay sang phương án live-stream.

Mặc dù không có ước tính chính thức nào của chính phủ Trung Quốc về việc có bao nhiêu nông dân trên cả nước hiện đang sử dụng các mạng xã hội để bán sản phẩm của họ, cả Taobao và Kuaishou đều cam kết muốn giúp nhiều nông dân kinh doanh trên nền tảng ứng dụng của họ.

Taobao cho biết đặt mục tiêu phát triển mạng lưới 1.000 nông dân phát trực tiếp tại 100 quận, huyện trong năm 2019, giúp mỗi người kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) thu nhập hàng tháng.

Theo ước tính của Kuaishou, nền tảng này hiện có hơn 1 triệu người dùng ở vùng nông thôn đang bán các sản phẩm địa phương thông qua những video ngắn và hoặc các phiên live-stream. Những người dùng này đã kiếm được tổng cộng 19 tỷ nhân dân tệ (2,65 tỷ USD) chỉ trong năm 2018.

Các ứng dụng live-stream của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng bùng nổ vào năm 2016, khi doanh thu thị trường tăng tới 180% so với năm trước, đạt 20,8 tỷ nhân dân tệ. Cả công ty khai thác nền tảng và các “ngôi sao” live-stream đã thu về tiền tỷ từ các khoản quyên góp của người xem dành cho chủ kênh. Từ đó, đã có không ít người nông dân thực sự đổi đời nhờ áp dụng công nghệ vào việc phân phối nông sản.

Một yếu tố khác khiến làn sóng nông dân live-stream bùng nổ là do thực trạng an toàn thực phẩm ở Trung Quốc, khiến người tiêu dùng mất niềm tin và muốn tận mắt xem những sản phẩm của họ được nuôi trồng tại chỗ.

Nông dân đổi đời nhờ công nghệ - Ảnh 3

Ông Zhong cho biết mình đã mở rộng hoạt động kinh doanh trên Taobao bằng cách hợp tác với các vườn cây địa phương trên khắp cả nước. Ông dự định sẽ phát trực tiếp nhiều hơn về các đối tác này và vận chuyển trái cây từ trang trại của họ. Zhong cũng muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch trực tiếp tại Trương Gia Giới.

Kênh cá nhân của ông Zhong hiện có hơn 82.000 người theo dõi, nhưng đây không phải là một thành tựu dễ dàng đạt được, đặc biệt đối với một người không quen sử dụng điện thoại thông minh hoặc quen thuộc với văn hóa Internet.

“Thật khó để bắt đầu gọi những người lạ mặt là ‘em bé’, đặc biệt là khi tuổi tác của tôi không còn trẻ nữa”, ông Zhong chia sẻ.

Vì vậy, ông và đối tác của mình không ngừng nghiên cứu hành vi của người xem bằng cách theo dõi các kênh bán hàng khác và xem lại các video của chính họ. Hai người thường thảo luận làm thế nào để làm tốt hơn trong các phiên tiếp theo cho tới khuya và bắt đầu công việc vào sáng hôm sau.

“Cứ mỗi khi về nhà sau khi live-stream, tôi chẳng muốn nói gì cả, vì chẳng còn hơi sức để nói”, ông Zhong nói. “Không thể phủ nhận rằng chính nhờ công nghệ mà cuộc đời tôi như bước sang một chương mới”.

Nông dân đổi đời nhờ công nghệ - Ảnh 4

Cũng tại tỉnh Hồ Nam, Chen Jiubei - một nữ nông dân hơn 30 tuổi, cũng nổi tiếng không kém nhờ kênh bán hàng với hơn 40.000 người theo dõi, các sản phẩm chủ lực của Chen là lúa và gạo do chính gia đình cô trồng.

Loay hoay mãi mà không tìm được đầu ra cho nông sản của nhà, Chen được một người họ hàng gợi ý lập một gian hàng trên Taobao rồi phát trực tiếp, biết đâu lại bán được cho ai đó. “Tôi chỉ nghĩ lúc nào rảnh tay thì làm thử, không ngờ nó lại thay đổi cuộc sống của tôi”.

Tiếng lành đồn xa, hàng xóm xung quanh sau đó đổ xô bán lại nông sản cho Chen để cô tiếp tục “đẩy hàng” qua mạng, kéo theo đó là thu nhập của người dân tại thị trấn Badagong được cải thiện.

“Trước đây, các hộ tại Badagong thậm chí còn rơi xuống dưới mức nghèo, thu nhập không quá 2.300 nhân dân tệ một năm, thì nay họ đều kiếm được tới 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng”, Chen cho biết.

Câu chuyện của Chen hay ông Zhong là một trong số ngày càng nhiều ví dụ tiêu biểu về cách người nông dân Trung Quốc thoát nghèo nhờ áp dụng công nghệ.

Đối với Chen, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã cải thiện rõ rệt các điều kiện ở nhà - thịt và cá từng được coi là thứ xa xỉ chỉ được dùng trong các dịp lễ Tết.  Bây giờ mẹ con cô đã có đủ tiền nấu món thịt cho mỗi bữa ăn, đến mùa thu hoạch thì có thể thuê nhân công làm ruộng thay vì tự làm những công việc nặng nhọc như trước. “Mẹ tôi trước đây vẫn phải nai lưng đi làm đồng. Nhưng thu nhập bây giờ đã khá, bà ấy cuối cùng đã có thể an nhàn”, Chen nói.

Nông dân đổi đời nhờ công nghệ - Ảnh 5

Các công ty như Alibaba hay Pinduoduo, Kuaishou đều đặt mục tiêu sẽ giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn của Trung Quốc và cung cấp cho người tiêu dùng khả năng tiếp cận trực tiếp các sản phẩm tươi sống, đồng thời loại bỏ những người trung gian trong chuỗi cung ứng.

“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một công cụ kỹ thuật số để cải thiện bộ mặt nông thôn khi các ngôi làng bước vào nền kinh tế kỹ thuật số ngày nay”, Li Shaohua, Phó chủ tịch Alibaba kiêm Tổng giám đốc đơn vị kinh doanh nông thôn của Alibaba, tuyên bố.

Các chiến lược xóa đói giảm nghèo của Alibaba bao gồm liên kết các khu vực thành thị và nông thôn ở Trung Quốc, cho phép người tiêu dùng thành thị tiếp cận với nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đô thị đến các làng quê nông thôn để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Đến năm 2022, công ty hy vọng doanh số bán các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng của mình có thể vượt mốc 400 tỷ nhân dân tệ mỗi năm.

Ngoài việc đưa người nông dân và nông sản lên mạng, công ty Pinduoduo có trụ sở tại Thượng Hải cũng đã đưa ra các sáng kiến xóa đói giảm nghèo ở nông thôn như Duo Duo Farms, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp và kết nối trực tiếp nông dân với các thương lái và người tiêu dùng muốn mua hàng của họ.

Nông dân đổi đời nhờ công nghệ - Ảnh 6
Viết miêu tả ảnh ở đây

“Nông nghiệp là một trong những điểm nổi bật của nền tảng của chúng tôi và sáng kiến Duo Duo Farms nhằm mục đích cải thiện toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp từ thời điểm người nông dân quyết định bán gì cho đến khi sản phẩm đến tay người dùng”, David Liu, Phó Tổng giám đốc Pinduoduo cho biết.

Trong khi đó, sàn bán lẻ trực tuyến JD.com cũng đã có chính sách thúc đẩy nông nghiệp, tung ra các sáng kiến như JD Farm sử dụng  internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và blockchain để các trang trại cải thiện năng suất.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xóa nghèo tuyệt đối ở các vùng nông thôn vào cuối năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang thúc đẩy các nỗ lực thực thi khẩu hiệu “không một khu vực hoặc cá nhân nào bị bỏ lại phía sau”.

“Đây là cơ hội để các công ty thương mại điện tử hưởng ứng các mục tiêu của chính phủ và trở thành một công dân doanh nghiệp tốt”, theo Michael Norris, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược tại công ty tư vấn AgencyChina. “Đó là một cách để các nền tảng thương mại điện tử thể hiện rằng họ đang đền đáp và mở ra cánh cửa cho các sản phẩm tươi sống được cung cấp tại cửa hàng và trực tuyến. Người tiêu dùng cũng hiểu rằng bằng cách mua những sản phẩm này, họ đang hỗ trợ nông dân ở các vùng nông thôn”.

Bắc Hiệp

Bạn đang đọc bài viết Nông dân đổi đời nhờ công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới