Chủ nhật, 24/11/2024 08:32 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 14:00 (GMT+7)

Nông nghiệp ĐBSCL cần thay đổi toàn diện để thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Việc biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp tại ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi toàn diện, áp dụng khoa học kỹ thuật để nông nghiệp tại ĐBSCL thích ứng và phát triển.

Cần tư duy mới trong sản xuất

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng đầu về diện tích đất nông nghiệp, sản lượng lúa cũng như giá trị sản xuất về nông nghiệp so với các vùng trong cả nước. Những mũi nhọn trong ngành nông nghiệp của ĐBSCL phải kể đến đó là sản lượng lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả. Theo thống kê, ĐBSCL đóng góp đến 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây cả nước.

Nông nghiệp ĐBSCL cần thay đổi toàn diện để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Mô hình “Cánh đồng lớn” đang giúp nông nghiệp ĐBSCL phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt với chủ trương liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp mà các địa phương vùng ĐBSCL thúc đẩy đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Điển hình là sự thành công của mô hình “Cánh đồng lớn”. Theo đó, mỗi ha lúa tham gia canh tác trong “Cánh đồng lớn” người nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất 10%-5%, giá trị sản lượng tăng lên 20%-25%, thu lợi nhuận thêm 2,2-7,5 triệu đồng.

Ngoài sản phẩm lúa gạo, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL cũng đã xây dựng được các mô hình tổ chức liên kết chăn nuôi và nuôi trồng chế biến thủy sản. Điểm nổi bật của những mô hình này là doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư cho nông dân, là người tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo đảm thị trường tiêu thụ. Nông dân là người trực tiếp sản xuất, nhận khoán theo định mức chi phí, được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Những mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp kể trên đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất. Phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL. Tạo mới liên kết chặt chẽ giữa nông dân, ngư dân với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Tuy vậy, việc sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang tồn tại một số vấn đề lớn như: việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh, nhất là việc canh tác 3 vụ lúa/năm đã tạo ra những hệ lụy đáng báo động về sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Diện tích nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm, cá tra) tăng nhanh trong giai đoạn 2000-2010 nhưng thiếu kiểm soát về môi trường, dẫn đến dịch bệnh bùng phát.

Tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi thủy sản chưa được kiểm soát. Tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị nông sản cũng là một nút thắt trong phát triển nông nghiệp vùng.

Thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu

Bên cạnh những lợi thế về nông nghiệp, khu vực ĐBSCL thời gian gần đây luôn phải đối mặt với những khó khăn của biến đổi khí, hạn hán, xâm nhập mặn, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình sản xuất của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Nông nghiệp ĐBSCL cần thay đổi toàn diện để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Hệ thống cống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp ĐBSCL kiểm soát đnags kể hạn mặn.

Theo thống kê, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 ở ĐBSCL đã gây thiệt hại gần 1 triệu tấn lúa, 60.000-70.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, không khôi phục lại được; có thời điểm có đến 500.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và năm đó nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm. Tiếp đó, giai đoạn năm 2019-2020 tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn quay trở lại và con số thiệt hại cũng tương đương với đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục 2015-2016.

Các chuyên gia, nhà khoa học, mặc dù mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giữ vững sản lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy vậy, việc triển khai các mô hình này hiện đang gặp khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm do chưa có doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị này.

Theo GS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, tinh thần chuyển đổi theo Nghị quyết 120/NQ-CP ở vùng ĐBSCL mạnh mẽ hơn, thể hiện qua việc tại vùng mặn ven biển, diện tích lúa - tôm tăng nhiều, phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái cũng khá nhiều. Hiện nay, người nông dân vùng ĐBSCL cũng đã thay đổi tư duy sản xuất, trong mùa mưa thì trồng lúa, khi ít mưa, nước mặn lên chuyển qua nuôi tôm. Việc chuyển đổi này đem lại lợi ích gấp 4 - 5 lần so với cây lúa.

 “Hiện tại, phong trào chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng cây ăn trái ở các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai khá nhiều, nhưng làm rất lẻ tẻ ở một vài nơi và chưa đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Trong thời gian tới, chúng ta cũng cần định hướng tư duy từng vùng, vùng nào trồng cây gì. Từ đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với các doanh nghiệp”, GS. Võ Tòng Xuân nhận định.

Trong ngành trồng trọt, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các địa phương tích cực chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn khác với mục tiêu tăng tính linh hoạt của đất lúa, hiện diện tích chuyển đổi đất trồng lúa toàn vùng. Hoặc tái cơ cấu để xoay trục trong ba ngành mùi nhọn vẫn là lúa - trái cây - thủy sản.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT còn kết hợp với các tỉnh ĐBSCL để chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu ở các khu vực ven biển, thu hẹp lúa xuân hè và tăng vụ thu đông. Các viện nghiên cứu của Bộ NNPTNT đã lai tạo và công nhận 41 bộ giống lúa sản xuất thử, trong đó có nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ, chịu phèn, chịu mặn. Các quy trình canh tác lúa bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu như “Ba giảm, ba tăng”, “một phải, năm giảm”, “một phải, sáu giảm”,... cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi trong vùng.

Đối với ngành chăn nuôi, đã có một số mô hình thích ứng tốt với biến đổi như vịt chạy đồng, vịt biển, chim yến, ong. Trong ngành lâm nghiệp, rừng ngập mặn đã được chú ý phát triển trở lại tại một số địa bàn. Đặc biệt, đã có nhiều mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như tôm - lúa, tôm - rừng tại vùng ven biển, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Ngoài công tác thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu thì các tỉnh thành tại vùng ĐBSCL, hiện nay đã và đang xây dựng hàng loạt các công trình thủy lợi có thể điều hòa được mặn – ngọt, đáp ứng đa mục tiêu, như: phục vụ nước sản xuất nông nghiệp, nước sạch nông thôn, nước cho khu công nghiệp, khu chế xuất, cấp nước, tiêu nước, kiểm soát lũ,… Các hệ thống cơ sở hạ tầng đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp ĐBSCL cần thay đổi toàn diện để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới