Chủ nhật, 24/11/2024 08:20 (GMT+7)
Thứ hai, 01/02/2021 09:08 (GMT+7)

Nữ giáo sư đoạt giải Kovalevskaia hiến kế làm sạch nước ô nhiễm làng nghề (Kỳ cuối)

Theo dõi KTMT trên

Việc cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề ở Hà Nội cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp, ngành…Việc đồng bộ chính sách phải gắn với điều kiện đặc thù của từng địa phương thì mới đem lại hiệu quả bền vững.

Ô nhiễm môi trường làng nghềcòn bị xem nhẹ

GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi được biết đến là một trong số ít nhà khoa học đi tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực môi trường. Bà có nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến đóng góp giúp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề của Việt Nam nói chung, làng nghề Hà Nội nói riêng.

Theo bà Kim Chi, hiện nay Hà Nội có tất cả 1.350 làng nghề, chiếm 8,8% tổng số lượng làng nghề trên cả nước. Tuy nhiên có rất ít làng nghề tại Hà Nội được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, việc sản xuất ở làng nghề phát triển nếu không được quy hoạch và có chính sách bảo vệ tốt môi trường sẽ gây những hậu quả khó lường, gây suy thoái chất lượng môi trường không khí, nước, đất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh vật sống và đặc biệt làm suy giảm sức khỏe cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực.

Với nhiều loại hình sản xuất làng nghề, ô nhiễm môi trường có xu hướng ngày càng gia tăng, tác động đến nguồn tài nguyên và tạo ra các áp lực cho cộng đồng, tạo nên các xung đột giữa các nhóm lợi ích trên địa bàn. Ô nhiễm môi trường các làng nghề đã tác động không nhỏ đến sức khỏe dân cư, gia tăng chi phí y tế cộng đồng, đe dọa an ninh sức khỏe của con người, giảm tính hấp dẫn của du lịch Hà Nội nói chung và du lịch làng nghề nói riêng.

Nữ giáo sư đoạt giải Kovalevskaia hiến kế làm sạch nước ô nhiễm làng nghề (Kỳ cuối) - Ảnh 1
GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi khẳng định nâng cao nhận thức của bà con nhân dân làng nghề hết sức quan trọng.

Cũng theo GS.TS-NGND Kim Chi, trong tương lai, khi mà mức sống của người dân được nâng lên, các yêu cầu về sức khoẻ cộng đồng được đề cao hơn thì việc phát triển của làng nghề không thể tách rời với việc cải thiện môi trường sống và làm việc. Điều này trở thành áp lực đối với sự phát triển bền vững các làng nghề. Nhiều làng nghề ở Hà nội đã xây dựng được hương ước, quy ước chung của làng có những khoản mục về bảo vệ môi trường, cho dù những quy định này vẫn ở mức độ đơn giản. Các hình thức xử phạt đối với các hộ sản xuất nghề gây ô nhiễm trong hương ước, quy ước chưa được quy định rõ. Các làng nghề Hà Nội vẫn còn phát triển tự phát, dù đã có quy hoạch. Trong khi đó, nhiều làng nghề truyền thống đang mai một.

Các làng nghề mới xuất hiện và phát triển tự phát theo nhu cầu xã hội, lợi nhuận. Việc kiểm soát ô nhiễm còn yếu kém tại khu vực nông thôn, đe dọa tới an ninh môi trường của Hà Nội. Tại địa phương có làng nghề (cấp xã), các văn bản pháp lý rất ít và không được phổ biến đến các hộ sản xuất nghề. Chính quyền địa phương và người dân cũng thiếu sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý môi trường các cấp trong công tác truyền thông môi trường.

Hoạt động quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được triển khai liên tục trong nhiều năm. Kết quả quan trắc chưa phản ánh được bức tranh ô nhiễm làng nghề. Từ 2007-2016, chỉ thực hiện quan trắc tại 90 làng nghề, (khoảng 6,6%) trong số 1.350 làng nghề của Hà Nội. Tần suất quan trắc từ 1-2 lần/năm.

Cần nâng cao nhận thức củangười làmnghề

Theo đánh giá của Giáo sư Đặng Thị Kim Chi, như vậy vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đã và đang là vấn đề bức xúc cần được quan tâm và giải quyết một cách tổng thể và bền vững. Vì vậy, bảo vệ môi trường không chỉ của riêng làng nghề mà cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và đồng bộ chính sách, trong đó gắn với điều kiện, đặc thù từng địa phương mới đem lại hiệu quả bền vững. Với hệ thống làng nghề rất đa dạng hoạt động trong 8 nhóm ngành sản xuất khác nhau nên số lượng chất thải và nguồn xả thải của mỗi một làng nghề ở Hà Nội có đặc thù riêng.

Do đó, căn cứ vào từng loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế địa phương để áp dụng những giải pháp xử lý khác nhau, không thể đánh đồng tất cả. Các cơ quan quản lý môi trường địa phương có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước thải cho từng làng nghề và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ. Để phát triển các làng nghề tại Hà Nội bền vững trong tương lai, cần thiết phải có những chính sách và biện pháp tổng hợp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nữ giáo sư đoạt giải Kovalevskaia hiến kế làm sạch nước ô nhiễm làng nghề (Kỳ cuối) - Ảnh 2
Người dân Vạn Phúc từng bước thay đổi nhận thức, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để thu hút khách du lịch.

Ở các làng nghề, nước thải có nhiều hóa chất độc hại, cần phải thu gom nước thải tập trung và có những biện pháp xử lý giống như nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Với các làng nghề có diện tích lớn hoặc tập trung xen kẽ vẫn có thể áp dụng biện pháp xử lý phân tán, sau đó mới đưa vào xử lý chung.

"Cùng với đó, xây dựng cơ chế vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nguyên tắc, ai xả nước thải gây ô nhiễm người đó phải trả tiền. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa ra những phương án, quy trình, biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp không xử lý nước gây ô nhiễm. Tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm về các biện pháp kĩ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước sử dụng trong sản xuất, giảm phát sinh chất thải trong quá trình sản xuất giữa các nhóm làng nghề cùng loại hình sản xuất như các làng nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất và tái chế kim loại, chế biến nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy…”, GS.TS-NGND Kim Chi cho biết thêm

Cũng theo GS.TS-NGND Kim Chi, những biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức của bà con nhân dân làng nghề là vô cùng quan trọng. Chính quyền địa phương, hiệp hội làng nghề, hội cựu chiến binh dựa trên thói quen, tập quán của địa phương mình để có những biện pháp tuyên truyền phù hợp để làm sao bà con làng nghề nhận thức được được những tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, cuộc sống của gia đình họ và bà con lối xóm. Việc lựa chọn công nghệ và quy mô xử lý nước thải cũng phải phù hợp với đặc thù, điều kiện kinh tế của làng nghề, cũng như trình độ kỹ thuật của người lao động. Đặc biệt, phải hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm. Môi trường làng nghề Hà Nội chỉ thực sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và với vị trí trách nhiệm của mình. Dù đó là chủ cơ sở sản xuất hay các cán bộ quản lý chính quyền địa phương hay bà con dân cư sinh sống tại làng nghề đều có các hành động cụ thể tích cực góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm do hoạt động sản xuất.

Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc. Giải thưởng này tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học gốc Nga, Kovalevskaya (1850 – 1891).

Hà Cường

Bạn đang đọc bài viết Nữ giáo sư đoạt giải Kovalevskaia hiến kế làm sạch nước ô nhiễm làng nghề (Kỳ cuối). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới