Chủ nhật, 24/11/2024 06:50 (GMT+7)
Thứ tư, 27/01/2021 10:59 (GMT+7)

Xử lý ô nhiễm nước thải tại làng nghề Hà Nội: Cần giải pháp đột phá (Kỳ 1)

Theo dõi KTMT trên

Tại Hà Nội, việc phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngày một nghiêm trọng.

LTS: Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 8,8% tổng số làng nghề trên các nước. Sự phát triển của làng nghề góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng việc phát triển quá nóng của làng nghề trong một thời gian ngắn khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường nước ngày càng phức tạp. Bài toán xử lý ô nhiễm ở các làng nghề hiện nay vô cùng cấp bách.

Ô nhiễm nước thải tiếp tục gia tăng

Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề trong thời gian qua đã có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 1.350 làng nghề thu hút gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất tại chỗ. Trong số đó có hơn 700.000 lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, làng nghề phát triển cũng đi kèm sức ép không nhỏ đối với môi trường Thủ đô khi ý thức của người dân làng nghề chưa cao, chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường do chính họ gây ra.

Xử lý ô nhiễm nước thải tại làng nghề Hà Nội: Cần giải pháp đột phá (Kỳ 1) - Ảnh 1
Một đoạn cống rãnh trên địa bàn xã Dương Liễu không có nắp đậy, nước đen đặc bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Hiện nay, tốc độ đô thị hoá quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho rất nhiều làng nghề Hà Nội trở thành "phố nghề", "phường có nghề". Trên thực tế, sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình. Hầu hết các cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Đa số các hộ làm nghề sử dụng ngay nơi ở của gia đình để làm nơi sản xuất.

Kết quả khảo sát hiện trạng môi trường tại một số loại hình làng nghề chính ở Thủ đô Hà Nội của GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã chỉ ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương này. “Các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhất là các làng nghề sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc có độ ô nhiễm rất cao. Định mức nước thải cho 1 tấn sản phẩm là 60 - 100 m3, BOD5 (tải trọng nhu cầu oxy sinh hóa trong 5 ngày đầu)= 380-400 kg/tấn sản phẩm, COD (nhu cầu oxy hóa học) = 600 - 650 kg/tấn sản phẩm. Còn các làng nghề ươm tơ, dệt nhuộm sử dụng một lượng lớn nước. Nước thải tại nguồn thải trong dây chuyền sản xuất có độ màu rất cao (COD = 1000 mg/l, độ màu = 4000 Pt-Co - đã gây ô nhiễm nước mặt nặng nề. Còn nước thải của các làng nghề tái chế gia công kim loại chứa kim loại nặng vượt TCCP từ 2,5 - 9 lần”.

Xử lý ô nhiễm nước thải tại làng nghề Hà Nội: Cần giải pháp đột phá (Kỳ 1) - Ảnh 2
GS.TS Đặng Thị Kim Chi khẳng định các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm (sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi, giết mổ gia súc) có độ ô nhiễm rất cao.

Tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), địa phương nổi tiếng với nghề sản xuất tinh bột sắn và làm miến dong thì tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước cũng hết sức nghiêm trọng. Những năm gần đây, dù nhiều hộ đã bỏ nghề nhưng Dương Liễu vẫn còn tới 50 hộ sản xuất quy mô lớn (vùng bãi sông có 35 hộ) với sản lượng bình quân 100 tấn nguyên liệu/ngày. Tất cả số hộ sản xuất tinh bột vùng bãi chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Mỗi ngày hàng chục tấn bã thải và hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng ra sông Đáy.

Hàng năm, các cơ sở sản xuất miến dong có đến năm tháng cao điểm sản xuất, từ tháng 9 cho đến tháng 2 âm lịch sang năm, máy móc chạy ầm ĩ suốt ngày đêm. Nước thải lênh láng khắp đường rồi đổ thẳng ra cống bốc mùi hôi thối. Có thể thấy nước thải từ làng nghề này đã và đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cả vùng hạ nguồn sông Đáy chứ không riêng gì xã Dương Liễu.

Nhiều làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải

Tại các làng nghề, nước thải gần như chưa được xử lý một cách hiệu quả, chủ yếu được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung, hoặc cùng với nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống nước mặt làm đổi màu nước sông, bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do các cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu lại nằm giữa khu dân cư, khiến việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Trong khi đó, các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề mới mang tính thí điểm, chưa được nhân rộng khiến việc xử lý nước thải tại các làng nghề trở thành một thách thức với các cấp chính quyền TP.Hà Nội.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. 44 cụm công nghiệp còn lại vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải từ các cơ sở sản xuất vẫn xả thẳng ra môi trường. Cụ thể, theo quy hoạch, huyện Hoài Đức có 3 trạm xử lý nước thải làng nghề, tuy nhiên trên thực tế thì mới có trạm xử lý nước thải Cầu Ngà-Dương Liễu công suất 20.000 m3/ngày/đêm đi vào hoạt động.

Xử lý ô nhiễm nước thải tại làng nghề Hà Nội: Cần giải pháp đột phá (Kỳ 1) - Ảnh 3
Trạm nước thải tại Cụm công nghiệp Tân Triều bị bỏ không suốt hơn 10 năm.

Còn dự án xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng được phê duyệt từ năm 2013, công suất 8.000 m3/ngày/đêm, tổng mức đầu tư 231 tỉ đồng hiện đang bị chậm tiến độ. Huyện Thạch Thất có 7 cụm công nghiệp, nhưng mới chỉ có cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá và Cụm công nghiệp Bình Phú có hệ thống xử lý nước thải. Mặc dù vậy, ở cụm công nghiệp Bình Phú dù đã có hệ thống xử lý nước thải công suất xử lý theo thiết kế là 600 m3/ngày/đêm, nhưng đến nay mới chỉ có 10 cơ sở đấu nối vào hệ thống xử lý này, gây lãng phí trong vận hành trạm xử lý nước thải và không đủ kinh phí duy trì.

Riêng tại Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá, do hệ thống xử lý nước thải có từ lâu, công nghệ lạc hậu, hạ tầng xuống cấp, cho nên mới chỉ xử lý được nước thải mạ kim loại của 15 hộ sản xuất, còn hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở khác vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý nước thải. “Bức tranh” ngổn ngang của các dự án xử lý nước thải đã phần nào lý giải tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề Thủ đô Hà Nội hiện nay. Đáng lo ngại là nước thải của các làng nghề nếu không được xử lý trước khi xả thải thì không chỉ gây ô nhiễm cho dân cư sống trong làng mà còn ảnh hưởng đến cả một vùng dân cư xung quanh.

Theo kết quả điều tra khảo sát của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, trong số 300 nghề được khảo sát có tới 236 làng nghề bị ô nhiễm môi trường nước (chiếm hơn 70%), trong đó có đến 126 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 22 làng nghề ô nhiễm môi trường không khí, 12 làng nghề ô nhiễm môi trường đất. Tỉ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Hà Cương

Bạn đang đọc bài viết Xử lý ô nhiễm nước thải tại làng nghề Hà Nội: Cần giải pháp đột phá (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới