Chủ nhật, 24/11/2024 06:49 (GMT+7)
Thứ năm, 25/05/2023 14:56 (GMT+7)

Petrovietnam quyết tâm hoàn thành sớm nhất các dự án điện

Theo dõi KTMT trên

Petrovietnam đã có nhiều dự án điện được triển khai, thể hiện được khát vọng vượt khó đi lên của những người lao động Dầu khí và khẳng định vai trò và vị thế của PVN là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam

Lĩnh vực điện là một trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Trải qua gần 20 năm xây dựng và hình thành lĩnh vực Điện, từ con số "0" ban đầu nay đã hình thành chuỗi các loại hình phát điện hiện nay như: nhiệt điện khí; thủy điện; nhiệt điện than và tương lai sẽ là các mô hình năng lượng điện mới như năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi.

Hiện nay, tổng công suất các nhà máy điện của Tập đoàn và các đơn vị thành thành viên đạt 6.600MW, chiếm khoảng 8,5% công suất toàn hệ thống, hằng năm phát hàng chục tỷ kWh lên lưới điện và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trong quá trình phát triển của mình, Petrovietnam đã có nhiều dự án điện được triển khai, thể hiện được khát vọng vượt khó đi lên của những người lao động Dầu khí.

Trong đó phải kể đến dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 hoàn thành đi vào hoạt động đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, dự án góp phần nâng tổng công suất các nhà máy điện vận hành của Petrovietnam, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của PVN là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam. 

Với dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, đây là một trong các dự án trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030.

Dự án do Petrovietnam làm chủ đầu tư với tổng vốn là 43.043 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, đặt tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Dự án có công suất 1.200 MW với quy mô tổng diện tích là 115,2 ha, sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay với Lò than phun đốt trực tiếp, thông số siêu tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, đáp ứng tốt các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Petrovietnam quyết tâm hoàn thành sớm nhất các dự án điện - Ảnh 1
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do Petrovietnam làm chủ đầu tư, đặt tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dự án đã hoàn thành với chi phí dự kiến gần 42.000 tỷ đồng tiết kiệm dự kiến khoảng 500 tỷ đồng so với TMĐT đã được phê duyệt.

Mốc tiến độ hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt, thử nghiệm và kết thúc chạy tin cậy đối với Tổ máy 1 vào ngày 16/10/2021; Tổ máy 2 vào ngày 27/01/2022.

Bên cạnh đó, dự án được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá rất cao trong mỗi đợt kiểm tra. Đặc biệt là kết quả đo đạc thực tế các thông số đảm bảo về công suất phát điện, suất hao nhiệt tinh, điện tự dùng, hiệu suất, nồng độ NOx, SOx đều đã đạt và tốt hơn so với yêu cầu của hợp đồng EPC đã ký, đây là những bằng chứng thuyết phục nhất để khẳng định chất lượng của công trình.

“Hồi sinh" dự án sau nhiều ngày đêm hăng say lập thành tích

Dự án thứ hai phải kể đến là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Với diện tích 131,74 ha, đây là dự án trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011–2020 có xét đến 2030 được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm Chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200 MW, Nhà máy được thiết kế sử dụng công nghệ lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên với thông số cận tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Dự án do Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là Tổng thầu EPC; Liên danh nhà thầu Sojitz (Nhật Bản) - Dealim (Hàn Quốc) là Nhà thầu cung cấp thiết bị chính, được khởi công xây dựng từ ngày 01/3/2011.

Sau những nỗ lực của Petrovietnam, Tổng thầu PETROCONs, các nhà thầu vận hành chạy thử QHS/Sotec và các đơn vị hỗ trợ của Tập đoàn trong công tác chạy thử nghiệm, đến cuối năm 2021, công tác thi công xây lắp của dự án cơ bản đã hoàn thành để đưa Tổ máy số 1 vào chạy thử nghiệm.

Sau 45 ngày đêm hăng say lập thành tích, đến ngày 23/2/2022, dự án đã chính thức đốt lửa thành công lần đầu Tổ máy số 1 dưới sự chính kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo Petrovietnam và các đơn vị liên quan.

Tiếp đó, ngày 27/8/2022, đốt dầu lần đầu Tổ máy số 2 chỉ trong hơn 1 tháng, bằng 1/3 thời gian so với Tổ máy số 1. Vào đợt cao điểm gấp rút tiến độ, trên công trường dự án, các nhà thầu đã huy động hơn 1.000 công nhân thi công trực tiếp làm việc (bao gồm các đơn vị gia công, lắp đặt, sửa chữa, chạy thử...).

Đến ngày 16/11/2022, Tổ máy số 1 đã thực hiện thành công tác nâng công suất chạy thử tối đa lên 602MW (đạt và vượt so với công suất phát tối đa của tổ máy theo cam kết của Hợp đồng EPC là 600MW), ngày 5/3/2023, Tổ máy số 2 đã hoàn thành mốc tiến độ công suất tối đa 600MW.

Và ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức phát lệnh khánh thành nhà máy, chính thức đánh dấu sự thành công của quá trình "hồi sinh" dự án.

Trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu, các tổ máy đã phát điện lên lưới điện quốc gia hơn 1 tỷ kWh, dự kiến thu về khoảng hơn 1.000 tỷ VNĐ. Ngày 10/5/2023, Nhà máy đã được EVN có văn bản đề nghị huy động phát điện thương mại.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Petrovietnam quyết tâm hoàn thành sớm nhất các dự án điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới