Chủ nhật, 24/11/2024 08:15 (GMT+7)
Thứ ba, 14/06/2022 14:45 (GMT+7)

"Phá lệ" điều chỉnh tiền lương vào thời điểm giữa năm

Theo dõi KTMT trên

Lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, tiền lương được điều chỉnh vào giữa năm thay vì đầu năm như thông lệ. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, việc "phá lệ" điều chỉnh lương vào thời điểm này hợp lý, cần thiết.

Như Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã thông tin, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 6%. Theo đó, mức lương tối thiểu của người lao động sẽ được điều chỉnh tăng thêm tăng 180.000-260.000 đồng so với hiện tại.

Đây là nội dung của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người làm việc theo hợp đồng lao động vừa được Chính phủ ban hành. Như vậy, lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, tiền lương được điều chỉnh vào giữa năm thay vì đầu năm như thông lệ. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc "phá lệ" điều chỉnh lương vào thời điểm này là hợp lý và cần thiết.

"Phá lệ" điều chỉnh tiền lương vào thời điểm giữa năm - Ảnh 1
Mức lương tối thiểu của người lao động sẽ được điều chỉnh tăng thêm 6% từ ngày 1/7, tức tăng 180.000-260.000 đồng so với hiện tại. (Ảnh minh họa)

Ngoài việc điều chỉnh lương cho người lao động, doanh nghiệp phải đóng thêm các khoản chi phí, các khoản trích nộp khác như phí bảo hiểm, phí công đoàn… Mức tăng này được doanh nghiệp tính toán để cân đối từ nhiều tháng nay, chuẩn bị cho việc tăng lương diễn ra đúng kế hoạch.

Theo Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty May mặc Song Ngọc, ông Trần Thanh Sơn cho hay: "Chúng tôi đã báo cáo Ban Giám đốc và Công đoàn đã tính kỹ. Với 200 lao động, doanh nghiệp tôi 1 tháng phát sinh thêm khoảng 80 triệu đồng nữa. Tăng lương là việc rất cần thiết, doanh nghiệp nào thực hiện không tốt có thể mất lao động".

Hay như tại doanh nghiệp PouYuen Việt Nam (TP. HCM), để điều chỉnh lương cho hơn 58.000 người lao động là bài toán chi phí không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo địa diện doanh nghiệp này, đã 2 năm lương tối thiểu không tăng, người lao động cũng cần động lực để làm việc và cải thiện đời sống.

"Phải nói việc tăng lương cũng là khó khăn cho doanh nghiệp vì mới phục hồi lại. Nhưng vì mục đích cho người lao động, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định Nhà nước, phía công ty cũng làm việc với công đoàn, thống nhất dù cho khó khăn nào cũng tìm cách và sẵn sàng điều chỉnh lương tối thiểu để người lao động có cuộc sống tốt hơn", ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam nói.

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho hay, với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay, việc điều chỉnh lương sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu sẽ cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao, đồng thời là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: "6% là kết quả của quá trình thương lượng kỹ càng, thậm chí có lúc căng thẳng giữa hai bên. Đây là mức mà tôi cho rằng đã chia sẻ khó khăn cho cả hai bên. Tăng lương cho người lao động thì không chỉ người lao động được hưởng lợi ích, mà nó cũng mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động theo tinh thần win - win: Hai bên đều thắng. Người lao động với động lực tăng lương sẽ làm việc năng suất cao, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp".

Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận, việc tăng lương cũng có áp lực nhất định với doanh nghiệp thời điểm đầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải coi đây là khoản đầu tư lâu dài, để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản xuất và thu hút người lao động quay trở lại thị trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối tượng áp dụng gồm:

1 - Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

2 - Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

3 - Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết "Phá lệ" điều chỉnh tiền lương vào thời điểm giữa năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới