Chủ nhật, 24/11/2024 06:50 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/05/2022 12:00 (GMT+7)

Phá rừng tại Quảng Trị: Bộ NN&PTNT chỉ đạo nóng

Theo dõi KTMT trên

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xác minh làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc xử lý tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Đakrông.

Cụ thể, văn bản do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ký nêu rõ, thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Đakrông diễn biến phức tạp.

Trong tháng 4/2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 26ha rừng tự nhiên tại các tiểu khu 699, 708 thuộc xã Đakrông (huyện Đakrông) bị phá, gây bức xúc dư luận.

Phá rừng tại Quảng Trị: Bộ NN&PTNT chỉ đạo nóng - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật;

Điều tra, xác minh làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng; tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ bị xâm hại để có giải pháp quản lý, bảo vệ và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị Số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, các ban ngành của huyện Đakrông đã phát hiện tổng cộng 18 vị trí bị phát, chặt hạ cây rừng tại Tiểu khu 699 và 708 thuộc địa bàn xã Đakrông.

Trong đó, hơn 18,644ha rừng tự nhiên bị cưa hạ toàn bộ cây rừng, vẫn chưa đốt. Lực lượng chức năng đã phát hiện 20 hộp gỗ nhóm V, nhóm VI có khối lượng khoảng 2m³.

Hệ quả tất yếu

GS Nguyễn Ngọc Lung - chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho biết, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…

"Lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40 - 50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80 - 90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10 - 20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20 - 50% so với rừng tự nhiên", ông Lung phân tích.

Theo số liệu từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10 - 15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; Trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

Nạn phá rừng còn khiến tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; Khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Phá rừng tại Quảng Trị: Bộ NN&PTNT chỉ đạo nóng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới