Chủ nhật, 24/11/2024 08:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/11/2022 07:53 (GMT+7)

Bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao thu nhập nhờ tiếp cận nguồn gen

Theo dõi KTMT trên

Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen là 1 trong 3 mục tiêu của Công ước Đa dạng sinh học và được xác định là giải pháp quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương.

Từ nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi mà bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới

Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước... Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố...

Bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao thu nhập nhờ tiếp cận nguồn gen - Ảnh 1
Đa dạng sinh học tại Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới.

Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam nằm ở vị trí chuyển giao của nhiều luồng sinh vật: phía Đông mang các đặc điểm địa sinh học của dãy Hymalaya; phía Nam có các kiểu hệ sinh thái tương tự với các hệ sinh thái biển đảo và đất liền của khu vực Đông Nam Á; dãy Trường Sơn là vùng chuyển tiếp giữa kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bên cạnh các dãy núi, Việt Nam còn có 16 hệ thống sông chính, trong đó có hơn 10 hệ thống sông mà lưu vực có diện tích trên 10.000km2 như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai... Bên cạnh hệ sinh thái rừng thì Việt Nam còn có nhiều kiểu hệ sinh thái khác như trảng cỏ, đất ngập nước nội địa, đồi cát, bãi bồi ven biển, cửa sông, bãi cỏ biển, rạn san hô và vùng biển sâu. Song song đó còn có các hệ sinh thái nhân tạo như đập nước, đất nông nghiệp, đô thị.

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển.

Lợi ích của việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích

Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được xem là một trong những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào sử dụng bền vững nguồn gen và phát triển sinh kế cho cộng đồng. Trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án ABS), mô hình hợp tác công tư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được triển khai thí điểm thành công tại khu vực xã Tả phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. 

Bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao thu nhập nhờ tiếp cận nguồn gen - Ảnh 2
Ứng dụng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Thông qua đó, dự án ABS đã hỗ trợ người dân tại xã Tả Phìn xây dựng hương ước cộng đồng và triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn gen, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân cũng như nguồn cung cấp nguyên liệu cho các thỏa thuận ABS. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ các hộ dân trồng các loại cây thuốc dưới tán rừng và chuyển đổi đất trồng ngô, hoa màu sang trồng cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao.

Để đảm bảo việc sử dụng bền vững nguồn gen cây thuốc, dự án đã phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cộng đồng tại xã Tả Phìn nghiên cứu và phát triển sản phẩm xoa bóp dựa trên tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc giảm đau của người Dao và người Mông. Các lợi ích thu được từ việc thương mại hóa sản phẩm xoa bóp này sẽ được doanh nghiệp cam kết chia sẻ cho bên cung cấp nguồn gen cây thuốc, người dân cộng đồng địa phương và các bên liên quan.

Theo thống kê, đến nay, có 100 bài thuốc nam của các nghệ nhân và cộng đồng trên địa bàn xã Tả Phìn được tư liệu hóa; 1 sản phẩm thuốc xoa bóp giảm đau được nghiên cứu, phát triển; 1 cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống của tỉnh Lào Cai đã được xây dựng và duy trì vận hành.

Mô hình thí điểm về ABS được triển khai không chỉ góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên mà còn đem lại nhiều cơ hội phát triển cho người dân địa phương dựa trên chính tri thức truyền thống do họ nắm giữ. Đây được coi là giải pháp giúp con người sống hài hòa với thiên nhiên, tạo nguồn sinh kế bền vững, góp phần cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

 Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.

5Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên

(Theo Luật Đa dạng Sinh học 2008)

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao thu nhập nhờ tiếp cận nguồn gen. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới