Chủ nhật, 24/11/2024 03:45 (GMT+7)
Thứ ba, 29/03/2022 07:00 (GMT+7)

Phát triển du lịch sinh thái thân thiện Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Theo dõi KTMT trên

Ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng, hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn đã có nhiều đổi mới. Công tác tuyên truyền giáo dục môi trường ngày càng được nâng cao, sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư từng bước được rõ nét.

Từ năm 2004, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý mở dịch vụ du lịch sinh thái. Ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng, hoạt động du lịch sinh thái đã có nhiều đổi mới, mang diện mạo mới và từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch dần được hình thành, các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa.

Phát triển du lịch sinh thái thân thiện Vườn Quốc gia U Minh Thượng - Ảnh 1
Vườn quốc gia U Minh Thượng – Check-in thiên nhiên hoang dã miền Tây. (Ảnh: Internet)

Từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp

Nhờ cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành, lượng khách du lịch đến tham quan ngày càng nhiều. Tuy vậy, khoảng hai năm trở lại đây, do dịch Covid-19 cùng với việc hàng năm đóng cửa trung bình từ hai tháng mùa khô để bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng đã ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến đây, ông Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng cho biết.

Năm vừa qua, Vườn đón tiếp và phục vụ trên 26.000 lượt du khách đến tham quan du lịch sinh thái (chỉ đạt 38% kế hoạch do từ ngày 13/5, tạm ngừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19). Đến ngày 20/1/2022, Vườn Quốc gia U Minh Thượng chính thức mở cửa đón khách trở lại. Sau 45 ngày mở cửa, trên 11.000 lượt khách đến tham quan.

Phát triển du lịch sinh thái thân thiện Vườn Quốc gia U Minh Thượng - Ảnh 2
U Minh Thượng – Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của rừng U Minh.

Đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng thăm quan, ông C, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, ông rất hào hứng khi được ngắm cảnh hệ sinh thái đất ngập nước với lau sậy, cây bồn bồn, bông súng… nhất là bạt ngàn rừng tràm; đặc biệt thích thú với màu nước đỏ ở đây cùng nhiều loại chim rừng, dơi, khỉ… Sau khi tham quan thiên niên rừng tràm U Minh Thượng, ông và các thành viên trong đoàn đều lựa chọn đặc sản nơi đây như: mật ong, mắm cá lưỡi trâu... về làm quà biếu người thân.

Thích thú với hoạt động câu cá, anh Đ, đến từ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chia sẻ, anh rất đam mê với nghề săn bắt cá đồng nên chỉ đến nơi đây mới còn cá đồng nguyên thủy bản địa vùng đất U Minh. Thường nhóm của anh có khoảng 4-6 người đi từ 4 giờ sáng, tranh thủ vào sâu bên trong để thỏa niềm đam mê câu cá.

Nhiều triển vọng phát triển du lịch sinh thái

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng ông Trần Văn Thắng chia sẻ, công tác phát triển du lịch sinh thái tại Vườn hiện còn gặp khó khăn. Hiện tại, các hoạt động du lịch tại Vườn tập trung vào các loại hình du lịch, như du lịch khám phá hệ cảnh quan thiên nhiên rừng tràm trên đất ngập nước úng phèn; khám phá rừng tràm; du lịch vui chơi, giải trí; du lịch tham quan di tích lịch sử kết hợp tham quan cộng đồng cư dân địa phương; du lịch kết hợp với nghiên cứu, giáo dục… Về dịch vụ bổ trợ, Vườn hiện có gần 20 phòng nghỉ; một nhà truyền thống, quầy bán hàng lưu niệm...

Phát triển du lịch sinh thái thân thiện Vườn Quốc gia U Minh Thượng - Ảnh 3
Vườn Quốc gia U Minh Thượng đẹp nao lòng. (Nguồn: Internet)

Để từng bước thực hiện phát triển du lịch theo định hướng của UBND tỉnh Kiên Giang, Vườn Quốc gia U Minh Thượng sẽ nâng cao vai trò quản lý và hoàn thiện cơ chế, phương thức, bộ máy tổ chức hoạt động du lịch; đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; đầu tư các hạng mục về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc tại các tuyến, điểm du lịch trong Vườn; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang tính trải nghiệm, nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch mới hàng năm..., ông Thắng cho hay

Đồng thời, Vườn Quốc gia U Minh Thượng có cơ chế đãi ngộ đối với các công ty lữ hành truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực phục vụ du lịch; xây dựng kế hoạch và lập đề án tuyển dụng nhân viên có trình độ, chuyên môn và năng lực để bố trí, sử dụng; xây dựng phương án trả lương đối với cán bộ nhân viên làm việc hướng trả lương theo hiệu quả công việc được giao.

Vườn duy trì và tăng cường công tác quản lý về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại các tuyến; xây dựng khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng trở thành điểm du lịch thân thiện, mến khách.

Với diện tích 21.107 ha, trong đó vũng lõi chiếm hơn 8.000 ha, vùng đệm chiếm  hơn 13.000 ha. Khu vực này là một trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong hệ sinh thái rừng tràm ngập phèn ở Việt Nam, chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh, đó là các ưu hợp của rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn. Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn trở thành một hệ sinh thái có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, đặc trưng và nguy cấp.

Đây cũng là một điểm đến du lịch còn rất mới, thời gian khai thác còn ít, rất nhiều tiềm năng du lịch ở đây còn nguyên vẹn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Dù với cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, song, hiện nay trong Vườn Quốc gia còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, cung cấp trải nghiệm có ý nghĩa cho du khách yêu thích đi đến những vùng thiên nhiên và văn hóa đặc sắc; đóng góp cho công tác bảo tồn, phát triển của địa phương.

Hiện nay, ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng có khoảng 250 loài thực vật có mạch thuộc 84 họ; trong đó có 8 loài quý hiếm như: mốp, năng chồi, lá u minh, bèo tản nhọn, nắp bình, luân lan, mật cật, bí kỳ nam..., gần 500 loài động vật, bao gồm: 200 loài chim thuộc 39 họ, 12 bộ, chiếm 16,6% so với hơn 800 loài ghi nhận tại Việt Nam, trong số đó có 12 loài có giá trị bảo tồn, một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như:

Chim già đảy Java, già sói, bồ nông, giang sen, chim sếu đầu đỏ, 8 loài chim bị đe dọa toàn cầu như: điềng điễng, quắm đầu đen, bồ nông chân xám, giòng giọc vàng, diều cá đầu xám, gà đẫy, đại bàng đen, diệc lửa, cốc đen...; trên 200 loài côn trùng và gần 50 loài thú, trong đó có 5 loài thú nằm trong sách đỏ Việt Nam như: dơi ngựa Thái Lan, rái cá lông mũi, mèo cá, cầy giông đốm lớn, cầu giông sọc, tê tê, sóc lửa,...

Do có hệ sinh thái môi trường thuận lợi từ nguồn nước và thức ăn dồi dào quanh năm nên ngoài số lượng chim tại chỗ, nơi đây còn là điểm dừng chân lý tưởng cho rất nhiều đàn chim di cư trong những tháng ngày mùa đông giá rét.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Phát triển du lịch sinh thái thân thiện Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới