Phát triển du lịch và bảo vệ môi trường: Vẫn là cán cân lệch!
Câu chuyện cảnh quan môi trường bị khai thác quá mức không còn là chuyện mới. Nhưng dường như những cảnh báo, những khuyến nghị vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả, hiệu lực như mong muốn. Đâu là lời giải cho thực trạng này? Phóng viên đã trao đổi với bà Nguyễn Bích Hiền – cán bộ chương trình của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam.
Tổ chức IUCN tại Việt Nam tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường biển. |
PV:Thưa bà, Việt Nam được đánh giá là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”, với số lượng khách tới Việt Nam ngày càng tăng, tỉ lệ ngành du lịch đóng góp cho GDP cả nước ngày càng lớn. Tuy nhiên, song song với sự phát triển của du lịch là những áp lực lên môi trường. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bà Nguyễn Bích Hiền:
Có thể thấy, cảnh quan của Việt Nam mang lại tiềm năng phát triển du lịch rất lớn cho Việt Nam. Số lượng du khách tới Việt Nam ngày một tăng, nhưng du lịch Việt Nam vẫn còn tập trung nhiều vào số lượng thay vì chất lượng trải nghiệm dịch vụ của du khách.
Sự phát triển du lịch ồ ạt mà thiếu các biện pháp quản lý ô nhiễm đã tác động rất lớn tới chất lượng môi trường, cảnh quan. Tới bất cứ một điểm du lịch nào cũng thấy rác thải khắp nơi. Cùng với đó, quy hoạch phát triển hạ tầng phục vụ du lịch cũng phát triển ồ ạt, thiếu sự xem xét thấu đáo các nguy cơ tác động để đưa ra biện pháp bảo vệ các giá trị tài nguyên. Khi các giá trị này bị phá hỏng sẽ dẫn tới nguy cơ giảm doanh thu từ du lịch.
Trong một chuyến khảo sát về rác thải ven biển miền Trung, một bạn chuyên gia quốc tế trong đoàn chúng tôi trầm trồ về độ mịn và trắng của cát ở bãi biển Việt Nam đẹp hơn rất nhiều các bãi biển nổi tiếng khác trên thế giới, nhưng cũng đồng thời bày tỏ sự tiếc nuối, xót xa khi tài nguyên quý giá vậy mà tại sao rác thải nhựa, phao xốp khắp nơi.
PV:Môi trường du lịch ô nhiễm là một hiện trạng đáng báo động. Để bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch, nhiều chính sách đã được đặt ra. Việc thực thi những chính sách này đã có tác động gì tới môi trường du lịch? Bà có nhận xét gì về hiệu quả của các chính sách này trong thời gian vừa qua?
Bà Nguyễn Bích Hiền:
Tôi cho rằng, mặc dù hệ thống pháp luật có khá đầy đủ các chính sách về bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch, tuy nhiên vấn đề thực thi luôn là thách thức lớn nhất khi triển khai thực hiện.
Đối với chính sách của ngành du lịch, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch đã có nhiều các chương trình, sáng kiến kêu gọi phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên, trong 3 trụ về kinh tế, xã hội và môi trường, vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan vẫn nhận được ít quan tâm nhất.
Trong vấn đề này, cần tăng cường sự kết nối hiệu quả giữa các cơ quan chức năng ngành môi trường và du lịch trong việc thực thi hiệu quả chính sách quản lý môi trường trong phát triển du lịch.
Môi trường du lịch biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
PV: Vậy bà có khuyến nghị gì để cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường?
Bà Nguyễn Bích Hiền:
Theo tôi, Việt Nam nên thay đổi cách tiếp cận phát triển du lịch tập trung về chất lượng, thay vì số lượng. Tập trung vào những du lịch sản phẩm chất lượng cao tại các khu di sản cho các khách sẵn sàng chi trả cao hơn, như du lịch hang Sơn Đoòng cũng có thể xem là một ví dụ. Như vậy, sẽ vẫn đảm bảo nguồn thu du lịch mà vẫn có thể giảm thiểu được các tác động tiêu cực như đối với du lịch đại trà.
Đối với các điểm du lịch phổ thông, cần có đánh giá sức tải của điểm đến, từ đó có thể đưa ra được định lượng khách du lịch mà điểm đến có thể chứa vào mỗi thời điểm, mỗi mùa và kèm theo các biện pháp quản lý giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả.
PV:Trân trọng cảm ơn bà!
Tống Minh