Thứ năm, 28/11/2024 02:56 (GMT+7)
Thứ hai, 06/12/2021 08:00 (GMT+7)

‘Phát triển không phải bằng mọi giá, phục hồi kinh tế phải đảm bảo nhanh và bền vững’

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Sử dụng linh hoạt, đồng bộ các chính sách phục hồi kinh tế

Mới đây, ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'' được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Các quốc gia đã triển khai nhiều gói hỗ trợ với quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát huy các động lực tăng trưởng mới. Nhờ vậy, ngay từ đầu năm 2021, các nền kinh tế lớn có xu hướng phục hồi nhanh trở lại.

‘Phát triển không phải bằng mọi giá, phục hồi kinh tế phải đảm bảo nhanh và bền vững’ - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững". (Ảnh: diendankinhte.quochoi.vn)

Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.

Do đó, chủ đề của Diễn đàn sẽ tập trung vào “Phục hồi và phát triển bền vững”, nhằm có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Trong đó, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau. Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025.

Đồng thời, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.

Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021" là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

‘Phát triển không phải bằng mọi giá, phục hồi kinh tế phải đảm bảo nhanh và bền vững’ - Ảnh 2
Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Bên cạnh đó, những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liệu lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Theo đó, nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào chính sách, bản thân chính sách khi ban hành sẽ không đi vào được cuộc sống một cách trôi chảy và hiệu quả.

“Chủ đề của Diễn đàn là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ rất nặng nề trong việc nghiên cứu và thiết kế các chính sách này để đạt được các mục tiêu nêu trên”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bàn về các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính. Do vậy, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn đối với y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội  chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. 

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn, như hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp. Bởi biện pháp ngắn hạn sẽ tác động đến tiềm năng, sự phát triển của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Thứ tư, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung vào phát triển hạ tầng xanh, chuyển đổi số...

Thứ năm, Việt Nam nên tăng cường vào hợp tác quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết ‘Phát triển không phải bằng mọi giá, phục hồi kinh tế phải đảm bảo nhanh và bền vững’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới