Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Thứ tư, 20/01/2021 06:22 (GMT+7)

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đang có bước chuyển đổi, hướng đến phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhà khoa học cần có hành lang pháp lý rõ ràng để phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển bền vững giúp giải quyết tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hậu Covid-19.

Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế tất yếu này. Dù hệ thống pháp lý còn cần bổ sung, hoàn thiện, nhưng những chuyển động từ phía doanh nghiệp và nhận thức của một bộ phận người dân đang có những chuyển biến tích cực.

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cũng là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn ứng phó biến đổi khí hậu (BÐKH) một cách hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết. Ðồng thời, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỉ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu và là con đường ngắn nhất hướng đến nền kinh tế carbon thấp, nhất là trong các ngành công nghiệp nặng...

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng - Ảnh 1
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển bền vững giúp giải quyết tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ riêng ô nhiễm nguồn nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP (năm 2019). Cùng với đó là tình trạng suy giảm tài nguyên, năng lượng, ô nhiễm đất và suy thoái đất, nhất là BÐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Trong khi đó, hoạt động kinh tế ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có bước chuyển đổi, hướng đến phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Cụ thể như: Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2010 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 41/NQ-TƯ ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Thị Hồng Minh, các yếu tố của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn tương đối rời rạc; chưa có chính sách, văn bản pháp luật quy định đầy đủ, hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân cho biết: Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Ðiển hình trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống đã sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp để sản xuất thép tái chế, sản xuất giấy tái chế, sản xuất đồ nhựa, nilon, thủy tinh tái chế…

Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, mà chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường tại không ít địa phương hiện nay.

Để từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện Bộ TN&MT đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng và túi nilon không phân hủy; xây dựng mô hình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn "nói không với rác thải nhựa và nilon không phân hủy", đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT đối với công tác bảo vệ môi trường…

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng - Ảnh 2
Xây dựng mô hình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn "nói không với rác thải nhựa và nilon không phân hủy". (Ảnh: Internet)

Ðáng mừng, thời gian gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình mới tiến tới gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn như mô hình khu công nghiệp sinh thái; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam… Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực công nghệ, tái sử dụng. Người dân và cả doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, thách thức này cần được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ là mang tính tự phát và chịu sự điều chỉnh của thị trường…

Ðồng quan điểm nêu trên, các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng Việt Nam cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn. Cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn cần dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực nhưng phải dựa trên các mô hình đã có như các mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) được triển khai ở nước ta thời gian qua.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT, việc tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn là việc không thể tránh khỏi. Do đó, chúng ta bắt buộc phải đưa ra những quy định về mặt thể chế và chính sách để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện nay Bộ TN&MT và Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường đang xây dựng chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới.

Theo đó, nhấn mạnh vào việc phải hạch toán vốn tự nhiên bao gồm: Đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và năng lượng cũng như đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần có hành lang pháp lý rõ ràng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới