Chủ nhật, 24/11/2024 09:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 04/10/2020 07:00 (GMT+7)

'Phát triển ngành khí tượng thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại'

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ ngành khí tượng thủy văn là cơ quan cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, do vậy cần tập trung phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại.

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành khí tượng thủy văn Việt Nam (03/10/1945-03/10/2020) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai được tổ chức trang trọng vào chiều 3/10 tại Hà Nội.

Thông tin tin cậy, chính xác

Trong Thư chúc mừng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương những thành tựu to lớn của ngành khí tượng thuỷ văn trong 75 năm qua và khẳng định hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, sự gia tăng, phức tạp của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan.

'Phát triển ngành khí tượng thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại' - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, trao Huân chương Hồ Chí Minh cho đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong bối cảnh Việt Nam có địa hình trải dài từ Bắc xuống Nam, điều kiện khí hậu khác nhau, chịu nhiều tác động từ thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, ngành khí tượng thủy văn  cần tiếp tục phát huy truyền thống, tri thức và kinh nghiệm ngàn năm chinh phục thiên nhiên của dân tộc, kết hợp tận dụng những thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu vươn lên, cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng, thủy văn, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy, phục vụ đắc lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các thế hệ cán bộ, nhân viên của ngành khí tượng thuỷ văn qua các thời kỳ; ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, thành tích của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của ngành trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong 75 năm qua, ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam đã được xây dựng, phát triển, trưởng thành và đạt những kết quả to lớn, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

"Chúng ta thật sự vui mừng về sự phát triển lớn mạnh của ngành khí tượng thuỷ văn nước nhà, nổi bật nhất là chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên, dần tiệm cận với trình độ của các nước phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới. Chúng ta tự hào về những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành ở bất cứ thời kỳ nào đều luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó khăn, gian khổ, làm việc thầm lặng và nỗ lực cống hiến hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành khí tượng thủy văn phát huy truyền thống vẻ vang qua 75 năm xây dựng, trưởng thành, thường xuyên làm tốt nhiệm vụ theo dõi, quan trắc mọi diễn biến về thời tiết, thuỷ văn trên cả nước, tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thuỷ văn, thiên tai hàng ngày và đặc biệt là các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên đất liền và trên cả vùng biển nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ ngành khí tượng thủy văn là cơ quan cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, do vậy cần tập trung phát triển ngành đồng bộ theo hướng hiện đại.

"Trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có, ngành cần coi trọng việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp chủ yếu để phát triển; khai thác triệt để những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa ngành khí tượng thuỷ văn, chú trọng ứng dụng các công nghệ hiện đại như cơ sở dữ liệu lớn, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo," Thủ tướng nhấn mạnh.

Giao nhiệm vụ cho đội ngũ những người làm công tác khí tượng thủy văn, Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành khí tượng thủy văn cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn quốc gia.

Tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo khí tượng, thuỷ văn, phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của đất nước.

Đặc biệt, ngành cần lưu ý nghiên cứu, thiết lập các trạm quan trắc về những hiện tượng thiên tai bất thường, gây thiệt hại lớn như lũ quét, động đất... để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó, ngành cũng cần hiện đại hóa hệ thống thông tin chuyên ngành; thu thập và khai thác các thông tin từ vệ tinh, đáp ứng đáo ứng yêu cầu theo dõi từ xa các diễn biến thời tiết trên phạm vi rộng và dự báo thời tiết, nhất là dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, động đất...

Ngành cần hoàn thiện việc trang bị mạng lưới ra đa thời tiết để theo dõi và dự báo các hệ thống thời tiết có quy mô nhỏ như tố, lốc, vòi rồng, mưa đá, lũ quét...

Với vai trò là cơ quan cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng, thủy văn, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy, phục vụ đắc lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước, ngành khí tượng thủy văn cần đổi mới phương thức quản lý và phục vụ của ngành theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng, thủy văn, đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát thời tiết, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành liên quan.

Đồng thời, ngành khí tượng thủy văn cũng cần khuyến khích việc xã hội hóa, thương mại hóa hoạt động khí tượng, thủy văn và tăng cường sử dụng thông tin khí tượng, thủy văn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

'Phát triển ngành khí tượng thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại' - Ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan trưng bày mô hình quan trắc khí tượng, thủy văn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

"Ngành khí tượng thủy văn cần tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự hợp tác, viện trợ về phương pháp và công nghệ mới, về thiết bị, máy móc và phương tiện kỹ thuật, đào tạo cán bộ khoa học," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Ngành cần nghiên cứu, từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp khí tượng, thủy văn; tạo cơ chế khuyến khích và liên kết với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất các thiết bị quan trắc và công nghệ truyền tin số liệu khí tượng, thủy văn; nghiên cứu phát triển công nghệ tăng cường hợp tác với cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ, thiết bị phục vụ công tác dự báo, quan trắc khí tượng, thủy văn nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thiết bị, công nghệ khí tượng, thủy văn."

Nhân dịp này, Thừa uỷ quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Nối tiếp truyền thống hào hùng

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm,  Giáo sư, Tiến sỹ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình 75 xây dựng và phát triển của ngành Khí tượng Thủy văn.

Chặng đường lịch sử của ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam được ghi dấu xác định từ ngày 3/10/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan khí tượng thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho ra đời ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Ngay sau khi được thành lập và trong suốt quá trình phát triển, từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi do thực dân Pháp để lại ở miền Bắc, đến nay có ngành đã có 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 781 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng, hải văn; có 180 trạm, điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, ngày đêm thu thập các số liệu điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, dự báo khí tượng, thủy văn phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo an ninh-quốc phòng của đất nước.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành khí tượng thủy văn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và bạn bè quốc tế đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Những danh hiệu và phần thưởng đó là niềm tự hào, cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, kỹ thuật viên, người lao động ngành khí tượng thủy văn hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để nối tiếp truyền thống hào hùng của ngành trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.

Quang Vũ-Thắng Trương (TTXVN/Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết 'Phát triển ngành khí tượng thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới