Chủ nhật, 24/11/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ hai, 15/05/2023 12:06 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp hữu cơ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường

Theo dõi KTMT trên

Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ giải quyết được mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường.

Tóm tắt: Bài viết bàn về phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ở vùng trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) sẽ giải quyết được mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường, đây cũng là vấn đề thực hiện chủ trương, định hướng lớn của Đảng, triển khai thực hiện của Chính phủ. Muốn vậy cần xác lập bộ tiêu chí và chỉ số cho việc khoanh vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đầu tư hiệu quả đối với vùng TD&MNPB dựa trên điều tra nghiên cứu hiện trạng phát triển NNHC của vùng này.

Đặt vấn đề:

Phát triển nông nghiệp hữu cơ dựa vào hệ sinh thái tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, nước và thích ứng với điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, mỗi địa phương là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững đạt mục tiêu kinh tế và môi trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn liền sản xuất truyền thống với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đảm bảo chất lượng cuộc sống của con người và duy trì phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Vùng trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) có một vị trí hết sức quan trọng, xét về mặt tài nguyên và môi trường, đây là vùng đệm bảo vệ sự an toàn cho vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là nguồn nước, các rủi ro thiên nhiên. Về kinh tế - xã hội, vùng này cung cấp một lượng lớn nông sản cho tiêu dùng cả nước và xuất khẩu. Chính vì vậy phát triển NNHC của vùng TD&MNPB không chỉ đảm bảo về mặt môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Chủ trương, định hướng của Đảng và triển khai của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ

Chủ trương, định hướng của Đảng

Chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển NNHC đã được khẳng định trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cụ thể “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm”. Như vậy chủ trương, định hướng của Đảng đã chỉ rõ “phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ” là nội dung quan trong nhằm cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới ở Việt Nam hướng đến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đạt tiêu chuẩn phổ biến và an toàn thực phẩm. Đối với vùng TD&MNPB, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đáng chú ý định hướng cho vùng đến năm 2045 phải “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”.

Triển khai thực hiện của Chinh phủ 

Từ năm 2018 Chính phủ đã triển khai phát triển NNHC theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về NNHC ngày 29/8/2018 có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn chậm. Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 giao cụ thể cho các bộ, ngành. Thực tế việc triển khai phát triển NNHC bên cạnh những cơ hội như: phù hợp xu hướng thế giới; sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; nhu cầu của người tiêu dùng; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (TNTN) Việt Nam, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều thách thức như: nhận thức về NNHC; cơ chế chính sách chưa hoàn thiện; xác lập khoanh định vùng NNHC; cạnh tranh sản phẩm không phải hữu cơ; khoa học kỹ thuật trong sản xuất NNHC. Từ cơ hội và thách thức, cần có những giải pháp phù hợp như: triển khai tốt đề án 885/QĐ-TTg và Nghị định 109/2018 của Chính phủ; hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường truyền thông; tạo lập thị trường sản phẩm NNHC; Đặc biệt cần phải xác định hai nhóm bộ tiêu chí: thứ nhất, các tiêu chí về tài nguyên như đất, nước và khí hậu; thứ hai, các tiêu chí về môi trường như ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trên cơ sở đó khoanh vùng phù hợp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ trên các vùng đã được khoanh định để đầu tư hiệu quả.

Đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc trên cơ sở Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/02/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 về “thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đàm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nội dung chủ đạo của Nghị quyết này là “đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện trên cơ sở đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản”. Như vậy đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, Chính phủ có một Nghị quyết riêng khẳng định phát triển NNHC là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện phát triển xanh, bền vững.    

Hiện trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở vùng trung du và miền núi phía Bắc

Từ chủ trương, định hướng của Đảng, triển khai thực hiện của Chính phủ về phát triển NNHC đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, đến nay 14 tỉnh gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lại Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình đã và đang triển khai thực hiện.

Hình 1:  Vị trí vùng Trung du và miền núi phía Bắc so với các vùng khác trong cả nước.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường - Ảnh 1
Nguồn: Dân trí

Tuy nhiên mỗi tỉnh có một lơi thế và hạn chế nhất định, do vậy nhìn chung kết quả đạt được chưa cao, cụ thể số liệu thể hiện ở bảng 01 dưới đây xét cho 5 loại cây trồng chính đã triển khai.

Bảng 1.Diện tích nhóm cây trồng hữu cơcủaVùng TD&MNPBđến năm 2021.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường - Ảnh 2
Nguồn: Số liệu từ báo cáo cây trồng hữu cơ các tỉnh thuộc vùng TD&MNPB.

 Từ bảng 1 cho thấy diện tích cho 5 nhóm cây trồng NNHC ở vùng trung du và miền núi phía Bắc chưa nhiều, về cơ cấu cây trồng nông nghiệp hữu cơ còn có sự chênh lệch lớn, trong đó chủ yếu là phát triển cây công nghiệp lâu năm, đây cũng là thế mạnh của vùng này gắn với phát triển diện tích rừng của vùng. Nhóm cây rau và gia vị có diện tích và tỷ lệ phát triển thấp nhất phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng. Kết quả điều tra tham vấn tại các tỉnh cho thấy nguyên nhân chính vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm, thực tế chỉ có hai tỉnh có điều kiện phát triển nhóm cây rau, gia vị tốt đó là Bắc Giang và huyện Lương Sơn của Hòa Bình có vị trí gần với thị trường tiêu thụ đó là Thủ đô Hà Nội.

Một số loại sản phẩm là thế mạnh của vùng như cây công nghiệp lâu năm cũng mới phát triển ở dạng nhỏ lẻ, hoặc để lấy thương hiệu. Để có chứng nhận là sản phẩm NNHC doanh nghiệp phải sử dụng các cơ quan chứng nhận nước ngoài cho loại sản phẩm hữu cơ của mình. Chẳng hạn như sản phẩm chè hữu cơ sản xuất ở Thái Nguyên hay Lai Châu là những ví dụ điển hình. Kết quả tham vấn và điều tra tại 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng cho thấy sự cần thiết phải có bộ tiêu chí cho sản xuất NNHC các nhóm cây trồng để có cơ sở khoanh vùng sản xuất nông nghiệp cây trồng phù hợp đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Xác định tiêu chí cho phát triển nông nghiệp hữu cơ vùng trung du và miền núi phía Bắc

Để phát triển NNHC vùng trung du và miền núi phía Bắc, từ đó làm căn cứ khoanh vùng NNHC cho các địa phương của vùng đầu tư hiệu quả, cần phải xây dựng bộ tiêu chí phù hợp. Muốn vậy cần xem xét, phân tích đánh giá kinh nghiệm các nước đã thực hiện bộ tiêu chí như thế nào, hiện trạng xây dựng bộ tiêu chí cho phát triển NNHC ở Việt Nam ra sao, từ đó nghiên cứu thực trạng và đánh giá thực tế khả năng xác lập bộ tiêu chí cho phát triển NNHC cho các vùng trong cả nước nói chung và vùng trung du và miền núi phía Bắc nói riêng.

Thực tế cho thấy TCVN về NNHC được xây dựng, công bố và áp dụng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài như sau: Trường hợp sản xuất để xuất khẩu, cơ sở sản xuất áp dụng tiêu chuẩn theo thỏa thuận, hợp đồng với tổ chức nhập khẩu; Trường hợp sản xuất hoặc nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, cơ sở có thể áp dụng tiêu chuẩn mà Việt Nam là thành viên hoặc có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được chấp thuận áp dụng tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương, các bộ, cơ quan liên quan đánh giá và công bố danh sách các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được áp dụng tại Việt Nam. Khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm tiêu chuẩn cơ sở.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về NNHC và trình Bộ KH&CN công bố vào cuối năm 2017 với số hiệu TCVN 11041:2017. Nhóm các tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn này bao gồm Phần 1, 2, 3 của tiêu chuẩn TCVN 11041 đề cập một cách toàn diện tới quá trình sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC và các hướng dẫn cụ thể về nội dung này trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi và tiêu chuẩn TCVN 12134 đưa ra các yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Như vậy, tiêu chuẩn chứng nhận NNHC của Việt Nam hiện tại được quy định trong các tiêu chuẩn là TCVN 11041-6:2018 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3/SC1 Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ gồm các phần (liên quan đến trồng trọt):

- TCVN 11041-1:2017, Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC.

- TCVN 11041-2:2017, Phần 2: Trồng trọt hữu cơ.

- TCVN 11041-5:2018, Phần 5: Gạo hữu cơ.

- TCVN 11041-6:2018, Phần 6: Chè hữu cơ.

- Về chứng nhận chất lượng: Hiện nay, nước ta đã có Tiêu chuẩn Quốc gia cho sản xuất NNHC, ban hành năm 2017 gồm:

Tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017: Các quy định chung của sản xuất NNHC

Tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017: Quy định về Trồng trọt hữu cơ

Tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017: tiêu chuẩn về Chăn nuôi hữu cơ

Tiêu chuẩn TCVN 11041-4:2017: Tiêu chuẩn về Tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Tiêu chuẩn TCVN 11041-5:2017: Tiêu chuẩn về gạo hữu cơ

Tiêu chuẩn TCVN 11041-6:2018: Tiêu chuẩn về chè hữu cơ

Tiêu chuẩn TCVN 11041-7:2018: Tiêu chuẩn về sữa hữu cơ

Tiêu chuẩn TCVN 11041-8:2018: Tiêu chuẩn về tôm hữu cơ

Đối với các tiêu chuẩn của Việt Nam, chủ yếu xây dựng dựa trên các quy định của IFOAM nên không có sự khác biệt nhiều trong quy hoạch khoanh vùng cho NNHC. Đặc biệt, Việt Nam chúng ta đã đưa ra 4 tiêu chuẩn cụ thể cho Gạo hữu cơ, Chè hữu cơ, Sữa hữu cơ và Tôm hữu cơ.

Riêng về tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ, tiêu chuẩn này được xây dựng với mục tiêu chính là đưa ra các yêu cầu cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng nhận sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn về chứng nhận hữu cơ kịp thời, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia, bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, tránh gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm vô căn cứ; bảo vệ các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm hữu cơ trước những cách làm phi đạo đức. Các tiêu chuẩn này đều nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Như vậy có thể nói, hiện nay nước ta đã có Bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041 cho sản xuất NNHC, các tiêu chuẩn này được xuất bản năm 2017 và 2018 dựa trên các quy định của IFOAM. Tuy nhiên chưa có cơ quan chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Do đó cần thành lập các tổ chức cấp chứng nhận và giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến để đảm bảo các yêu cầu đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đối với phát triển NNHC vùng trung du miền núi phía Bắc trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và bộ TCVN 11041, điều tra nghiên cứu thực tế trên địa bàn 14 tỉnh của vùng TD&MNPB để xác lập bộ tiêu chí làm căn cứ cho khoanh vùng phát triển NNHC của vùng này. Hai nhóm tiêu chí được để xuất đó là nhóm tiêu chí liên quan đến đầu vào của sản xuất NNHC gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước và tài nguyên khí hậu; nhóm tiêu chí về chất lượng môi trường gồm chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước và chất lượng môi trường không khí. Trên cơ sở các tiêu chí được xác lập cho 2 nhóm tiêu chí sẽ có các chỉ số cụ thể cho từng tiêu chí để làm căn cứ sắp xếp lựa chọn khoanh vùng NNHC. Chẳng hạn đối với tiêu chí và chỉ số tài nguyên và môi trường đất được đề xuất thể hiện ở bảng 2 dưới đây.

Bảng 2: Tiêu chí và chỉ số cho khoanh vùng đất đai đối với tài nguyên và môi trường đất.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường - Ảnh 3
Nguồn: Đề xuất của nhóm nghiên cứu.

Từ bảng 2 cho thấy đối với tài nguyên và môi trường đất, từ tiêu chí xác định là căn cứ để xác lập bộ chỉ số gồm 3 cấp, chính bộ chỉ số này là căn cứ để khoanh vùng cho sản xuất NNHC khi áp dụng vào vùng TD&MNPB.

Kết luận

Phát triển NNCH vùng trung du và miền núi phía Bắc là hướng đi phù hợp nhằm giải quyết bài toán trong mối quan hệ kinh tế và môi trường để hướng đến phát triển bền vững. Nội dung này được thực hiện có căn cứ khoa học và thực tiễn, sự chỉ đạo của Đảng, triển khai thực hiện của Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội của Quốc gia, văn bản chỉ đạo cho vùng TD&MNPB trong năm 2022. Thực tế đối với vùng TD&MNPB đã và đang triển khai thực hiện phát triển NNHC, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ hiệu quả chưa cao. Các TCVN về NNHC đã được ban hành nhưng việc áp dụng vào thực tiễn của vùng TD&MNPB còn hạn chế. Để thực hiện hiệu quả cần phải xác lập tiêu chí và chỉ số đối với tài nguyên và môi trường đất, nước và khí hậu làm căn cứ cho khoanh vùng NNHC, trên cơ sở đó sẽ ưu tiên đầu tư cho các nhóm cây trồng phù hợp của vùng TD&MNPB.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ Việt Nam (2018). Nghị định Số: 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 về Nông nghiệp hữu cơ.
  2. Chính phủ Việt Nam (2022). Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 về “thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”. NXBCTQG.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
  5. Chính Phủ Việt Nam (2018). quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước.
  6. Eyhorn, F., Heeb, M. and Weidmann, G., 2003. IFOAM training manual for organic agriculture in the tropics. Bonn, Germany: International Federation of Organic Agriculture Movements (IFOAM).
  7. Savci, S., 2012. An agricultural pollutant: chemical fertilizer. International Journal of Environmental Science and Development, 3(1), p.73.
  8. Willer, H., Trávníček, J., Meier, C and Bernhard Schlatter 2021. The world of organic agriculture. Statistics and emerging trends 2021. Research Institute of Organic Agriculture FiBL and IFOAM Organics International.

Ghi chú: Bài viết là kết quả nghiên cứu thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ khoanh vùng khu vực trồng trọt hữu cơ theo đặc trưng tài nguyên và môi trường tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”. Có Mã số: TNMT.885.04

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh. TS.Nguyễn Thị Liễu - 

Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu. Bộ TN&MT.

Tạ Thị Thanh Huyền. TS. Đỗ Thị Hòa Nhã - 

          Trường Đại học Kinh tế & QTKD Thái Nguyên. Đại học Thái Nguyên.

Lương Đức Toàn - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển nông nghiệp hữu cơ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới