Chủ nhật, 24/11/2024 05:29 (GMT+7)
Thứ năm, 27/01/2022 13:30 (GMT+7)

Phát triển thị trường carbon là nhiệm vụ trọng tâm trong ứng phó BĐKH

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo NDC, đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tờ trình của Bộ TN&MT về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong thời gian qua có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước đã tham gia thực hiện các dự án theo Cơ chế phát triển sạch, Cơ chế tín chỉ chung, cơ chế trao đổi tín chỉ carbon theo chương trình hợp tác và một số cơ chế trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện khác. Thông qua việc thực hiện dự án các cơ chế này, các doanh nghiệp đã có thêm nguồn tài chính từ việc trao đổi, bán tín chỉ carbon, được tiếp nhận công nghệ phát thải thấp từ các nước phát triển.

Phát triển thị trường carbon là nhiệm vụ trọng tâm trong ứng phó BĐKH - Ảnh 1
Việc phát triển thị trường carbon trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong ứng phó biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Để có cơ sở trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc phát triển thị trường carbon trong nước đã được đặt ra từ năm 2011 tại Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, ban hành kèm theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc phát triển thị trường carbon trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nên các doanh nghiệp không có nhu cầu mua tín chỉ carbon mà chỉ được trao đổi theo các cơ chế hợp tác với quốc tế.

Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo đóng góp do quốc gia tự quyết định, đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26. Các công cụ định giá carbon cần được triển khai áp dụng ở nước ta, trong đó có việc phát triển thị trường carbon trong nước.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon; Lộ trình và thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được quy định tại Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo Luật Bảo vệ môi trường, việc phát triển thị trường carbon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon là xu thế tất yếu của thế giới. Để thực thi có hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường về tổ chức và phát triển thị trường carbon, việc xây dựng và thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa các nội dung, hoạt động cần triển khai để thiết lập và vận hành thị trường carbon.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt thị trường carbon giúp các doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Thỏa thuận Paris.

Theo các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon sẽ là cú hích cần thiết để thúc đẩy những thực hành tốt trong bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế xanh.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Nguyễn Tuấn Quang cho hay, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường carbon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi tín chỉ carbon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; Điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường.

Việt Nam có thể bán 57 triệu tín chỉ carbon ra thế giới mỗi năm

Đây là khẳng định mới nhất từ phía đại diện của Bộ NN&PTNT xung quanh câu chuyện phát triển chứng chỉ carbon của rừng trở thành một thứ hàng hóa để có thể bán và chuyển nhượng nhiều hơn trong thời gian tới.

Mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Các chuyên gia nhận định đây được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát triển thị trường carbon là nhiệm vụ trọng tâm trong ứng phó BĐKH. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới