Chủ nhật, 24/11/2024 07:32 (GMT+7)
Thứ ba, 25/05/2021 11:46 (GMT+7)

Phát triển thủy điện ở Việt Nam và vấn đề chi phí tài nguyên môi trường

Theo dõi KTMT trên

Bài báo tập trung phân tích các chi phí và tổn thất tài nguyên môi trường của thủy điên và đưa ra đề xuất hạch toán các chi phí và tổn thất tài nguyên và môi trường vào giá thành xây dựng công trình thủy điện và giá mua bán điện.

TÓM TẮT

Bài báo trình bày tổng quan hiện trạng phát triển thủy điện ở Việt Nam, các tác động đến tài nguyên và môi trường của các dự án thủy điện. Trên cơ sở đó, bài báo tập trung phân tích các chi phí và tổn thất tài nguyên môi trường của thủy điên và đưa ra đề xuất hạch toán các chi phí và tổn thất tài nguyên và môi trường vào giá thành xây dựng công trình thủy điện và giá mua bán điện. Việc hạch toán chi phí tài nguyên và môi trường đối với thủy điện có thể làm giá tăng giá mua bán điện, nhưng cũng tạo ra nguồn thu bổ sung cho ngân sách và cơ hội phát triển sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng khác của đất nước. Đây là con đường hướng tới phát triển bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Từ khóa: Thủy điện, quy hoạch điện, chi phí tài nguyên môi trường, năng lượng tái tạo, tác động môi trường.

MỞ ĐẦU

Nằm ở vùng nhiệt đới ẩm gió mùa với lượng mưa trung bình hàng năm 1.800 - 2.000 mm và hệ thống 2.400 con sông có chiều dài hơn 10 km; Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về thủy điện. Theo số liệu của các dự án quy hoạch điện [6, 11], tiềm năng lý thuyết về thủy điện của Việt Nam là 300 tỉ KWh và tiềm năng kỹ thuật 123 tỉ KWh tương ứng với công suất lắp máy 31.000 MW. Trong cơ cấu sản xuất điện của Việt Nam, thủy điện chiếm tỉ lệ cao, khoảng 32% vào năm 2014 và theo phương án quy hoạch điện VII [9, 10] vẫn còn khá cao, khoảng 23% tổng sản lượng điện năm 2020.

Theo các phương thức hạch toán giá thành tiền điện hiện có [1, 3, 5, 6], giá thành sản xuất của các nhà máy thủy điện thông thường ở Việt Nam thường khá thấp, dao động trong khoảng 4 - 5 UScents/KWh, thấp hơn nhiệt điện chạy than (6 - 7 UScents/KWh), thấp hơn nhiều giá thành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo [3]. Hệ quả của giá thành sản xuất điện thấp là sự bùng nổ của việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở nước ta trong thời gian qua, cũng như khó khăn của việc triển khai các dự án sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện sinh khối và điện mặt trời [3, 7, 4].

Tuy nhiên, phân tích sâu hơn các chi phí tài nguyên và môi trường của các dự án thủy điện thì giá thành thấp của điện sản xuất ở các nhà máy thủy điện có nguyên nhân sâu xa là trong giá thành điện các chi phí tài nguyên và môi trường chưa được hạch toán. Các tác giả [2] đã thử hạch toán chi phí thuế sử dụng đất lòng hồ của các nhà máy thủy điện, thì giá thành điện sản xuất tại hai dự án thủy điện Huội Quảng và Lai Châu sẽ tăng gần gấp đôi so với cách tính thông thường hiện nay của Bộ Công Thương. Nếu tính toán đầy đủ các chi phí tài nguyên và môi trường vào giá thành thủy điện, thì giá thành sản xuất điện tại các nhà máy thủy điện tương đương với giá thành sản xuất từ điện gió hoặc điện sinh khối. Bức tranh sản xuất và tiêu dùng điện Việt Nam sẽ hoàn toàn thay đổi nếu chúng ta hạch toán đầy đủ các chi phí tài nguyên và môi trường vào giá thành sản xuất điện. Kết quả này hoàn toàn tương đồng với các nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế trong phân tích và đánh giá môi trường chiến lược các dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông [12, 13] cũng như các dự án thủy khác ở các quốc gia khác [14, 15].

Bài báo trình bày tổng quan các vấn đề chung về thủy điện với hy vọng cung cấp cho các nhà khoa học và quản lý đất nước bức tranh thực về hiện trạng, công nghệ sản xuất và những bất cập trong quản lý của lĩnh vực sản xuất thủy điện ở Việt Nam hiện nay.

KHÁI QUÁT VỀ NĂNG LƯỢNG THỦY ĐIỆN VÀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT CỦA CÁC NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN

Thủy điện là loại hình sản xuất điện dựa vào năng lượng của các dòng chảy (sông, suối) được xác định bằng thế năng của các cột nước. Công suất tiềm năng của các dự án thủy điện thường được tính bằng công thức: N=A ×Q ×H. Trong đó, Q là lưu lượng của dòng chảy, H là độ cao của cột nước và A là hệ số kỹ thuật phụ thuộc vào hiệu suất của tuabin, máy phát điện và các thông số 

Phát triển thủy điện ở Việt Nam và vấn đề chi phí tài nguyên môi trường - Ảnh 1
Hình 1. Sơ đồ nhà máy và công suất tiềm năng của các nhà máy thủy điện

Trong các loại hình sản xuất điện, thủy điện là loại hình sản xuất có hiệu quả chuyển đổi năng lượng sơ cấp cao nhất (Hình 2).

Phát triển thủy điện ở Việt Nam và vấn đề chi phí tài nguyên môi trường - Ảnh 2

Hình 2. Hiệu quả chuyển đổi tối đa năng lượng sơ cấp thành điện của một số loại hình sản xuất điện

Phụ thuộc vào công suất phát điện, phương thức sản xuất, dung tích hồ chứa và chức năng; Các nhà máy thủy điện được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau. Theo phương thức phát điện có thể chia ra các loại hình: Dựa vào dòng chảy tự nhiên, phương thức cân bằng tự nhiên và phương thức hồ chứa lớn. Theo kết cấu công trình có thể phân chia thành các loại hình nhà máy thủy điện: Tạo dòng chảy, dùng đập và kết hợp giữa đập và dòng chảy. Theo công suất lắp máy, thủy điện chia ra làm nhiều loại: Loại lớn có công suất lắp máy trên 100 MW, loại trung bình có công suất lắp máy trong khoảng 30 - 100 MW, loại nhỏ có công suất lắp máy <30 MW, loại vi thủy điện có công suất lắp máy <100 KW. Theo chức năng sản xuất điện, các nhà máy thủy điện chia thành hai loại: Nhà máy thủy điện thông thường và nhà máy thủy điện tích năng thực hiện chức năng phát điện lên lưới vào giờ cao điểm và bơm nước tích năng lượng vào hồ chứa khi lưới có dư nguồn điện. Phân lớn các nhà máy thủy điện lớn và trung bình ở nước ta sử dụng phương thức xây hồ chứa nước, dùng đập và dòng chảy để phát điện. Chỉ có một số ít các trạm thủy điện công suất nhỏ và vi thủy điện sử dụng phương pháp pháp điện dựa vào dòng chảy tự nhiên. Ngành điện cũng đã quy hoạch một số nhà máy thủy điện tích năng, nhưng trong thực tế chưa được xây dựng. Như vậy, các dự án thủy điện trung bình và lớn, cũng như nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng phương thức xây dựng hồ chứa và làm kênh dẫn nước để quay tuabin và phát điện; tiềm ẩn nhiều tác động đến môi trường và tài nguyên. Loại hình thủy điện nhỏ và vi thủy điện sử dụng dòng chảy tự nhiên được xem là dự án năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong sản xuất và tiêu dùng điện ở nước ta.

Trong thực tế, các công trình thủy điện ở Việt Nam được phân cấp theo tiêu chuẩn “Công trình thủy lợi” – Tiêu chuẩn TCVN-285:2002 thành 5 cấp tùy thuộc vào công suất lắp máy: Cấp I có công suất lắp máy >= 300 MW, cấp II có công suất < 300 ÷ 50 MW, cấp III có công suất < 50 ÷ 5 MW, loại IV có công suất < 0,5 ÷ 0,2 MW, cấp V có công suất < 0,2 MW.

PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN Ở VIỆT NAM VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG

Theo tác giả Đặng Đình Thống [7] đến năm 2013, đã có 268 dự án thủy điện với công suất lắp máy 14.240 MW đã đưa vào vận hành và 205 dự án có công suất lắp máy 6.1989 MW đang triển khai xây dựng. Như vậy, cho đến năm 2016 - 2017, công suất lắp máy thủy điện đạt 21.229 MW tương đương với 68% tiềm năng kỹ thuật về thủy điện của đất nước. Có thể nói cho đến nay, hầu hết các dự án thủy điện có vị trí thuận lợi, chi phí đầu tư thấp và công suất lắp máy trên 100 MW đã được triển khai xây dựng. 

Thủy điện, đặc biệt là thủy điện lớn làm thay đổi đáng kể chế độ thủy văn và hệ sinh thái của các dòng sông. Mặc dù có những tác động tích cực như tạo ra năng lượng điện, điều tiết lũ lụt, cấp nước; Nhưng tác động tiêu cực của thủy điện đến tài nguyên và môi trường là rất lớn; Bao gồm: Tác động tới tài nguyên của vùng lòng hồ, tác động tới chế độ thủy văn của dòng sông, tác động tới hệ sinh thái, đặc biệt là nguồn cá của lưu vực sông, các rủi ro và tai biến môi trường đối với vùng hạ lưu đập thủy điện.

Do xây dựng đập chắn và hình thành hồ chứa ở thượng lưu các con đập, chế độ thủy văn của dòng sông thay đổi mạnh mẽ khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động. Ở thượng lưu đập, tốc độ dòng chảy sông giảm đáng kể, chuyển từ chế độ dòng chảy dọc sông sang chế độ nước nước đứng của hồ chứa. Mực nước hồ chứa cũng tăng lên đáng kể khi so sánh với thời điểm chưa xây dựng nhà máy thủy điện. Hình thành hồ chứa sẽ làm mất nhiều diện tích đất rừng, đất canh tác và đất thổ cư; Tạo ra sự phân tầng khối nước và lắng đọng trầm tích lòng hồ. Lắng đọng trầm tích lòng hồ về lâu dài làm giảm dung tích hữu ích của hồ chứa và giảm nguồn phù sa ở khu vực hạ lưu. Theo số liệu thống kê, thông thường các dự án thủy điện làm mất khoảng 4 - 5 ha rừng và hàng trăm ha đất canh tác trên 1 MW công suất lắp máy. Sự hình thành hồ chứa và việc mất phù sa của dòng sông do các nhà máy thủy điện lớn có thể tạo nên nhiều tác động tiêu cực đến khu vực hạ lưu như: Gia tăng xói lở hạ lưu đập do giảm mực nước cơ sở của dòng sông và thay đổi hướng dòng chảy, xói lở vùng cửa sông do thiếu hụt trầm tích.

Đặc biệt, đối với một số thủy điện chuyển dòng, như thủy điện An Khê – Ca Nak, Serepok 4A và Thượng Kon Tum ở Tây Nguyên, việc chuyển dòng nước tự nhiên của dòng sông tạo nên sự thay đổi rất lớn môi trường nước của dòng sông hạ lưu đập thủy điện. Các dòng sông đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản, đặc biệt là các loài cá di cư: Đẻ trứng ở thượng nguồn sông còn sinh sống và phát triển ở hạ lưu. Các đập thủy điện là vật chắn đối với các loài cá vào mùa sinh sản, dù con người đã cố gắng tìm các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực này (xây dựng thang nước cho cá, di chuyển và nhân giống cá lòng hồ, v.v.). Hậu quả của thủy điện làm giảm nguồn lợi thủy sản, thậm chí đến mức tiêu diệt một số loài cá quý hiếm trên các dòng sông. Việc tích nước của các hồ thủy điện làm thay đổi cân bằng tự nhiên của khu vực lòng hồ. Hệ quả tất yếu của việc tích nước lòng hồ là sạt lở và động đất kích thích. Tuy nhiên, nếu khu vực xây dựng hồ chứa là vùng nhạy cảm về cấu trúc địa chất và kiến tạo hiện đại, thì tác động này gia tăng đáng kể; Điển hình là thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, sự xung đột lợi ích giữa mục tiêu phát điện và sử dụng nước sông cho các hoạt động kinh tế xã hội đã và đang hình thành trong hầu hết lưu vực sông có xây dựng các dự án thủy điện. Nhiều bài học đắt giá của việc xây dựng các nhà máy thủy điện lớn đã được các tổ chức khoa học trong và ngoài nước thống kê và công bố, như: Thủy điện Tam Hiệp, Trung Quốc; Các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông của Lào và Campuchia [5]; Việc vận hành các thủy điện ở miền Trung Việt Nam vào mùa mưa lũ trong các năm 2013 - 2015. 

Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng các nhà quản lý hoạt động phát triển thủy điện ở nước ta chưa đánh giá hết mức độ tác động đến môi trường của thủy điện, đặc biệt không quan tâm đến các chi phí tài nguyên trong các dự án thủy điện. Ngoài một số giải pháp, như: Di dân và định cư cho dân lòng hồ, quy định trồng rừng thay thế, ban hành phí chi trả dịch vụ rừng; Về cơ bản các giải pháp quản lý tài nguyên và môi trường trong các dự án phát triển thủy điện chưa được quan tâm. Do đó, thủy điện vẫn được đánh giá là dự án có hiệu quả cao về kinh tế, dẫn đến sự bùng nổ phát triển thủy điện ở nhiều vùng, gây ra nhiều tác động tiêu cực lớn tới môi trường kinh tế xã hội đất nước.

CÁC CHI PHÍ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRONG SẢN XUẤT ĐIỆN Ở CÁC NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN

Ở các quốc gia trên Thế giới, một phần chi phí tài nguyên và môi trường trong sản xuất điện ở các nhà máy thủy điện đã được đưa vào bài toán phân tích chi phí lợi ích (CBA) khi quyết định xây dựng dự án. Risako Morimoto và Chris Hope [14] đã đưa vào mô hình CBA đối với các dự án thủy điện Srilanka các thông số: PG - lợi ích sản xuất điện tính theo số lượng và giá bán điện, CP - lợi ích môi trường do giảm phát thải khí nhà kính nếu sản xuất điện từ than đá hoặc khí thiên nhiên, EG - lợi ích kinh tế do hạn chế tổn thất gây ra bởi thiếu điện sản xuất, CC - giá thành xây dựng nhà máy và đường dây điện nối lưới, OM - chi phí vận hành nhà máy điện, RE - chi phí tái định cư, IN - chi phí do mất đất vì úng ngập lòng hồ, LT - tổn thất ngành du lịch, AC - chi phí rủi ro và sự cố. Áp dụng mô hình CBA nói trên cho các dự án thủy điện của Srilanka, các tác giả [14] đã thu được kết quả: Trong hầu hết các trường hợp giá trị hiện tại thuần (NPV) tích lũy của các dự án đều dương. Tuy nhiên, nếu tính các chi phí môi trường của dự án (mất rừng, thay đổi chế thủy văn, bồ lắng lòng hồ và mất nguồn lợi thủy sản, v.v.), bài toán phân tích lợi ích chi phí mở rộng có thể tạo ra giá trị NPV tích lũy âm.

Các tác giả Apisom Intralawan, David Wood và Richard Frankel [13] đã tiến hành phân tích chi phí lợi ích của việc quy hoạch xây dựng 12 nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và đưa ra tính toán giá trị hiện tại thuần (NPV) đối với các quốc gia liên quan so sánh cho 3 kịch bản báo cáo: BDP2 - Báo cáo Đánh giá các kịch bản phát triển khu vực lưu vực sông Mê Kông - Chương trình Kế hoạch Phát triển lưu vực giai đoạn 2 (BDP2) công bố vào tháng 10 năm 2011; Báo cáo Costanza - Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược do Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường lập [12]; Bản chỉnh sửa -  Bản chỉnh sửa quy hoạch sau DMC. Kết quả tóm tắt trình bày trên bảng 1 cho thấy: Nếu bỏ qua các chi phí tài nguyên môi trường thì NPV của quy hoạch có giá trị dương lớn đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, nếu tính thêm các tổn thất tài nguyên và môi trường, thì NPV của quy hoạch trở thành âm rất lớn, kể cả khi có chỉnh sửa nội dung quy hoạch.

Phát triển thủy điện ở Việt Nam và vấn đề chi phí tài nguyên môi trường - Ảnh 3
Bảng 1. So sánh kết quả phân tích lợi ích chi phí quy hoạch phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông [13].

Ở Việt Nam, phân tích chi phí lợi ích mở rộng của các dự án thủy điện không được xem là bài toán bắt buộc trong việc quyết định đầu tư các dự án thủy điện. Cơ quan quản lý các dự án thủy điện Việt Nam là Bộ Công Thương còn bỏ qua nhiều chi phí tài nguyên trong đánh giá các dự án thủy điện. Ngay trong giá thành sản xuất điện của các nhà máy thủy điện, các chi phí tài nguyên (mất rừng, mất đất, mất tài nguyên khoáng sản lòng hồ, suy giảm tài nguồn lợi thủy sản, v.v.) và chi phí môi trường (bồi lắng lòng hồ, xói lở hạ lưu, thay đổi chế độ thủy văn, v.v.) không được tính toán vào giá thành công trình thủy điện và giá điện [2].

Thông tư quy định phương pháp xác định giá phát điện của Bộ Công Thương số 41/2010/TT-BCT ngày 14/12/2010 đưa ra công thức tính giá mua điện của các nhà máy thủy điện cụ thể như sau:

 Trong đó:

TMĐT: Tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy điện tại năm cơ sở (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được xác định căn cứ vào tổng mức đầu tư của dự án đầu tư được duyệt và phải tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các định mức chi phí xây dựng (đồng);

COM: Chi phí vận hành bảo dưỡng của nhà máy được quy đổi đều hàng năm theo phương pháp quy định (đồng);

AP: Điện năng phát bình quân nhiều năm tại đầu cực máy phát ứng với tần suất nước về trung bình nhiều năm của nhà máy điện được xác định theo thiết kế cơ sở được duyệt (kWh);

ttd: Tỉ lệ điện tự dùng xác định theo thiết kế cơ sở được duyệt của nhà máy thủy điện (%) nhưng không vượt quá mức trần quy định;

n: Đời sống kinh tế của nhà máy điện được quy định (năm);

i: Tỉ suất chiết khấu tài chính được xác định theo quy định, trong đó lãi suất vốn vay được tính bằng bình quân gia quyền lãi suất vay vốn từ các nguồn vốn vay của nhà máy điện.

Như vậy, trong giá thành xây dựng nhà máy thủy điện và hạch toán giá mua bán điện, các chi phí tài nguyên và môi trường của dự án thủy điện không được cơ quan quản lý nhà nước xem xét. Việc yêu cầu các dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế cho rừng tự nhiên bị mất đi khi xây dựng hồ chứa thủy điện, cũng như việc tính thêm chi phí dịch vụ rừng là 20 đồng cho 1 KWh phát điện không tương xứng với các tổn thất tài nguyên và môi trường của dự án. Có thể kết luận rằng: Việc xem thủy điện là loại hình sản xuất điện giá thành thấp ở Việt Nam có nguyên nhân sâu xa là Nhà nước không quy định đưa các chi phí tài nguyên và môi trường đối với các dự án thủy điện vào hạch toán công trình thủy điện và giá bán điện. Nói một cách khác, Nhà nước đang trợ giá cho lĩnh vực sản xuất thủy điện, tạo ra siêu lợi nhuận cho các nhà máy thủy điện từ nguồn thuế và phí có thể thu về cho ngân sách. Giá thành sản xuất của nhà máy thủy điện thấp như đã nói trên tạo ra sự méo mó của thị trường sản xuất điện của Việt Nam, cản trở sự phát triển sản xuất điện từ các loại hình năng lượng tái tạo đầy tiềm năng khác của đất nước, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Các tác giả Phạm Tiến Đức và Lưu Đức Hải [2] đã thử nghiệm hạch toán thêm chi phí thuế sử dụng đất lòng hồ vào giá thành điện tại dự án Nhà máy thủy điện Huội Quảng, tỉnh Lai Châu và đưa ra kết quả là: Giá điện sản xuất của nhà máy thủy điện Huội Quảng phải tăng thêm 2.723,16 đồng, gấp nhiều lần giá bán điện theo cách tính của Bộ Công Thương. Nếu tính thêm các chi phí mất rừng và mất tài nguyên khoáng sản lòng hồ cũng như các chi phí môi trường khác đối với vùng hạ lưu; Giá bán điện còn tăng thêm nhiều lần.

CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỦY ĐIỆN

Phát triển bền vững giai đoạn hiện nay hướng theo xu hướng tăng trưởng xanh và kinh tế xanh, trong đó các chi phí tài nguyên và môi trường cần phải kiểm soát và hạch toán vào giá thành sản xuất. Phát triển bền vững cũng đòi hỏi bỏ các trợ cấp chỉ vì mục tiêu kinh tế, cũng như hài hòa của các lĩnh vực sản xuất kinh tế và hài hòa giữa ba cột trụ kinh tế - môi trường - xã hội.

Giải pháp phát triển bền vững thủy điện đòi hỏi đưa các chi phí tài nguyên môi trường vào toàn bộ chu trình quy hoạch - xây dựng - vận hành dự án. Cụ thể, cần phải tiến hành các phân tích chi phí lợi ích mở rộng làm cơ sở quyết định phê duyệt dự án; Đưa các chi phí tổn thất tài nguyên lòng hồ (rừng, khoáng sản, các giá trị lịch sử văn hóa) vào giá thành xây dựng công trình thủy điện; Cũng như đưa các chi phí về thuế sử dụng đất, phí sử dụng nguồn nước vào giá thành điện.

Việc tăng giá thành sản xuất điện dẫn đến tăng giá mua bán điện giữa EVN và các nhà máy thủy điện và kết quả là tăng giá bán điện của EVN với các hộ tiêu thụ điện sản xuất và điện sinh hoạt. Tuy nhiên, phần tăng thu từ giá bán điện do hạch toán chi phí tài nguyên môi trường sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước, có thể trích ra để hỗ trợ cho người nghèo. Mặt khác, khi giá mua bán điện của EVN tăng lên do tính thêm các chi phí tài nguyên và môi trường thì việc lãng phí trong tiêu dùng điện sẽ giảm, cùng với việc xu hướng gia tăng sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo thay thế. Đây là xu hướng tích cực đối với việc hình thành và phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế xanh ở nước ta.

KẾT LUẬN

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về thủy điện, phần lớn các tiềm năng thủy điện đã được khai thác để tạo ra sản lượng về điện hàng năm cho đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành các dự án thủy điện hiện có đều không được phân tích các chi phí lợi ích, đặc biệt là chi phí lợi ích mở rộng về môi trường.

Thủy điện tạo ra nhiều tác động đến tài nguyên và môi trường của đất nước, do vậy cần phải đưa các chi phí tổn thất tài nguyên và môi trường vào giá thành công trình và giá điện sản xuất của các nhà máy thủy điện. Việc hạch toán ban đầu các tổn thất tài nguyên rừng, tài nguyên đất, v.v. có thể làm tăng giá mua bán điện, nhưng cũng tạo ra nguồn thu ngân sách lớn, cũng như tác động tích cực tới tiết kiệm điện và điều kiện phát triển sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tiềm năng khác như điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối.

Hạch toán các chi phí tài nguyên và môi trường vào các dự án hát triển thủy điện là con đường hướng tới phát triển bền vững, tạo ra động lực cho tăng trưởng xanh và kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Công Thương, Thông tư quy định phương pháp xác định giá phát điện; Trình tự, thủ tục, xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện, số 41/2010/TT-BCT, ngày 14/12/2010.
  2. Phạm Tiến Đức, Lưu Đức Hải, Bước đầu hạch toán các chi phí tài nguyên trong giá thành sản xuất tại các nhà máy thủy điện Việt Nam, nghiên cứu trường hợp nhà máy thủy điện Huội Quảng; Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tập 30, số 4S, tr.42-47, 2014.
  3. Lưu Đức Hải, Nguyễn Thị Hoàng Liên, Các rào cản đối với phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam và các giải pháp khắc phục; Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tập 28, số 4S, tr.61-67, 2012.
  4. Lê Thị Nguyện, Vai trò và những thách thức từ các công trình thủy điện – thủy lợi ở miền Trung Việt Nam; Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, số 68, 2011, tr.79-88.
  5. VP Bank Securities, Báo cáo ngành điện Việt Nam tháng 12/2013.
  6. Viện Năng lượng, Bộ Công Thương; Báo cáo tổng hợp đề tài số I160 “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng khả thi và các giải pháp khai thác hiệu quả nguồn thủy điện nhỏ có công suất 1-30 MW; Hà Nội 2009.
  7. Đặng Đình Thống, Thủy điện Việt Nam: Tiềm năng và thách thức; Báo Năng lượng mới.
  8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 về phê duyệt Chiến lược Năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
  9. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.
  10. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016 về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030.
  11. Nguyễn Văn Trang, Hà Tiến Lũy; Tổng luận phân tích tiềm năng thủy điện Việt Nam, Hà Nội 1990.
  12. Trung tâm Quốc tế về Quản lý môi trường, Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện dòng chính sông Mê Kông, 10/2010.
  13. Apisom Intralawan, David Wood and Richard Frankel, Báo cáo nghiên cứu tác động của việc phát triển thủy điện đến kinh tế, môi trường và xã hội ở hạ lưu sông Mê Kông; Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Đại học Mae Fah Luang, Chiang Rai, Thái Lan, 11/2015.
  14. R. Morimoto and C. Hope, An extended CBA model of hydro projects in Srilanka; Research papers in management studies, University of Cambridge, 2001.
  15. Peeter Pikk, The dangers of marginal cost based electricity pricing; Baltic Journal of Economics Vol.13, No1, 2013, p.49-62.
  16. European Commission, Commission staff working paper an energy policy for comsumers; SEC (2010) 1407 Finnal, Brussels 2010.

HYDROPOWER DEVELOPMENT IN VIETNAM AND ENVIRONMENTAL RESOURCES COSTS

Luu Duc Hai*, Pham Tien Duc**, Cu Thi Sang***

* Vietnam Association for Environmental Economics

**Faculty of Environmental Sciences, VNU-University of Science

*** The Hanoi University of Electricity

ABSTRACT: The paper presents a general status of hydropower projects in Vietnam, natural and environmental impacts of hydropower project’s development. Based on this data, the paper focus on analysis of natural resources loss and environmental demages for hydropower projects and proposes to post natural resources loss and environmental demages into hydroproject building cost price and selling and buying electricity price. Accouting natural resourses loss and environmental demages for hydropower project can be incresing selling and buying electricity price, but also producing a new income for national budget, as well as developing opportunity for electricity production from other country renewable energy potentials. This is the way to sustainable development, green growth and green economy in context of global climate change.   

Key words: Hydropower, Power Planning, Environmental Resources Cost, Renewable Energy, Environmental Impact.

Corresponding author: Luu Duc Hai, Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm biên tập và sửa chữa bài viết: PGS.TS Lưu Đức Hải

Lưu Đức Hải*, Phạm Tiến Đức**, Cù Thị Sáng***

*Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

**Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

***Trường Đại học Điện lực Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Phát triển thủy điện ở Việt Nam và vấn đề chi phí tài nguyên môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới