Chủ nhật, 24/11/2024 06:00 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/11/2022 05:50 (GMT+7)

Phát triển vành đai xanh cho đô thị Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Thời gian tới, TP.Hà Nội sẽ lồng ghép, cụ thể hoá các quy định, định hướng, quan điểm, mục tiêu phát triển kiến trúc Việt Nam vào công tác quy hoạch (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Quy hoạch chưa gắn với kế hoạch xây dựng

Mặc dù Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được công bố nhưng vấn đề quản lý sau quy hoạch để giữ "sắc xanh" trong bức tranh tổng thể vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là khi tốc độ đô thị hóa nhanh đang khiến nhiều người e ngại không gian xanh ngày một bị thu hẹp.

Quá trình đô thị hóa cùng sự gia tăng dân số thiếu kiểm soát đã khiến đô thị Hà Nội mở rộng với tốc độ chưa từng có.

Phát triển vành đai xanh cho đô thị Hà Nội - Ảnh 1

Hà Nội dường như tập trung phát triển đô thị theo chiều rộng hơn chiều sâu, quy hoạch chưa gắn với kế hoạch xây dựng. (Ảnh minh họa)

Xu hướng phát triển theo kiểu “vết dầu loang” gây ra hàng loạt hệ lụy như suy giảm sự tập trung phát triển khu vực trung tâm; gia tăng phương tiện cá nhân, gây tắc nghẽn giao thông giảm chất lượng không khí; tốn kém đầu tư và duy trì hệ thống hạ tầng; mất mát không gian xanh, đất nông nghiệp...

Những năm qua, Hà Nội dường như tập trung phát triển đô thị theo chiều rộng hơn chiều sâu, quy hoạch chưa gắn với kế hoạch xây dựng. Do vậy, điều dễ nhận thấy là bất kỳ vị trí nào hấp dẫn là người dân, doanh nghiệp lại đổ dồn vào đầu tư, xây dựng trong khi các khu vực khác thì chưa được quan tâm đúng mực.

Trước năm 2010 khi có thông tin Trung tâm hành chính Quốc gia chuyển về phía Tây, ngay lập tức hàng loạt các khu đô thị được xây dựng tại các quận huyện Từ Liêm, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất. Thế nhưng, cho đến nay, mới chỉ giới hạn đến khu vực quận Bắc Từ Liêm là có người ở, còn lại trở ra nhiều nơi đang rơi vào tình trạng đô thị “ma”.

Hay 3 năm gần đây, sau khi Hà Nội công bố hàng loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông, như đường cao tốc, cầu vượt sông Hồng thì khu vực ven đô phía Đông, bao gồm Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên đã xuất hiện hiện tượng phân lô, bán nền tràn lan…

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH- KT Hà Nội cho rằng, sự quá tải hạ tầng, với hàng trăm chung cư, khu đô thị tại khu Tây Hà Nội chính là bằng chứng của quá trình phát triển đô thị theo hình thức “vết dầu loang”, “xôi đỗ”.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: Nếu quá trình này không được kiểm soát, trong thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng quá tải dân số ở một số khu vực, dẫn tới hàng loạt hệ lụy như tắc đường, ngập lụt, thiếu không gian xanh... “Việc phát triển đô thị theo hình thức “xôi đỗ” đã khiến đô thị bị mất đi tính cân bằng, tạo ra một TP không hài hòa, méo mó và chắp vá”.

Theo KTS Vũ Hoài Đức, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, quá trình xây dựng và mở rộng không gian đô thị đã chiếm dụng một diện tích lớn đất nông nghiệp. Dù hiện chưa có con số thống kê mới nhất nhưng giai đoạn từ năm 2000-2007, diện tích đất nông nghiệp tại Hà Nội giảm từ hơn 40.000 ha xuống còn hơn 37.000 ha.

Mặt khác, đất xây dựng đô thị tăng lên từ hơn 4.000 ha lên hơn 17.000 ha. Việc giảm dần diện tích cây xanh và mặt nước, đất nông nghiệp đã làm cho môi trường sống và bộ mặt cảnh quan đô thị Hà Nội cũng dần bị biến đổi theo chiều hướng ngày một bất lợi hơn, bên cạnh đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân ngoại thành…

Cần duy trì khu vực hành lang xanh

KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết, theo bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259 (gọi là QHC1259) đã đưa ra một tầm nhìn rất quan trọng cho Hà Nội. Đó là phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm gắn với 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và chiến lược “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh”.

Với diện tích trên 3.300 km2 nhưng quy hoạch chỉ dành 30% là đất xây dựng đô thị, còn lại 70% là mạng lưới cây xanh, hành lang xanh, toàn bộ hành lang đó chạy quanh sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ. Với cấu trúc này Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển một cách tốt nhất, cân bằng mối quan hệ giữa bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên hiện có và phát triển đô thị.

Sau hơn 10 năm triển khai quy hoạch, đến nay đô thị trung tâm phát triển tương đối mạnh, còn 5 đô thị vệ tinh do nhiều nguyên nhân chưa có điều kiện phát triển. Có thể thấy, chiến lược bố trí dân cư vào các đô thị vệ tinh không đạt kết quả và phát triển đô thị theo kiểu “vết dầu loang” đang đe dọa chiến lược hành lang xanh của Thủ đô.

Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cùng bàn về vấn đề này cho rằng, vành đai xanh sông Nhuệ có diện tích khoảng 4.500 ha. Đây là vùng không gian xanh sinh thái chuyển tiếp giữa khu vực nội đô và vùng đô thị mở rộng, được coi là khu vực nhằm để “gói lại” đô thị trung tâm, tránh phát triển đô thị lan tỏa. Khu vực này chủ yếu bố trí trồng cây xanh, xây dựng các dự án công viên lớn.

Còn ông Nguyễn Trúc Anh nhìn nhận, sau 10 năm triển khai quy hoạch vành đai xanh chưa được chú trọng bảo vệ, phát triển. Tại đây, các khu đô thị được thực hiện với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ kết nối, đặc biệt chưa có dự án công viên cây xanh vui chơi giải trí được đầu tư quy mô lớn theo đúng QHC1259 được duyệt.

Ông Nguyễn Trúc Anh nêu: “Chúng ta cần “phanh” lại các dự án, giữ đất để trồng cây hoặc phát triển hệ thống nông nghiệp sinh thái công nghệ cao thì mới có thể giữ lại, nếu không dần chúng ta sẽ mất khu vực vành đai xanh quan trọng này”.

Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh thông tin thêm, qua rà soát đánh giá việc triển khai, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cho thấy, tại khu vực hành lang xanh gồm toàn bộ khu vực nông thôn Hà Nội, trong thời gian qua, tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang các loại đất khác vẫn chưa được kiểm soát. Việc phát triển các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn hạn chế. Cùng đó, việc giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù chưa kiểm soát được chặt chẽ.

Do đó, trong quá trình Điều chỉnh tổng thể QHC1259 tới đây cần có giải pháp khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù. Đồng thời nghiêm cấm phát triển đô thị, xây dựng các công trình quy mô lớn làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên…

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng gây ra áp lực lớn lên chất lượng sống, tài nguyên và môi trường, các chuyên gia đô thị cho rằng đòi hỏi Hà Nội phải có các giải pháp quản lý sự phát triển của đô thị, đồng nghĩa sớm có chương trình phát triển đô thị. Và một trong yếu tố quan trọng là phải duy trì bằng được các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh và nêm xanh ngăn chặn sự phát triển tràn lan, hướng tới đô thị phát triển bền vững.

Chuyên gia quy hoạch TS. Đào Ngọc Nghiêm từng nhấn mạnh: “Vai trò vành đai xanh ngày càng được khẳng định là yếu tố quan trọng, được xác định là công cụ để hạn chế mở rộng trung tâm. Cùng với mô hình quy hoạch với vành đai xanh là thể chế quản lý được thực thi chặt chẽ”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Phát triển vành đai xanh cho đô thị Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới