Chủ nhật, 24/11/2024 09:49 (GMT+7)
Thứ hai, 10/06/2019 06:30 (GMT+7)

Phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ vào dịp hè

Theo dõi KTMT trên

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tay chân miệng thường gặp ở các quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hàng năm, nước ta có hàng nghìn trường hợp trẻ em mắc căn bệnh này.

Phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ vào dịp hè - Ảnh 1
Bệnh tay chân miệng nếu không phát hiện kịp thời dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có coxsackie, echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.

Phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ vào dịp hè - Ảnh 2
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ, có khả năng gây thành dịch lớn - Ảnh: Bộ Y tế

Dấu hiệu nhận biết của bệnh

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện, điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Bênh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm enterovirus gây ra. Người bình thường có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với chất tiết từ mũi, miệng, nước bọt của bệnh nhân. Qua nói chuyện hay việc sờ nắm tay chân người bệnh đều có thể là nguyên nhân lây lan bệnh dịch này.

Các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng

Phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ vào dịp hè - Ảnh 3
Phòng ngừa và xử trí bệnh tay chân miệng - Ảnh: Bộ Y tế

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ vào dịp hè - Ảnh 4
Vệ sinh đúng cách để hạn chế lây nhiễm bệnh cho trẻ- Ảnhr: Bộ Y tế

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị chân tay miệng

Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ thường rất biếng ăn, thậm chí không chịu ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Ngoài ra, khi mắc căn bệnh này, trẻ thường sốt, đau họng... nên rất mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc, do đó dễ bị sút cân.

Nếu trẻ mắc bệnh chân tay miệng, khi cho trẻ ăn uống, cần lưu ý những điểm sau: Cho trẻ ăn những món ăn trẻ thích. Không nên ép trẻ ăn khi trẻ đã từ chối ăn. Do có vết loét trong miệng nên trẻ thường đau và không muốn ăn, vì vậy cần nấu thức ăn thật nhuyễn, mềm, đủ chất, làm lỏng thức ăn để trẻ dễ ăn hơn. Với rau củ quả cũng cần nấu nhuyễn cho trẻ.

Phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ vào dịp hè - Ảnh 5
Các món cháo nấu nhuyễn và hơi lỏng sẽ giúp bé không bị đau miệng khi ăn

Phải làm nguội thức ăn rồi mới cho trẻ ăn; Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ vì trẻ bị đau miệng nên mỗi bữa sẽ không ăn được nhiều. Khi cho trẻ ăn, tránh để thìa chạm vào vết loét trong miệng trẻ; có thể cho trẻ ăn sữa chua, sữa bột, hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi mát.

Nếu trẻ còn bú mẹ, cần cho trẻ bú như bình thường, có thể tăng số lần bú hàng ngày của trẻ. Sau khi trẻ ăn xong, cần cho trẻ súc miệng sạch sẽ hoặc lau sạch miệng trẻ.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ vào dịp hè. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới