Chủ nhật, 24/11/2024 06:00 (GMT+7)
Thứ hai, 03/07/2023 09:36 (GMT+7)

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gia đình là nhân tố quyết định

Theo dõi KTMT trên

Để phòng tránh và hạn chế tử vong do đuối nước hiện nay rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, nhà trường và đặc biệt là gia đình để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ.

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gia đình là nhân tố quyết định - Ảnh 1

"Xã hội hóa" bơi lội

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở LĐTBXH Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay đã xây dựng và đưa vào hoạt động 270 bể bơi (chủ yếu nằm trong các khu du lịch, khách sạn, trung tâm thể thao) trong đó có 29 bể bơi tiêu chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tập luyện trong dịp hè. Để triển khai, phát triển rộng các bể bơi từ nguồn xã hội hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh đã có nhiều giải pháp thu hút nhà đầu tư, cụ thể:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; mục tiêu, ý nghĩa của việc đóng góp các nguồn lực hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gia đình là nhân tố quyết định - Ảnh 2
Lớp bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tỉnh Đoàn Thanh Hóa phát động đã nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong năm 2022, Sở LĐTBXH đã tổ chức 05 lớp dạy bơi an toàn cho 100 trẻ em tại các huyện: Quảng Xương, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, Thọ Xuân; phối hợp với UBND 05 huyện: Như Thanh, Nga Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Nông Cống tổ chức 74 lớp dạy bơi an toàn cho 1.184 trẻ em; 84 lớp tập huấn truyền thông, trang bị kiến thức kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho các bậc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và trẻ em tại 17 xã, thị trấn thực hiện dự án. Tỉnh đoàn đã tổ chức 06 lớp dạy bơi miễn phí cho 300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại 04 huyện: Thường Xuân, Đông Sơn, TP. Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn. Năm 2023, Sở LĐTBXH tiếp tục hỗ trợ 05 lớp dạy bơi an toàn cho 100 trẻ em tại các huyện: Thiệu Hóa, Thạch Thành, Quan Hóa, Yên Định và thành phố Thanh Hóa.

Hai là, chỉ đạo các địa phương quan tâm bố trí quỹ đất dành cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em; tăng cường vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tại cộng đồng, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư cơ sở, bể bơi trong các trường học và phối hợp tổ chức dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh trong các chương trình ngoại khóa; phát triển hệ thống bể bơi thông minh và các nguồn nước mở an toàn để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em.

Ba là, chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, sử dụng các nguồn lực vận động đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Bốn là, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, vận động nguồn lực để thực hiện và nhân rộng các hoạt động, mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em hiệu quả và bền vững.

Năm là, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc vận động nguồn lực hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Cục trưởng cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho hay, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm bảo đảm quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. với mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ em.

Tổ chức các giải bơi tiến tới đưa bơi lội thành môn học

Trong những năm qua, hoạt động dạy bơi và trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em đã được các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chú trọng thực hiện nhưng số lượng trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được học bơi an toàn và trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước vẫn còn ít do dân số đông và điều kiện kinh tế của nhiều địa phương trong tỉnh còn khó khăn.

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gia đình là nhân tố quyết định - Ảnh 3

Thời gian tới, để tăng cường hoạt động dạy bơi và trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chú trọng triển khai nhiều nội dung quan trọng.

Sở LĐTBXH tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức các lớp dạy bơi an toàn cho trẻ em và tập huấn truyền thông, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em tại cộng đồng dân cư.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đưa nội dung phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức về bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cấp cứu khi đuối nước cho các em học sinh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện “Chương trình bơi an toàn”; tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục thể thao và dạy bơi cho trẻ em.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí ngân sách của địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em và vận động xã hội hóa xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh để đẩy mạnh hoạt động dạy bơi an toàn cho học sinh, trẻ em trong nhà trường và tại cộng đồng. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tích cực vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gia đình là nhân tố quyết định - Ảnh 4

Về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong những năm học gần đây đơn vị đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo dạy và học môn Giáo dục thể chất. Đối với môn thể thao tự chọn, khuyến khích các nhà trường đưa Bơi lội vào giảng dạy cho học sinh.

Theo ông Nguyễn Đức Hữu- Vụ Phó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho rằng việc đưa môn bơi vào các trường học không chỉ ở bậc tiểu học mà đây còn là môn học chính ở các bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và cả Cao đẳng, Đại học.

Việc tổ chức dạy môn Bơi trong chương trình tự chọn, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo được các điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thời điểm tổ chức giảng dạy…Vì vậy các nhà trường hiện nay chưa có đủ cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện để tổ chức dạy bơi trong nhà trường nên hầu hết các đơn vị không lựa chọn môn bơi để tổ chức dạy học cho học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có 1320 trường phổ thông và các đơn vị trực thuộc, trong đó: có 602 trường tiểu học; 547 trường trung học sơ sở; 89 trường trung học phổ thông và 82 trường phổ thông có nhiều cấp học. Số bể bơi hiện có là: 25 bể (bậc tiểu học có 10 bể, bậc THCS có 9 bể và bậc THPT có 6 bể).

Gia đình là yếu tố quyết định

Để phòng tránh và hạn chế tử vong do đuối nước hiện nay rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất là các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em là yếu tố quyết định, quan trọng nhất.

Theo các chuyên gia, mọi người cần nhận thức rõ một vấn đề quan trọng: Trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho trẻ phòng tránh đuối nước trước hết phải thuộc về gia đình. Bố mẹ và người thân chính là những người có tính tiên quyết đến tính mạng của con trẻ. Thực tế là vào mỗi dịp hè, khi trẻ nghỉ hè rảnh rỗi kết hợp với thời tiết nắng nóng là thời điểm tỉ lệ trẻ đuối nước tăng. Lúc này, vai trò tuyên truyền của nhà trường tạm thời bị lu mờ và vai trò của gia đình lại cực kỳ quan trọng.

Sự quản lý chặt chẽ mọi hành động cá nhân của trẻ cũng như quan tâm đến những lời bạn bè rủ rê la cà là điều kiện cần để tách con em ra khỏi môi trường không an toàn. Hơn nữa, cần nhắc nhở thường xuyên, cảnh báo thường xuyên về các hiểm họa khó lường từ ao hồ, sông suối sẽ chẳng bao giờ là thừa. Dạy trẻ kĩ năng phát hiện hiểm nguy, kĩ năng thương lượng, từ chối,… để trẻ có ý thức bảo vệ chính mình và bảo vệ bạn bè.

Mặt khác, cung cấp các kiến thức và kỹ năng bơi lội là điều cha mẹ cần trang bị cho con cái. Nếu như ở nông thôn thông thường chính bố mẹ và người thân sẽ là những người thầy dạy bơi cho con cháu mình. Tại các đô thị, cha mẹ có thể đưa con đến các trung tâm dạy bơi để trẻ được trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trong môi trường nước.

Đối với trẻ nhỏ luôn cần sự chăm sóc và giám sát chặt chẽ của người lớn, làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình. Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; tắm ở bể bơi, cha mẹ phải luôn để ý con trong tầm mắt.

Với trẻ em ở nông thôn, cán bộ Phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), cho rằng: Các em thường hay trốn cha mẹ đi chơi, tắm sông, suối dẫn đến bị đuối nước là do không biết bơi hoặc bơi đến chỗ nước quá sâu bị nước cuốn đi. Do đó, rất cần sự giám sát của cha mẹ và hơn nữa, cha mẹ cũng cần dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước; giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm ở sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn.

Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng khi gặp trẻ bị đuối nước cần nhanh chóng tìm cách cứu các em, đồng thời tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để giúp các em không may đuối nước được cứu chữa kịp thời khi xảy ra đuối nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm nghiêm túc hơn vấn đề đuối nước ở trẻ em, ngành giáo dục, cùng cấp ủy chính quyền, cũng như toàn xã hội phải thực sự cùng vào cuộc. Các sở ngành cần kiểm tra lại, căn cứ vào chức năng, quyền hạn của mình để làm sao trang bị được cho thanh thiếu niên các kỹ năng sống, sinh tồn để bảo vệ mình.

Theo Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, ngoài công tác tuyên truyền, cần có những hành động cụ thể, một trong số đó là tổ chức giải bơi cho các lứa tuổi. Với mục tiêu, thời gian tới, trẻ em Thanh Hóa đều biết bơi.Các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền và định hướng, cần lên án những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời cần biểu dương những tấm gương, hành động, việc làm nâng cao kỹ năng sống và bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Phòng chống đuối nước trẻ em: Gia đình là nhân tố quyết định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới