Chủ nhật, 24/11/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ hai, 19/06/2023 11:27 (GMT+7)

Quảng Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu với nền nhiệt độ cao, phân bố đồng đều quanh năm, bức xạ mặt trời khá lớn nên Quảng Bình đang đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Khu vực tỉnh Quảng Bình có số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 - 1.820 giờ/năm, lượng bức xạ trong năm ở tỉnh Quảng Bình dao động trong khoảng 1.256 - 1.418 kWh/m2/năm, tập trung vào các tháng mùa hè từ tháng 3 đến tháng 9 thuận lợi cho phát triển điện mặt trời.

Quảng Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Cụm trang trại điện gió B&T tại tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình cũng có vận tốc gió bình quân từ 6 – 6,75 m/s (ở độ cao 120 m) ở khu vực trên biển và đất liền, thích hợp để phát triển điện gió. Với tiềm năng và thế mạnh đó, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi, cho phép nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện khí...

Tính đến cuối tháng 2/2023, tỉnh Quảng Bình đã có tổng công suất điện gió đã đưa vào vận hành là 252 MW; điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà 95,196 MWp; thủy điện là 14 MW; điện thu hồi nhiệt thải phát điện 17MW. Trong đó, Dự án Cụm trang trại điện gió B&T (gồm BT1 và BT2) do Công ty cổ phần Điện gió B&T làm chủ đầu đầu tư có tổng công suất 252MW, tổng vốn đầu tư hơn 8.113 tỷ đồng đã phát điện thương mại vào tháng 10/2021. Cùng với đó, Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa (Hàn Quốc) đã đầu tư và đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy vào tháng 1/2021, với công suất 49,5 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 1.037 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư cũng đã quan tâm đến dự án năng lượng tái tạo tại huyện Lệ Thủy như Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã đăng ký đầu tư dự án tại xã Hưng Thủy; Công ty cổ phần xây dựng Trường Xuân lập hồ sơ đầu tư dự án điện mặt trời; Công ty cổ phần Đầu tư điện sinh khối Hoàng Gia với dự án nhà máy điện sinh khối tại xã Phú Thủy (vốn 2.420 tỷ đồng)…

Với mục tiêu là sẽ trở thành trung tâm năng lượng lớn của khu vực và cả nước, thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư quan trọng từ các nhà đầu tư lớn trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo.

Cụ thể, trong danh mục dự án thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, ngoài các dự án đã có chủ trương gồm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 (đều có công suất 1.200 MW), Nhà máy Điện khí Quảng Trạch hay Nhà máy điện sinh khối PR-1 Quảng Bình (50 MW); tỉnh Quảng Bình thu hút đầu tư các nhà máy điện gió trên đất liền, trên biển tại các huyện và thị xã Ba Đồn (có công suất 50 - 711 MW).

Bên cạnh đó là các nhà máy điện mặt trời tại huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (có công suất 12 – 330 MWP); các nhà máy thủy điện tại huyện Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa (có công suất 6 - 22MW). Riêng trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Quảng Bình thu hút đầu tư Dự án Nhà máy điện sinh khối (chưa xác định địa điểm) với công suất 47 MW.

Với việc bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (tổ máy số 1 năm 2023, tổ máy số 2 năm 2024), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (tổ máy số 1 năm 2027 và tổ máy số 2 năm 2028) cùng các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối), công nghiệp sản xuất và phân phối điện là ngành động lực, quyết định đến tăng trưởng của sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2021-2030.

Nguyễn Công

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới