Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/05/2021 11:00 (GMT+7)

Quảng Nam xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng

Theo dõi KTMT trên

Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3479/VPCP-NN gửi Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam về việc xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Theo công văn trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý về chủ trương cho Quảng Nam lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tại Quảng Nam. Thời gian thí điểm 5 năm (2021 - 2025).

Mục đích đề án nhằm tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện công tác bảo vệ, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có. Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1489/QĐ-UBND ngày 2/6/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030 (gọi tắt là PRAP tỉnh Quảng Nam) thì việc triển khai xây dựng hồ sơ Dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng trên địa bàn tỉnh với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ là rất cần thiết.

Quảng Nam xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng - Ảnh 1
Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên ở Quảng Nam được phục hồi sẽ có tiềm năng lớn khi bán tín chỉ carbon rừng. 

“Kinh doanh tín chỉ carbon rừng sẽ tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện công tác bảo vệ, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh phát triển rừng trồng, lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh để phát huy giá trị của các hệ sinh thái rừng; tăng cường chức năng bảo vệ môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững", ông Bửu nhận định.

Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+.

Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Quảng Nam thông tin, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng do các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước, sản xuất công nghiệp, kinh doanh du lịch chi trả bình quân hàng năm hơn 100 tỉ đồng. Như vậy, Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mang lại cho tỉnh nguồn thu từ 110 – 130 tỉ đồng, cao hơn nguồn thu dịch vụ môi trường rừng hiện nay, hay nói cách khác là bằng 2 - 2,5 lần đầu tư ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương vào lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài chủ rừng, nhóm đối tượng hưởng lợi (hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư) sẽ được nâng cao thu nhập lên gấp 2 lần hiện nay do được chi trả tiền bán tín chỉ carbon rừng.

Thông qua đề án trên, các chủ rừng (gồm các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị, tổ chức cá nhân trồng rừng…) sẽ được hưởng lợi khi tham gia thị trường carbon rừng. Bởi các chủ rừng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý ra lượng hấp thụ khí CO2 (Cacbon dioxit, khí gây hiệu ứng nhà kính). Giá giao dịch thông thường của thị trường quốc tế theo thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2. Theo tính toán, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Được biết, hiện nay đã có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ carbon rừng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ưu điểm khi triển khai chương trình REDD+ của Quảng Nam là hệ sinh thái rừng nằm ở các hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; Đất lâm nghiệp có sẵn; Phần lớn rừng ở khu vực miền núi đã được quy hoạch chi tiết 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Theo kế hoạch triển khai REDD+ được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2030 sẽ giảm 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng mỗi năm, trung bình giảm khoảng 1,18 triệu tấn CO2; Cải thiện và tăng cường quản trị rừng trong tỉnh. Đặc biệt, mục tiêu quan trọng là có ít nhất 35.646ha rừng tự nhiên trong khu vực rủi ro mất rừng cao sẽ được bảo vệ nhờ các hoạt động REDD+.

Để đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng tại Quảng Nam được hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Quảng Nam xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới