Chủ nhật, 24/11/2024 06:22 (GMT+7)
Thứ tư, 07/09/2022 17:15 (GMT+7)

Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung

Theo dõi KTMT trên

Công nghiệp năng lượng được Quảng Trị xác định là lĩnh vực đột phá, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước trên cơ sở phát triển năng lượng một cách bền vững.

Nhiều dư địa để phát triển năng lượng

Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt… Trong đó, năng lượng tái tạo đã mở ra một hướng phát triển mới, bền vững cho nhiều địa phương miền Trung- Tây Nguyên. Với hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư xây dựng, nhiều địa phương đã tạo nên bước phát triển đột phá.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, điện gió và điện khí có lợi thế là ít gây ô nhiễm môi trường hơn những nguồn năng lượng khác. Tỉnh phấn đấu phát triển các dự án điện trên địa bàn đến năm 2025 đạt khoảng 6.500 MW, đến năm 2030 khoảng 8.000 MW và sau năm 2030 hơn 10.000 MW nhằm góp phần tích cực tăng thu ngân sách địa phương, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ðây là cơ sở để Quảng Trị hướng đến trung tâm năng lượng tái tạo của miền trung và cả nước.

Để quy hoạch Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và cả nước, mở ra hướng phát triển mới của tỉnh, nhiều dự án đã được tỉnh xin quy hoạch trong thời gian tới, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo lớn, mang tầm quy mô- Quảng Trị lợi thế có đường biển dài hơn 75 km với tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, vì vậy tỉnh đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi.

Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung - Ảnh 1
Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng tới hơn 14.000 MW, trong đó lớn nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời. 

Các dự án năng lượng đã được UBND tỉnh Quảng Trị trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch (từ 2018 đến nay) có 54 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 2.883,7 MW. Điện mặt trời mặt đất, có 14 dự án với tổng công suất 1.293,02 MWp. Gần đây nhất ngày 24/3/2022, Sở Công Thương trên cơ sở phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Nhà đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương hồ sơ đề nghị bổ sung Quy hoạch nhà máy điện gió ngoài khơi thuộc địa phận Biển Đông Quảng Trị với công suất 1.000 MW.

Tại Hội thảo "Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung" do Báo Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị tổ chức sáng nay (7/9), ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, thông tin tỉnh hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất đạt 714 MW, trong đó đã đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW. Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5 MW, chưa gồm khoảng 100 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để triển khai thực hiện, trong đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.

Theo dự báo, Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng tới hơn 14.000MW. Trong đó, những lĩnh vực tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời. Như vậy, với công suất hiện tại, tỉnh Quảng Trị còn nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng.

Chuyên gia hiến kế

Hội thảo "Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung" là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư bàn thảo những giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc, góp phần phát triển năng lượng tại Quảng Trị một cách bền vững, hiệu quả.

Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước trên cơ sở phát triển năng lượng một cách bền vững. Đồng thời tận dụng và sử dụng hiệu quả các tiềm năng năng lượng tái tạo và phù hợp định hướng quy hoạch điện VIII.

Theo ông Phùng Mạnh Ngọc, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, phát triển năng lượng bền vững luôn là một trong những vấn đề quan trọng được Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm.

Để đưa Quảng Trị đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng miền Trung, phấn đấu phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000 MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500 MW giai đoạn đến năm 2030.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đến phát triển các ngành năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã làm rõ nét hơn về hướng phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh trong tương lai. Điều này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tiếp tục chọn công nghiệp năng lượng là một trong những lĩnh vực đột phá phát triển với quyết tâm “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Quảng Trị phải kết hợp giữa phát triển năng lượng với công nghiệp hóa, đô thị hóa theo hướng phát triển xanh. Đồng thời, tăng cường nguồn cầu ở bên ngoài tỉnh, nhất là ở miền Bắc, miền Nam và có thể là khu vực các nước ASEAN. Vì thế, cần phải đầu tư, xây dựng hệ thống chuyển tải năng lượng xứng tầm.

Để làm được điều này, chính quyền địa phương cần đồng hành với doanh nghiệp, các địa phương khác cùng vận động để chính sách của Trung ương ưu tiên kết nối năng lượng tái tạo từ vùng này lên lưới và phát triển hệ thống truyền tải sang hai đầu Bắc - Nam. "Đồng thời, phải suy nghĩ đến việc kết nối hệ thống truyền tải với vùng ASEAN. Từ đó, chúng ta có thể bán năng lượng tái tạo sang các nước khác, nhất là Thái Lan", TS Cung nói.

Cũng chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, tỉnh Quảng Trị đã biến những bất lợi thành yếu tố có lợi để phát triển kinh tế xã hội, trong đó đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nhìn từ Ninh Thuận, cho thấy Quảng Trị cần lật ngược tư duy phát triển thì có thể bứt phá mạnh hơn. Để lật ngược tình thế, tỉnh này cần thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận phát triển và có những giải pháp khác biệt.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới