Chủ nhật, 24/11/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/05/2021 15:47 (GMT+7)

Quảng Trị: Xử phạt 180 triệu đồng doanh nghiệp khai thác titan vượt mức

Theo dõi KTMT trên

Ngày 7/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thống Nhất với số tiền 180 triệu đồng do vi phạm trong hoạt động khai thác titan.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thống Nhất (địa chỉ ở 33 Lê Quý Đôn, Phường 1, TP.Đông Hà) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động khai thác titan tại thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) theo Quyết định số 1002/GP-BTNMT ngày 15/5/2008 với diện tích 156,83 ha, thời hạn 13 năm.

Công ty cũng được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 28/12/2018, với diện tích 354.742 m2, thời hạn 2 năm.

Quảng Trị: Xử phạt 180 triệu đồng doanh nghiệp khai thác titan vượt mức - Ảnh 1
Khai thác, chế biến quặng titan tác động không nhỏ đến môi trường.

Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, công ty đã có nhiều hành vi vi phạm nên bị xử phạt. Cụ thể, công ty bị xử phạt 140 triệu đồng do khai thác titan vượt ra ngoài phạm vi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép với diện tích trên 0,29 ha; đồng thời, cơ quan chức năng buộc công ty cải tạo phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép về trạng thái an toàn, buộc chi trả kinh phí đo đạc theo quy định.

Ngoài ra, công ty còn bị xử phạt 30 triệu đồng do sử dụng đất khai thác titan ngoài phạm vi đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thuê với diện tích gần 0,3ha thuộc đất rừng trồng phòng hộ; bị xử phạt 10 triệu đồng do sử dụng đất khai thác titan ngoài phạm vi được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thuê với diện tích 0,1ha thuộc đất chưa sử dụng.

Công ty còn bị buộc phải khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã lấn chiếm trong vòng 30 ngày.

Trước đó, ngày ngày 30/3, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị 30 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 1 tháng 15 ngày.

Đồng thời, buộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn trong thời hạn 10 ngày.

Khai thác, chế biến quặng titan tác động không nhỏ đến môi trường

Bất kỳ hoạt động phát triển nào cũng có tác động đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội. Khai thác và chế biến quặng sa khoáng titan trong cồn cát ven biển cũng không phải là ngoại lệ, đã và đang để lại nhiều tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên, cảnh quan ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp, làm suy giảm các tài nguyên khác.

PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cho biết, khai thác titan cần một lượng nước lớn, đồng thời cũng thải ra một lượng nước thải rất lớn. Nếu khai thác titan, tuyệt đối không được sử dụng nước biển để bơm vào moong khai thác, vì sẽ làm mặn hóa tầng chứa nước và không biết bao giờ mới phục hồi lại được.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận cho rằng, những tác động bất lợi của khai thác, chế biến titan đến môi trường như: Xáo trộn các tầng cát, phá hủy thảm thực vật trên cồn cát, nguy cơ hoang mạc hóa và sự cố môi trường… và những ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch ven biển cũng cần được quan tâm.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Quảng Trị: Xử phạt 180 triệu đồng doanh nghiệp khai thác titan vượt mức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới