Chủ nhật, 24/11/2024 04:35 (GMT+7)
Thứ ba, 09/11/2021 09:17 (GMT+7)

Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước

Theo dõi KTMT trên

Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022...

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính- ngân sách Nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước - Ảnh 1
(Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Nội dung này đã được Quốc hội thảo luận trong cả ngày 8/11. Trong 60 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội trong ngày thảo luận thứ nhất về nội dung này, các ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về việc thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu; các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức bộ máy Nhà nước; cải cách hành chính; tăng trưởng kinh tế vùng; phát triển kinh tế biển; cơ cấu lại nền kinh tế; các chính sách vĩ mô; chính sách tín dụng; nợ xấu; đầu tư phát triển; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ, du lịch; thương mại, xuất nhập khẩu; doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh; giá cả, lạm phát.

Các ý kiến đề cập tới vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; bình đẳng giới; y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; lao động, việc làm, thu nhập; công tác dân tộc; giáo dục-đào tạo; khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; quản lý tài nguyên, đất đai, quy hoạch, phát triển đô thị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ứng dụng khoa học công nghệ; nguồn nhân lực; phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội...

Nhiều ý kiến thảo luận về kết quả thu ngân sách Nhà nước; cơ cấu ngân sách Nhà nước; chính sách thu ngân sách; chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc áp dụng các biện pháp và cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 và việc phân cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác y tế; tác động của dịch Covid-19 đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; các giải pháp của Trung ương và địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19...

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới