Chủ nhật, 24/11/2024 06:46 (GMT+7)
Thứ tư, 07/06/2023 14:15 (GMT+7)

Quốc Oai -Hà Nội: Cảnh hoang tàn ở Dự án trồng, bảo vệ rừng xin chuyển sang xây biệt thự (Bài 19)

Theo dõi KTMT trên

Dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và kết hợp du lịch sinh thái (xã Phú Mãn) của Công ty Hà Phú được TP.Hà Nội đưa vào diện rà soát theo quy hoạch để thu hồi.

Dự án có vào tầm ngắm

Ngày 5/4/2023, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc họp kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Quốc Oai -Hà Nội: Cảnh hoang tàn ở Dự án trồng, bảo vệ rừng xin chuyển sang xây biệt thự (Bài 19) - Ảnh 1
Dự án vốn là diện tích đất rừng.

Trong đó có Dự án trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng và kết hợp du lịch sinh thái (xã Phú Mãn) của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển rừng và kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái Hà Phú (Công ty Hà Phú).

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị phải rà soát theo quy hoạch, nếu dự án nào không đúng quy hoạch dứt khoát phải thu hồi. Bên cạnh đó, xem xét năng lực của nhà đầu tư, nghĩa vụ tài chính và triển khai thu hồi, chấm dứt theo quy định, chuyển mục đích, bảo đảm nguồn lực từ đất và củng cố niềm tin của người dân.

Được biết, phần đất để triển khai dự án này đã được Công ty Hà Phú thuê lại từ UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Cụ thể, năm 2005, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định thu hồi hơn 141,65ha đất lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Phú Mãn giao cho Công ty Hà Phú thuê để thực dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái. Phần đất này, theo kết quả kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng Hà Nội năm 2015 được phê duyệt, là đất “rừng sản xuất”. Trong đó, có 131 ha có rừng và 10,4ha là đất trống quy hoạch để phát triển rừng sản xuất.

Quốc Oai -Hà Nội: Cảnh hoang tàn ở Dự án trồng, bảo vệ rừng xin chuyển sang xây biệt thự (Bài 19) - Ảnh 2
Cổng bảo vệ của dự án cũng không có người.

Khi thuê khu đất này, mục đích của Công ty Hà Phú rất rõ ràng: Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái. Nhưng đến nay dự án đã trải qua 18 năm vẫn chưa được triển khai. Sau chừng ấy năm, những gì mà Hà Phú thực hiện chỉ quanh quẩn trong hạng mục trồng, chăm sóc và bảo vệ một số diện tích rừng, “về du lịch sinh thái chưa được chú trọng đầu tư”, ý kiến của UBND huyện Quốc Oai gửi TP.Hà Nội.

Thế nhưng năm 2019, Công ty Hà Phú có công văn xin chuyển đổi mục đích dự án “Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái” tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội sang thực hiện dự án “Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hà Phú”.

Theo đó, từ hơn 130ha đất trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái và chỉ 2ha là đất để sử dụng xây nhà điều hành, nhà kho, nhà xe (QĐ 1034 của UBND tỉnh Hà Tây)... Hà Phú muốn chuyển sang “Xây dựng khách sạn 5 sao, các khu biệt thự 5 sao phục vụ khách nghỉ dưỡng và lưu trú; xây dựng hệ thống hạ tầng và cảnh quan đồng bộ. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang 100% đất ở lâu dài, sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí”.

Ý kiến trái chiều từ các sở

Điều này đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ Sở TN&MT Hà Nội. Bởi Sở này cho rằng, đề xuất dự án KĐT sinh thái nghỉ dưỡng tại Quốc Oai của Công ty Hà Phú không phù hợp quy hoạch sử dụng đất. Vì theo Bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của TP Hà Nội (đã được thông qua tại Nghị quyết 12/2015/NQ-HĐND thành phố và Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 25/5/2018 của Chính phủ), thì khu vực đề xuất thực hiện dự án được quy hoạch là đất lâm nghiệp.

Quốc Oai -Hà Nội: Cảnh hoang tàn ở Dự án trồng, bảo vệ rừng xin chuyển sang xây biệt thự (Bài 19) - Ảnh 3
Lối vào dự án.

Còn theo ý kiến từ Sở NN&PTNT Hà Nội, kiểm kê rừng năm 2015 (được Hà Nội phê duyệt vào tháng 12/2015, diện tích có rừng của huyện Quốc Oai là khoảng 950 ha (với 800 ha là rừng sản xuất, còn lại là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ). Trong đó, toàn bộ 141 ha đất mà Công ty Hà Phú được giao là đất rừng sản xuất (với 131 ha đất có rừng và 10 ha là đất trống quy hoạch để phát triển rừng sản xuất).

Theo đó, huyện Quốc Oai được quy hoạch duy trì và phát triển khoảng 726 ha diện tích rừng trồng. Mục tiêu quy hoạch đặt ra tới năm 2020, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 7,5% diện tích, hiện mới chỉ đạt khoảng 6%.

Căn cứ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 phê duyệt ngày 1/2/2013, Sở NN&PTNT xác định phạm vi nghiên cứu dự án của Công ty Hà Phú có hiện trạng là rừng và định hướng quy hoạch vẫn được duy trì để trồng rừng, phát triển rừng.

Như vậy, việc điều chuyển toàn bộ 141 ha đất rừng sang mục đích khác của dự án này đi ngược lại quy hoạch bảo vệ rừng của Hà Nội. Đặc biệt đối với diện tích rừng được coi là lá phổi xanh cho cả TP.Hà Nội.

Quốc Oai -Hà Nội: Cảnh hoang tàn ở Dự án trồng, bảo vệ rừng xin chuyển sang xây biệt thự (Bài 19) - Ảnh 4
Hồ nước vốn là nơi khai thác đá trước đây hình thành.

Cử tri và dư luận Hà Nội rất mong TP sớm có quyết định cụ thể về dự án này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh: Thu hồi, chấm dứt theo quy định, chuyển mục đích, bảo đảm nguồn lực từ đất và củng cố niềm tin của người dân.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: Hiện nay, ở nhiều địa phương đều xuất hiện tình trạng các dự án “treo”. Và những dự án treo này gây ra hệ lụy ở nhiều mặt như: Người dân thì không làm được gì vì đất đã nằm trong phạm vi quy hoạch, còn nhà nước thì không thu được tiền thuế bởi doanh nghiệp không đầu tư thì không có cơ sở để tính thuế. Từ đó dẫn đến việc lãng phí tài nguyên đất, môi trường đầu tư khu vực đó bị cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội toàn vùng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân trong khu vực.

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Quốc Oai -Hà Nội: Cảnh hoang tàn ở Dự án trồng, bảo vệ rừng xin chuyển sang xây biệt thự (Bài 19). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới