Chủ nhật, 24/11/2024 06:44 (GMT+7)
Thứ hai, 05/06/2023 14:45 (GMT+7)

Quốc Oai - Hà Nội: Vì sao Dự án Tuần Châu Hà Nội thuộc diện rà soát, thu hồi? (Bài 18)

Theo dõi KTMT trên

Thành phố Hà Nội đã đưa dự án Khu du lịch vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội (tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) vào diện kiểm tra, rà soát do chậm triển khai để tiến tới thực hiện thu hồi theo quy định.

Hình hài sau 15 năm triển khai

Theo Quyết định số 1890 của UBND tỉnh Hà Tây năm 2005 và giấy chứng nhận đầu tư năm 2007, cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty CP Tuần Châu Hà Tây (nay là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội) thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai trên diện tích hơn 198ha.

Quốc Oai - Hà Nội: Vì sao Dự án Tuần Châu Hà Nội thuộc diện rà soát, thu hồi? (Bài 18) - Ảnh 1
Sau 15 năm dự án mới chỉ hoàn thiện mỗi tuyến đường trung tâm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án mới giải phóng mặt bằng được khoảng 42,1ha. Nhà đầu tư đã nhận bàn giao 25,55ha đất liền mảnh và thực hiện đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng hạng mục đất vui chơi giải trí và 13 căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp.

Dự án Tuần Châu Hà Nội từng được kỳ vọng sẽ trở thành một “Hạ Long trên cạn” giữa lòng Thủ đô. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai vẫn dở dang nhiều nơi vẫn chỉ là bãi đất hoang, trong khi người dân Sài Sơn (Quốc Oai - Hà Nội) lâm vào cảnh mất đất, thất nghiệp do mất “tư liệu sản xuất”.

Một người dân thôn Thụy Khuê (Sài Sơn) cho biết: Gia đình tôi cũng có đất nằm trong phần thu hồi của dự án Tuần Châu. Nhưng ngay từ đầu, tôi và nhiều người dân trong thôn không đồng tình mất ruộng. Đất của chúng tôi là đất 2 lúa, bây giờ lại phải bán, trong khi nghề nghiệp không có. Trong khi ruộng đất bỏ hoang.

Theo quy hoạch được duyệt trong hai năm 2011 và 2012, chủ đầu tư sẽ thực hiện xong việc đền bù, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng, thi công cơ sở hạ tầng. Từ năm 2012 đến hết năm 2014, các hạng mục như khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học sẽ được thi công và đến hết năm 2016 thì toàn bộ dự án hoàn thành.

Quốc Oai - Hà Nội: Vì sao Dự án Tuần Châu Hà Nội thuộc diện rà soát, thu hồi? (Bài 18) - Ảnh 2
Đa phần diện tích vẫn để hoang nhiều năm nay.

Trong lúc dự án đã nhiều lần chậm tiến độ nhưng không hiểu sao đến tháng 6/2021, chủ đầu tư dự án lại xin Thủ tướng cho điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm quy mô diện tích đất dự án, đồng thời mở rộng mục tiêu, quy mô xây dựng nhà ở.

Liên quan đến đề xuất của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, Bộ KH-ĐT đã lấy ý kiến các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và TP.Hà Nội trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sau khi Bộ KH-ĐT nhận được ý kiến của các Bộ trên. Tháng 1/2022, Bộ KH-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND và Công ty CP Tuần Châu Hà Nội làm rõ một số nội dung về hồ sơ dự án. Tuy nhiên, Bộ chưa nhận được ý kiến của UBND TP Hà Nội và giải trình bổ sung hồ sơ dự án của chủ đầu tư. 

Lãng phí tài nguyên

Vào cuối tháng 10/2022, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội lại có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội. Vì vậy, Bộ KH-ĐT đã chấp thuận dừng điều chỉnh dự án theo đề nghị của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.

Mới đây, vào ngày 5/4/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc họp kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai, dự án Khu du lịch vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội (xã Sài Sơn) thuộc 1 trong 8 dự án tiếp tục rà soát các dự án theo các văn bản của UBND thành phố.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở rà soát hồ sơ từng dự án, đưa ra kết luận thanh tra của từng dự án, hoàn thành trong tháng 4/2023. “Thành phố sẽ tiếp tục họp xem xét các nội dung liên quan trong đầu tháng 5/2023”, ông Thanh nói.

Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành rà soát lại lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp đối với các dự án chậm triển khai.

Quốc Oai - Hà Nội: Vì sao Dự án Tuần Châu Hà Nội thuộc diện rà soát, thu hồi? (Bài 18) - Ảnh 3
Phía sau thủy cung là diện tích đất của dự án vẫn bỏ hoang.

Đối với 8 dự án khác, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị phải rà soát theo quy hoạch, nếu dự án nào không đúng quy hoạch dứt khoát phải thu hồi. Bên cạnh đó, xem xét năng lực của nhà đầu tư, nghĩa vụ tài chính và triển khai thu hồi, chấm dứt theo quy định, chuyển mục đích, bảo đảm nguồn lực từ đất và củng cố niềm tin của người dân.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, dự án “treo” gây thiệt hại nhiều mặt về cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Cách tiếp cận tính toán thiệt hại kinh tế bằng tiền tệ nêu trên là hướng cần được quan tâm, xem xét, đưa vào áp dụng làm rõ mức độ thiệt hại/lãng phí của các dự án “treo”.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, các chủ dự án và cơ quan quản lý dự án cần tiến hành tính toán thiệt hại để cùng tìm biện pháp khắc phục. Các cơ quan báo chí cũng có thể áp dụng phương pháp chi phí/lợi ích tựa cơ hội để ước tính và cảnh báo mức thiệt hại khi đất đai bị bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích. Nếu có cơ sở dữ liệu về giá trị đất đai do cơ quan nhà nước hoặc ngoài nhà nước xây dựng thì ước tính này só tính thuyết phục cao hơn và cảnh báo, đánh giá về dự án treo sẽ có tác dụng hơn.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Quốc Oai - Hà Nội: Vì sao Dự án Tuần Châu Hà Nội thuộc diện rà soát, thu hồi? (Bài 18). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới