Thị trường BĐS khu vực TP.HCM: Chớm phục hồi đã lo tăng giá
Thị trường bất động sản (BĐS) khu vực TP.HCM và các địa phương lân cận trong những tháng đầu năm 2024 đã đón nhận nhiều gam màu sáng. Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào chu kỳ phục hồi.
Rục rịch... tăng giá
Nhiều sàn môi giới BĐS tại khu vực TP.HCM cho biết, giai đoạn 2021 - 2022, trong “cơn sốt” BĐS, giá nhà, đất tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đã bị đẩy lên quá cao. Cuối năm 2022 - 2023, khi thị trường bị “đóng băng”, nhiều nhà đầu tư “kẹt tài chính” buộc phải hạ giá từ 20 - 30% để có thanh khoản. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường nhà đất, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ có dấu hiệu phục hồi khi lượng tin đăng và tìm kiếm tăng mạnh.
Chị Phương (môi giới nhà đất tại TP.HCM) cho hay, từ đầu tháng 2/2024 đến nay, giá nhà đất trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận có xu hướng điều chỉnh tăng, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ. Khi thấy thị trường rục rịch có thanh khoản trở lại, nhiều chủ nhà đất đã ngay lập tức tăng giá, mức tăng chưa nhiều, trong đó, có nhiều chủ đất tăng giá theo kiểu thăm dò thị trường.
Theo ghi nhận, giá nhà đất tại TP.HCM đã được nhiều chủ nhà đất điều chỉnh tăng so với trước Tết. Không chỉ phân khúc nhà liền thổ, căn hộ cũng được điều chỉnh giá theo xu hướng tăng. Tại quận 8, trước Tết, nhiều chủ rao bán căn hộ dự án đang xây dựng trên đường Nguyễn Văn Linh theo giá hợp đồng, thì nay đã rao bán với giá chênh lệch cao hơn từ 70 - 100 triệu đồng/căn.
Đơn cử, tại 1 dự án ở TP. Thủ Đức, dù chưa công bố giá chính thức nhưng theo các đơn vị môi giới, giá bán sẽ rơi vào khoảng 6.000 - 7.000USD/m2 (tương đương 147,6 - 172,2 triệu đồng/m2). Hay như dự án căn hộ cao cấp trong khu đô thị (cũng tại TP. Thủ Đức), theo tiết lộ của đại diện chủ đầu tư, giá bán không dưới 100 triệu đồng/m2...
Cần lưu tâm đến khả năng hấp thụ và tài chính của người mua
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng, Quốc hội vừa thông qua 3 Luật rất quan trọng đó là Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai, với nhiều điều khoản thông thoáng hơn, giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án. "Hiện BĐS - đặc biệt là phân khúc dành cho nhu cầu ở thực vẫn bán được. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, khi lãi suất giảm, gửi tiết kiệm không còn cao thì BĐS sẽ là một trong các kênh được người dân ưu tiên lựa chọn. Dù bắt đầu có bước phục hồi, các doanh nghiệp tung sản phẩm bắt nhịp chu kỳ mới của thị trường, song điều đáng lo ngại là giá bán của sản phẩm cả mới lẫn cũ trên thị trường thứ cấp bắt đầu có sự điều chỉnh tăng”, ông Phúc cho hay.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm thì giá BĐS tăng là điều tất yếu, trong đó, mặt bằng giá chung cư sẽ còn tiếp tục neo ở mức rất cao. Với những dự án đang xây dựng và mới mở bán, biên độ tăng giá sẽ cao hơn do các chủ đầu tư chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào. Dự báo, giá căn hộ chung cư sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới do nguồn cung chưa thể đáp ứng, thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý kéo dài cũng góp phần đẩy giá nhà tăng.
Dữ liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, trong 3 năm qua, số dự án BĐS được chấp thuận chủ trương đầu tư của TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, năm 2021 có 7 dự án, năm 2022 có 2 dự án và năm 2023 cũng chỉ có 2 dự án. Như vậy, sau 3 năm kể từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, Thành phố chỉ có 11 dự án được “khai sinh”, chưa kể thời gian triển khai xây dựng.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định, trong dài hạn, ngoài chung cư và nhà liền thổ thì giá đất nền cũng có thể tiếp tục tăng lên và giao dịch sẽ trở lại. Do giá BĐS phụ thuộc vào yếu tố khác như việc triển khai hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân. "Diễn biến thị trường BĐS trong những năm tới sẽ có chiều hướng tốt, nhưng cần lưu tâm đến khả năng hấp thụ và yếu tố tài chính của người mua nhà. Nhà đầu tư không nên “đẩy” giá nhà đất lên cao, tránh rủi ro khi thị trường vẫn còn trong giai đoạn chớm hồi phục”, ông Tuấn khuyến nghị.