Chủ nhật, 24/11/2024 04:02 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/10/2024 09:43 (GMT+7)

Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư gần 6.061 tỷ đồng

Theo dõi KTMT trên

Số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đầu kỳ là 6.079,4 tỷ; số dư Quỹ BOG đầu cuối kỳ (quý II/2024) là gần 6.061 tỷ đồng.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư gần 6.061 tỷ đồng - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa công khai chi tiết tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của các thương nhân kinh doanh xăng dầu quý II/2024.

Theo đó, số dư Quỹ BOG đầu kỳ là 6.079,4 tỷ; số dư Quỹ BOG đầu cuối kỳ (quý II/2024) là gần 6.061 tỷ đồng.

Trong đó, số dư Quỹ BOG tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 3.078,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM 328 tỷ đồng; Công ty TNHHH MTV-Tổng công ty xăng dầu Quân đội: 299,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp 460 tỷ đồng; Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ 390,4 tỷ đồng.

Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh có số dư quỹ là 164,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Dương Đông 182 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức 467,2 tỷ đồng…

Số dư Quỹ BOG đầu kỳ là 6.079,48 tỷ đồng. Trong kỳ đã thực hiện trích lập Quỹ BOG 29,25 tỷ đồng; tổng số tiền chi sử dụng Quỹ BOG trong kỳ 9,7 tỷ đồng.Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trên 3, 2 tỷ đồng; Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm 5,9 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG cuối kỳ gần 6.061 tỷ đồng.

Nếu so sánh với năm 2023, tính đến hết quý II/2023 (đến hết ngày 30/6/2023), số dư Quỹ BOG là 7.424,7 tỷ đồng.

Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định. 

Việc Bộ Tài chính công khai tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG xăng dầu nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa một số điều của Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, Báo cáo đánh giá về nhiệm vụ sử dụng Quỹ BOG, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian qua, quỹ này đã được liên Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng giá) trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực tế, từ tháng 10/2023 đến nay nhà chức trách đã dừng trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi sử dụng quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập quỹ đối với một số mặt hàng dầu.

So với cuối 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng. Theo đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), việc giảm này chủ yếu do một số doanh nghiệp như Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Tập đoàn Pelio không còn là đầu mối kinh doanh xăng dầu. Vì thế, nhà chức trách không công bố tiền quỹ bình ổn của các doanh nghiệp này, do tiền đã được kết chuyển, nộp vào ngân sách.

Bộ Công Thương đánh giá, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày/lần theo Nghị định 80, mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh giá không lớn, giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, do đó ít khi phải trích lập quỹ và hoàn toàn không phải chi quỹ.

Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận việc sử dụng quỹ thời gian qua cho thấy một số bất cập được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra như: Doanh nghiệp sử dụng quỹ sai mục đích; không kết chuyển tiền về quỹ; việc trích lập, chi Quỹ BOG thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời hạn cụ thể… chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.

Với những tồn tại trên, tại dự thảo sửa đổi nghị định xăng dầu mới nhất, Bộ Công Thương đề xuất, số dư Quỹ BOG thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024).

Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu, có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư gần 6.061 tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới